Vào rạng sáng 21-6 vừa qua, MSCI đã công bố kết quả phân loại định kỳ các thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới, theo đó TTCK Việt Nam vẫn chưa lọt vào danh sách xem xét được nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market).
Đối với TTCK Việt Nam, theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, nếu so sánh với các kỳ review trước thì MSCI ghi nhận TTCK Việt Nam chỉ có duy nhất một tiêu chí có sự tiến bộ, trong số 10 tiêu chí cần cải thiện trong báo cáo 2017. Đó là tiêu chí “đăng ký đầu tư mở tài khoản”. Trong báo cáo lần này, MSCI đã thay đổi từ đánh giá “cần cải thiện”, sang “không có vấn đề gì lớn, vẫn có thể cải thiện thêm”.
Cụ thể, năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký giao dịch và việc mở tài khoản cần được Trung tâm lưu ký chứng khoán chấp thuận; việc ra mắt dịch vụ đăng ký trực tuyến và giảm thời gian cấp mã số giao dịch được đánh giá tích cực nhưng nhiều tài liệu vẫn chưa được dịch sang tiếng Anh. Sang năm 2018, MSCI đánh giá việc sử dụng dịch vụ trực tuyến đã được đơn giản hóa và rút ngắn thời gian cấp mã số giao dịch nhưng việc đăng ký là bắt buộc và thiết lập tài khoản cần có sự chấp thuận từ Trung tâm lưu ký chứng khoán. Ngoài tiêu chí trên, đánh giá của MSCI về với tất cả các tiêu chí còn lại (bao gồm chín tiêu chí “cần cải thiện”) vẫn giữ nguyên như báo cáo năm 2017.
Về tổng thể, kết quả kỳ đánh giá này của MSCI cho thấy tốc độ cải thiện của TTCK Việt Nam còn khá chậm. Ngay cả nếu so sánh với hai thị trường cận biên khác trong khu vực là Bangladesh và Sri Lanka thì TTCK Việt Nam cũng là thị trường có nhiều tiêu chí cần cải thiện hơn. Điều này khiến viễn cảnh TTCK Việt Nam được vào danh sách xem xét nâng hạng năm 2019 không được đánh giá cao, nếu TTCK Việt Nam không có những sự thay đổi mang tính đột phá.
Đánh giá của MSCI về mức độ cải thiện của TTCK Việt Nam trên thực tế không đạt được kỳ vọng của khá nhiều nhà đầu tư nhưng nếu xem xét kỹ thì không hẳn TTCK Việt Nam không có ảnh hưởng tích cực sau báo cáo vừa rồi của MSCI. Tác động tích cực đến từ việc TTCK Việt Nam sẽ được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier Markets 100 Index, từ đó giúp thu hút dòng vốn ngoại tốt hơn khi hai thị trường là Argentina (được nâng hạng) và Kuwait (được xem xét nâng hạng) trong thời gian tới.
Hiện tại, Argentina, Kuwait và Việt Nam là ba thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index. Argentina và Kuwait đang có tỷ trọng lần lượt là 19,58% và 19,25% trong khi tỷ trọng của Việt Nam là 16,76%, tương ứng giá trị hơn 98 triệu USD.
Theo MSCI, sau khi Argentina, Kuwait được nâng hạng thì tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục MSCI Frontier Markets 100 Index sẽ tăng mạnh từ 17,72% (hiện nay) lên 28,37%, giúp Việt Nam trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số này. Không những vậy, số lượng cổ phiếu Việt Nam nằm trong danh mục cũng sẽ tăng mạnh từ con số 17 lên 30. Trong đó, VNM là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 6,21%. Các cổ phiếu khác của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục MSCI Frontier Markets 100 Index có thể kể tới như VIC (5,07%), MSN (2,68%).
Chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index hiện đang được dùng làm tham chiếu cho quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF, một trong những quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam với tổng tài sản tính tới ngày 21-6-2018 đạt 593 triệu USD (tương đương khoảng 13.500 tỉ đồng). Danh mục của iShares MSCI Frontier 100 ETF hiện có 19 cổ phiếu Việt Nam với VNM là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất (4,32%). VNM cũng là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong danh mục của iShares MSCI Frontier 100 ETF, xếp sau NBK (National Bank of Kuwait) với tỷ trọng 5,77%.
Mức tăng trên của tỷ trọng cổ phiếu VN trong rổ MSCI Frontier 100 Index sẽ tương đương với giá trị khoảng 63 triệu USD mà riêng quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF cần mua thêm. Tuy vậy, cần lưu ý là diễn biến này sẽ chỉ diễn ra sau thời điểm quyết định nâng hạng cho các thị trường chính thức diễn ra, tức là ít nhất phải sau tháng 6-2018.