Mùa hè là mùa dành cho những chuyến du lịch thú vị. Tuy nhiên, để cho chuyến đi được vui vẻ trọn vẹn, cần giữ gìn sức khỏe cho tốt bằng cách lưu ý những điều cơ bản sau đây:
Phòng tránh say tàu xe
Say tàu xe là sự rối loạn hoạt động của cơ quan tạo thăng bằng của cơ thể, cơ quan này nằm ở tai trong của mỗi người. Say tàu xe có thể gặp ở một số người khi đi xe hơi, máy bay, tàu thủy. Triệu chứng thường gặp là khó chịu, chóng mặt, nhức đầu, đổ mồ hôi, buồn nôn.
Trước khi đi tàu/xe, không nên ăn quá no và cũng không được để bụng đói, nên uống thuốc chống nôn theo chỉ dẫn và dùng cao dán vào rốn. Không dùng đồ uống có gas, có cồn trước và trong khi đi xe. Nên ngậm một lát gừng tươi hay ô mai gừng. Lựa chọn chỗ ngồi ở khoảng giữa xe, tránh ngồi ở vị trí trục bánh xe và cuối xe, nếu đi tàu nên ngồi ở phía cuối đoàn tàu; mắt nhìn thẳng. Khi xe quay đầu, lượn vòng hoặc đi vào chỗ đường xóc nên ngả người theo xe. Nên đề nghị mọi người không hút thuốc lá trong xe.
Phòng chống mất nước
Nhiều người do ngại việc đi vệ sinh trong lúc di chuyển bằng tàu/xe nên không dám uống nước, điều này không nên vì sẽ dẫn đến cơ thể bị thiếu nước và muối khoáng do đổ mồ hôi và hô hấp, dẫn đến tình trạng lượng nước tiểu bị cô đặc khiến dễ bị sỏi thận, nhiễm trùng đường tiểu… Do đó cần phải uống nước đầy đủ theo nhu cầu (trẻ con: 1-1,5 lít/ngày, người lớn: 2-2,5 lít/ngày) và khoảng 2-3 giờ nên dừng xe đi vệ sinh một lần. Khi thấy môi khô, tiểu ít, nước tiểu vàng có nghĩa đang thiếu nước; nên kiểm tra màu và số lượng nước tiểu của các bé nhỏ trong suốt chuyến hành trình.
Phòng tránh say nắng
Khi đi nắng cần đội nón rộng vành. Luôn đem theo nước uống và tuyệt đối không ở lâu ngoài nắng. Khi bị say nắng, nên sử dụng khăn ướt lạnh đắp nách, bẹn, khuỷu, cổ, ngâm cả bàn tay và cẳng tay vào nước mát, uống nước đường nhạt pha thêm ít muối. Nếu sau 1 giờ, thân nhiệt xuống dưới 39oC là đạt hiệu quả, sau đó tiếp tục theo dõi trong vòng 24 giờ tại cơ sở y tế để được khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.
Nên rửa tay thường xuyên
Phòng ngừa bị lây nhiễm các virus mang mầm bệnh bằng việc thường xuyên rửa tay với xà phòng, ngay sau khi về đến nơi ở sau cuộc hành trình, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nên mang theo nước rửa tay khô hoặc khăn ẩm khi đi ra ngoài để luôn giữ cho tay sạch sẽ.
Phòng tránh rối loạn tiêu hóa
Khi ăn uống cần đặc biệt chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm: không ăn rau sống, kem, nước đá; không ăn thịt gia súc, gia cầm, thủy sản chưa nấu chín (món gỏi, món tái…); không nên ăn uống hàng rong dọc đường, do điều kiện vệ sinh không được bảo đảm khiến dễ mắc bệnh lây lan qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, thương hàn, dịch tả, lỵ. Nên dùng nước tinh khiết đóng chai thay cho nước pha sẵn ở các hàng, quán. Cẩn thận khi dùng các thực phẩm mới lạ, nên chú ý sử dụng các gia vị có tính ấm nóng và kích thích tiêu hóa như tỏi, gừng, hạt tiêu…
Mang theo một số loại thuốc thông thường
Khi đi du lịch nên mang theo một số thuốc như: hạ sốt, giảm đau, chống say xe, trị tiêu chảy, trị ho, một bao bông gòn nhỏ, vài gói gạc vô trùng, vài cái băng cá nhân, một chai thuốc sát trùng hoặc cồn, một chai thuốc kháng sinh nhỏ mắt, thuốc chống côn trùng và một chai dầu gió. Những loại thuốc này sẽ rất hữu ích, nhất là khi về quê hoặc đến những vùng mà xa cơ sở y tế hoặc ít quầy thuốc.
Kỹ năng thoát hiểm
Một điểm rất quan trọng nhưng đa số mọi người ít lưu tâm, đó là kỹ năng thoát hiểm, xoay xở khi có sự cố xảy ra như hỏa hoạn, thiên tai (như bão, lụt, sóng thần, động đất…) khi đang du lịch, nhất là ban đêm. Nên tập thói quen tự “định vị” nơi mình đang ngủ, đang ngồi ăn, hướng nằm, ngồi cách cửa lớn, cửa sổ, lối đi bao nhiêu mét, phía bên tay phải hay trái, cách lối thoát hiểm bao nhiêu mét, hướng đông tây nam bắc, tay phải, trái, trước mặt hay sau lưng…
– Theo Health.com