Trong thời gian năm năm 2013-2017, một nhóm cư dân ở vùng Đồng bằng sông Irrawaddy, Myanmar đã tốn nhiều công sức để trồng 2,7 triệu cây đước nhằm nỗ lực khôi phục hệ sinh thái đã biến mất trong vài thập niên qua.
Nhưng việc này đòi hỏi rất nhiều nhân công và Worldview International Foundation – tổ chức phi chính phủ tham gia dự án này muốn phủ thêm cây đước cho một vùng rộng hơn nên họ đã tìm đến công nghệ trồng cây sử dụng drone (thiết bị bay điều khiển từ xa).
- Xem thêm: “Người giữ lửa” cho nông dân sản xuất
Công nghệ dùng drone trồng cây của Công ty startup BioCarbon Engineering (trụ sở tại Anh) có thể trồng đến 100.000 cây chỉ trong một ngày. Nhờ thế, người dân địa phương có thể tập trung chăm sóc cây non đang bắt đầu lớn lên. Nếu việc thử nghiệm thành công, công nghệ này sẽ được sử dụng để trồng thêm cây đước cho một khu vực rộng lớn. Rừng đước là nơi cư ngụ của cá, có thể ngăn sóng lớn tấn công sâu vào đất liền và ngăn nước mặn xâm nhập vùng đất nuôi trồng. Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng cây đước có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu vì chúng có thể hấp thu gấp hai đến bốn lần lượng carbon dioxide so với các rừng cây nhiệt đới khác.
TerViva là một công ty startup công nghệ nông nghiệp của Mỹ. Họ đang phủ xanh đất nông trại bị bỏ hoang bằng cách trồng cây đậu dầu (pongamia), một loại cây cần ít nước và sản sinh ra dầu có thể sử dụng trong thực phẩm và xăng sinh học.
Những công ty này là một phần của nền kinh tế “khôi phục môi trường” đang phát triển với mục tiêu phục hồi diện tích rừng và đất bị hoang hóa trên thế giới. Trong báo cáo “The Business of Planting Trees”, các tổ chức phi lợi nhuận World Resources Institute và Nature Conservancy cho rằng đây là một lĩnh vực mới mà các nhà đầu tư nên cân nhắc tham gia. “Công nghệ giúp cho chi phí trồng cây thấp hơn. Chúng tôi cũng nhận thấy mọi người bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến môi trường, đặc biệt là đối với việc khôi phục và bảo tồn”, Sofia Faruqi – người quản lý chương trình New Restoration Economy của World Resources Institute nói.
Các quốc gia đang cần trồng lại một diện tích rừng tương đương với diện tích của Nam Phi vì đây là một phần của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nỗ lực này sẽ góp phần cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và cũng mang lại nhiều lợi ích khác như bảo vệ sinh vật hoang dã và nguồn nước. Cơ hội và lợi ích tiềm năng là rất lớn.
Nhiều doanh nghiệp hợp tác với các chính phủ trong nỗ lực khôi phục môi trường là các công ty startup như BioCarbon Engineering. Các công ty khởi nghiệp này có những cách tiếp cận khác nhau. Chẳng hạn, BioCarbon Engineering tập trung vào phát triển công nghệ mới, sử dụng “drone” – một dạng máy trồng cây thông minh được điều khiển từ xa. Một nhóm doanh nghiệp khác trồng cây để phục vụ cho các thương hiệu tiêu dùng của họ; chẳng hạn Công ty Guayaki trồng cây yerba mate trong bóng râm để sản xuất các loại thức uống tự nhiên và bổ dưỡng. Một nhóm khác tập trung vào quản lý các dự án khôi phục môi trường. Nhóm cuối cùng là những công ty trồng cây để kinh doanh lâm nghiệp thương mại, nhưng ở những vùng đất bị thoái hóa.
Một điểm lạc quan là các công ty lâm nghiệp truyền thống cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn vào lĩnh vực này. “Họ nhận ra rằng kinh doanh theo kiểu cũ thì không còn hiệu quả và đang có những bước đi nhằm đưa công tác khôi phục môi trường vào chuỗi cung ứng của họ”, Sofia Faruqi nói.
– Theo Fast Company