Dù chỉ diễn ra trong ba ngày (21, 22, 23-9-2018 tại Khách sạn Park Hyatt Sài Gòn, Công trường Lam Sơn, Q.1, TP. Hồ Chí Minh), triển lãm tranh của họa sĩ quá cố Lê Văn Xương là một sự kiện đáng nhớ đối với công chúng yêu hội họa, lần đầu tiên được thưởng lãm tranh của ông.
Với tên gọi “Điều kỳ diệu”, triển lãm giới thiệu 101 tác phẩm của một tác giả cho tới nay vẫn chưa được biết đến nhiều dù trong sự nghiệp sáng tác dài lâu của mình, ông đã vẽ cả ngàn bức tranh nhiều đề tài, từ phong cảnh đến chân dung, với đa chất liệu: màu nước, bột màu, sơn dầu, pastel… Con số 101 tương ứng với kỷ niệm 101 năm ngày sinh của Lê Văn Xương (1917-1988), người đã tìm đến hội họa không bằng trường lớp chính quy mà học vẽ từ một số họa sĩ ngay từ thuở thiếu niên, trong số đó có họa sĩ Nhan Chí (1920-1967) là sinh viên khóa XII Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vốn nổi tiếng với tranh chân dung pastel. Sau này ông lại kết bạn với các họa sĩ tài năng như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Hoàng Lập Ngôn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Bình, Trần Văn Thọ…, nhờ đó mà tay nghề hội họa ngày càng điêu luyện.
- Xem thêm: Hà Nội trong tranh Phạm Bình Chương
Năm 1919, Lê Văn Xương từ Hà Nội vào Sài Gòn tìm cảm hứng sáng tác và đến năm 1941 đã tự tin triển lãm cá nhân đầu tiên tại thành phố phương Nam. Tại triển lãm này nhiều tác phẩm của ông đã có người sưu tập. Ông còn làm hai triển lãm cá nhân nữa tại Sài Gòn (1949) và tại Đà Lạt (1951) trước khi cùng gia đình chuyển về Hà Nội sinh sống. Ngày 28-4-1953, tại Nhà hát Lớn Hà Nội phòng tranh Lê Văn Xương được cắt băng khai mạc. Với tên gọi “Hà Nội 36 phố phường”, phòng tranh giới thiệu 29 tác phẩm, với chín bức được nhiều quan chức thủ đô lúc bấy giờ chọn mua. Về phòng tranh này, họa sĩ Bùi Xuân Phái viết: “Tôi thấy ở Văn Xương một tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn màu đặc sắc hơn những loại khác”, họa sĩ Trần Văn Thọ ghi nhận: “Thời gian qua mà Xương còn nhiều năng lực làm việc như vậy thì rất mừng cho tương lai nghệ thuật Việt Nam”. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông tham gia Hội Mỹ thuật Việt Nam, tiếp tục sáng tác hội họa và điêu khắc, từng đi ký họa tại các chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị. Năm 1975, đất nước thống nhất ông lại vào Sài Gòn sinh sống và sáng tác. Tháng 10-1988 Lê Văn Xương qua đời tại TP. Hồ Chí Minh.
Trong triển lãm “Điều kỳ diệu”, đáng chú ý là mảng tranh vẽ Hà Nội những năm 1950-1960, trong đó những tranh sơn dầu khổ nhỏ thể hiện phố phường đất Tràng An thanh lịch, đem đến bao nỗi niềm hoài cảm cho những ai nặng lòng với một Hà Nội thời quá vãng, từng được Thạch Lam, Vũ Bằng và nhiều tác giả văn chương mô tả qua những trang tuyệt bút. Có thể thấy bàng bạc ảnh hưởng của các bậc thầy Pháp của Trường Mỹ thuật Đông Dương qua tranh vẽ Hà Nội của Lê Văn Xương, và cách nhìn, cách thể hiện Hà Nội rất riêng biệt của ông với một bảng màu khác lạ so với nhiều tác giả cùng thời. Trong tranh vẽ Hà Nội, ông tả nhân vật dù với kích thước rất nhỏ nhưng thật sinh động qua trang phục, dáng điệu từng người…
- Xem thêm: Nguyễn Trịnh Thái với “… từ Hà Nội”
Toàn bộ tác phẩm tại triển lãm thuộc sở hữu của nhà sưu tập Lê Y Lan, con gái tác giả, người đã lưu giữ tranh của thân phụ từ tấm bé, để ngày nay có một gia tài đáng nể. Trong bộ sưu tập của cô, một cựu người mẫu, còn có tranh của nhiều họa sĩ tên tuổi như Vũ Cao Đàm, Hoàng Lập Ngôn, Diệp Minh Châu…