Lần đầu tiên một chương trình hợp tác có tính chiến lược giữa hai doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp và nông nghiệp đã được thực hiện qua lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) và Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) diễn ra tối ngày 8-8-2018.
Hợp tác này phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, một trong những ngành kinh tế chính của Việt Nam, theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nếu trước đây làm nông nghiệp là không kiếm được nhiều tiền, là nghèo thì đến nay đã khác, làm nông nghiệp sẽ giàu nếu biết cách ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm tốt.
Được biết vào đầu năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HAGL đang gặp khó khăn thiếu vốn để gia tăng diện tích cây ăn trái và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đã mời gọi Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cùng mình vực dậy HAGL trong lĩnh vực nông nghiệp và hoàn thành các dự án bất động sản tại Myanmar.
HAGL là một tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam với hơn 25 năm hình thành và phát triển, đã có những đóng góp lớn cho kinh tế và xã hội, do điều kiện khách quan mà lâm vào tình cảnh khó khăn. Trên vai trò là một doanh nhân, Chủ tịch Thaco thấu hiểu khát vọng, nỗ lực và ý chí của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, đã quyết định hỗ trợ, chia sẻ cũng như đồng hành với HAGL.
Theo cam kết trong thỏa thuận đầu tư, cá nhân ông Dương sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc Tập đoàn HAGL trong đó bao gồm cơ cấu nợ và thu xếp vốn để thực hiện chiến lược phát triển bền vững, dựa trên ba giải pháp đồng bộ: (1) Ứng dụng công nghệ cao một cách phù hợp theo lộ trình, (2) Quản trị bằng ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở vốn hóa và (3) Cơ giới hóa tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Với chiến lược này, Thaco sẽ góp phần bù đắp những khoảng trống hiện nay của nông nghiệp Việt Nam, biến giấc mơ và khát vọng nông nghiệp của HAGL nói riêng và nông nghiệp nói chung của Việt Nam, Lào, Campuchia trở thành hiện thực.
Nền nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua chưa tháo gỡ được tồn tại lớn của tình trạng “được mùa mất giá”, năng suất thấp, quy mô nhỏ lẻ, đời sống nông dân còn bấp bênh. Trong chuỗi giá trị toàn cầu, nông nghiệp Việt Nam chưa tương xứng với các lợi thế tự nhiên, quy mô nông nghiệp đóng góp vào GDP dưới mức tiềm năng. Số lượng, chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh phát triển trong khu vực và trên toàn cầu.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thay vì cách giải cứu truyền thống, kêu gọi mọi người mua nông sản rớt giá thì giờ đây chúng ta cùng nhau thúc đẩy xu hướng căn cơ hơn là các doanh nghiệp, với tiềm lực lớn tham gia góp vốn, đem tâm sức, công nghệ và trình độ kỹ trị góp phần làm thay đổi nền tảng nông nghiệp nói chung.
Với sự tham gia của Thaco vào HAGL, Thủ tướng mong muốn nền nông nghiệp Việt, Lào, Campuchia sẽ được kéo xích lại gần nhau, bổ sung cộng hưởng với nhau, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân ba nước.
Sự hợp tác này không chỉ thiết lập một hình mẫu tiên tiến về ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp mà rộng hơn, cùng kiến tạo xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, mở rộng sân chơi, mời gọi những doanh nghiệp lớn đầu tư và phát triển trong nông nghiệp, tham gia sâu vào nông nghiệp.
Trước đó, ngày 3-8 Thaco đã chính thức ký kết Thỏa thuận Hợp tác chiến lược với HAGL để đầu tư vào hai công ty là Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế HAGL (HNG) và Công ty HAGL Myanmar Center.
Thông qua hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi, Thaco và nhóm cổ đông của Thaco sở hữu 35% HNG với tổng số vốn đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng. Theo cam kết trong thỏa thuận đầu tư, Thaco sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc toàn diện Công ty Nông nghiệp HNG với tổng vốn đầu tư tiếp theo ước khoảng 12.000 tỉ đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm trước đây toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp chỉ có hơn 3.000 doanh nghiệp, chiếm chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Riêng năm 2017 đã có thêm gần 2.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng năm nay số doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào nông nghiệp tăng lên mạnh mẽ.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng, đây là tín hiệu khá tích cực không chỉ với riêng ngành nông nghiệp mà còn là với nền kinh tế – xã hội nói chung.
Các doanh nghiệp đầu tư vào một trong những lĩnh vực lợi thế của đất nước, chuyển hướng sang sản xuất thay vì đầu tư vào các lĩnh vực như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản… Điều này không chỉ giúp nâng cao nền tảng sản xuất mà còn tạo thêm việc làm, tạo ra giá trị gia tăng mới.
Tuy nhiên, hiện nay số doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất nhỏ bé so với lực lượng doanh nghiệp trên cả nước. Theo TS Đinh Trọng Thắng, một trong những nguyên nhân các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà là thể chế thị trường hoạt động chưa đủ mạnh và chưa thông suốt ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận đến các nguồn lực sản xuất như đất đai và lao động ở nông thôn, cũng như nguồn lực thị trường. Trong đó có một vấn đề rất lớn cần được giải quyết, đó là quan hệ giữa mục tiêu tăng thu nhập cho người nông dân và mục tiêu đảm bảo diện tích trồng một số loại cây cụ thể, đặc biệt là cây lúa. Hay nói cách khác, đang cần có một tư duy mới, một cách tiếp cận mới trong vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, tránh đồng nhất an ninh lương thực với diện tích và sản lượng một số loại cây cụ thể…
Bên cạnh đó, còn nhiều rào cản, khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp, nhất là những bất cập về vấn đề hạn điền. Hiện nay có ba khó khăn để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đó là khó tập trung đất đai, yếu tố môi trường và giá trị đầu tư vào nông nghiệp rất cao. Một mặt, người dân nhìn chung có tâm lý không muốn cho thuê đất, nếu cho thuê thì cũng trong thời gian ngắn và có thể đòi lại bất cứ lúc nào, trong khi đó, để sinh lời, ít nhất doanh nghiệp phải thuê được trong 10 năm. Điều này cũng dẫn tới doanh nghiệp phải tiếp cận từng hộ nông dân khiến chi phí đội lên rất cao, khiếu kiện rất lớn.
Nếu giải quyết được vấn đề có tính quan điểm trên sẽ là tiền đề để đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giảm nhẹ nhiều rào cản về tiếp cận nguồn lực như đất đai, lao động và vốn.
Theo các chuyên gia kinh tế, bước đầu, việc nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã giúp manh nha hình thành nên một số chuỗi sản xuất, một số vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn, thậm chí đáp ứng những tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Trong sản xuất nông nghiệp, đất đai là nhân tố quyết định việc thành bại của đầu tư, không có đất thì doanh nghiệp không thể đầu tư được. Vì thế, Nhà nước cần xem xét, rà soát các quy định, từ đó cho phép người dân, doanh nghiệp được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đặc biệt nên xóa bỏ hạn điền.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), để giữ chân doanh nghiệp và tạo dựng lòng tin, trước hết phải tập trung cải cách hành chính. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước phải xác định đồng hành với doanh nghiệp, để khó ở đâu cùng gỡ ở đó, nhất là vấn đề thị trường. Không chỉ riêng Bộ Công thương mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải cùng doanh nghiệp thực hiện chủ trương của Chính phủ tháo gỡ thị trường.