Những bộ sưu tập gợi lại bao khung cảnh mùa hè trong hoài niệm của nhiều người là nét đặc sắc của Tuần lễ thời trang Xuân-Hè 2019 mới được khai mạc tại New York.
Có thể nói, văn hóa thế giới bị ảnh hưởng rất mạnh mẽ bởi văn hóa đại chúng Mỹ ở nửa sau thế kỷ XX, khi âm nhạc, điện ảnh và thời trang nhanh chóng được lan tỏa khắp toàn cầu, trong đó thời trang chính là tấm gương phản ánh nền điện ảnh và âm nhạc của xứ Cờ hoa. Có thể ví tuần lễ thời trang lần này tại New York giống như một bộ phim Mỹ về mùa hè bất tận.
Một trong những “đặc sản” của văn hóa Mỹ là kỳ nghỉ hè tại vùng biển bang California. Khung cảnh biển xanh thẳm, các chàng trai say sưa lướt sóng, họa tiết hoa lá, đồ bơi màu neon vốn là những thành phần không thể thiếu trong bất kỳ bộ phim Mỹ nào có bối cảnh mùa hè. Bộ sưu tập của Prabal Gurung (nhà thiết kế gốc Nepal) gần như khắc họa trọn vẹn khung cảnh đó của những năm cuối thập niên 1980 – đầu những năm 1990. Bảng màu được anh sử dụng là những màu neon bắt mắt như hồng, vàng chanh, xanh nõn chuối, tím, cam… Sự kết hợp chất liệu polyester và chi tiết rút dây trên trang phục thể thao là hình ảnh liên tưởng đến phong cách thể thao của giới trẻ Mỹ.
Thật thiếu sót nếu nhắc đến nước Mỹ mà bỏ qua thập niên 1970 với hình ảnh của những nàng gypsy hay dân cowboy. Coach 1941 đưa chúng ta đến những vùng thảo nguyên hay khu rừng, nơi dừng chân của những đoàn người du mục. Họa tiết hoa li ti trên kiểu đầm Bohemian giàu chất thơ và lãng mạn đi cùng với trang phục da và lông cừu xén. Cùng thời điểm đó, khác với cảm giác một chút chớm thu của Coach 1941, Anna Sui và Michael Kors lại kể một câu chuyện tươi mát hơn với trang phục ngắn hơn và họa tiết cũng rực rỡ hơn.
Đi ngược lại với dòng chảy thương mại và bỏ qua những lời đồn tiêu cực về việc kinh doanh, Marc Jacobs một lần nữa gây ấn tượng với người yêu thời trang, mặc dù sự kiện bị trễ hơn dự kiến đến một tiếng rưỡi, diễn ra lúc 11 giờ đêm. Vẫn có thể thấy được sự ám ảnh về thập niên 1980 trong ông qua những thiết kế “hoành tráng” với những chi tiết khuếch trương phom dáng, những nếp xếp nhún vải, cách tạo hình hoa hồng và kết lông vũ choáng ngợp được lấy cảm hứng từ những huyền thoại couture hồi những năm 1980. Điều này ít nhiều gợi nhớ tới minh tinh huyền thoại Audrey Hepburn từng lột xác trong bộ phim kinh điển My Fair Lady.
Là người Bỉ, Raf Simons thể hiện góc nhìn về nước Mỹ trong các thiết kế mang thương hiệu CK, đồng thời mô tả sự gắn kết giữa thời trang và điện ảnh Mỹ trong bộ sưu tập Xuân-Hè mới nhất của mình. Đầu tiên là bộ phim kinh dị Jaws của Steven Spielberg năm 1975 với trang phục thợ lặn và áo thun in poster phim lồng ghép logo CK. Kế đến là hình tượng những sinh viên tốt nghiệp trong bộ phim The Graduate của Mike Nichols năm 1967. Cả hai được Raf Simons và trợ thủ Pieter Mulier kết hợp một cách thú vị từ tổng thể bộ sưu tập đến sự kết hợp trang phục trên từng mẫu. Sở dĩ Raf Simons chọn hai tựa phim này vì chúng có ý nghĩa với ông và truyền đi được thông điệp “Những thảm họa đôi khi có thể trở thành cái đẹp, và những gì mỹ miều xung quanh chúng ta lắm lúc lại trở nên thật kinh hoàng”.