Tuần qua, phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhiều báo trích dẫn theo đó việc kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm. Người đứng đầu đảng Cộng sản đưa ra nhận định này khi cùng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy.
Theo ông, phải coi công cuộc phòng chống tham nhũng giống như cuộc đấu tranh chống giặc “nội xâm”, phải phát động toàn dân tham gia và phải làm quyết liệt hơn nữa để thu hồi được tài sản. Bên cạnh đó, vấn đề kê khai tài sản cũng phải quyết tâm làm và đặc biệt phải công khai kết quả. Tuy vậy, đây là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân.
Vấn đề này cũng được đặt ra khi Quốc hội thảo luận về Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Bên hành lang Quốc hội, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ – đã bày tỏ quan điểm về đối tượng kê khai tài sản. Theo ông, chỉ kê khai tài sản cán bộ là chưa đủ mà nên tập trung vào một số đối tượng là người thân của cán bộ công chức như bố mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em ruột, tuy nhiên dự luật đã không đưa điều này vào.
Ông Đạt cho biết, Ban soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng đã cân nhắc và đề nghị vấn đề này nhưng nhiều cơ quan không đồng tình, do đó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng lo ngại khó kiểm soát tài sản của cán bộ. Ông Đạt cho rằng, nếu muốn kiểm soát tham nhũng thì phải kê khai tài sản của cả người thân quan chức, mà nếu không làm được điều này sẽ tạo kẽ hở trong chống tham nhũng, để quan chức chuyển tài sản của mình cho người khác.
Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng nêu ra một thực tế: “Bây giờ biết nhiều quan chức chuyển tài sản cho người khác nhưng chúng ta không thể làm gì được vì không có quy định. Những người được chuyển giao tài sản nói họ không thuộc đối tượng phải kê khai và khẳng định tài sản đó do tự mình làm ra”.
Hiện nay nhiều cơ quan không đồng ý đưa người thân quan chức vào diện phải kê khai tài sản vì lo ngại ảnh hưởng về quyền tự do tài sản. Ngoài ra, nếu đối tượng kê khai quá nhiều thì không kiểm soát được.
Dưới một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng quy định đánh thuế 45% đối với tài sản không rõ nguồn gốc là hợp pháp hóa cho tham nhũng, nhưng ông Đạt phủ nhận ý kiến này và cho rằng nộp thuế cứ nộp thuế, còn phạt cứ phạt. Bên cạnh đó, không loại trừ trách nhiệm hình sự, nếu cơ quan chức năng phát hiện ra tài sản này là tham nhũng thì vẫn tiến hành khởi tố. Quy định này cũng sẽ góp phần thu hồi được phần nào đó tài sản không rõ nguồn gốc.
Trước đó, vào giữa tháng 6 trong phiên họp góp ý hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nếu không kiểm soát kê khai tài sản được thì luật mới hay luật cũ cũng chẳng có tác dụng gì. Ngay cả đánh thuế 45% hay mở rộng ra cũng thế, vì không kiểm soát được kê khai tài sản.
Vấn đề cán bộ kê khai tài sản không trung thực được ông Nguyễn Hạnh Phúc cho là do cơ chế kiểm soát, kê khai cũng thế, không kê khai cũng thế. Ông nói: “Cán bộ không nghèo nhưng kê khai thì rất nghèo. Vậy ai sẽ kiểm soát điều này để giúp cho Quốc hội biết, đó là câu hỏi chưa có lời đáp”.
Từ những phân tích trên, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng mấu chốt ở đây vẫn là cơ quan xác minh tài sản không chịu áp lực nào. Do vậy, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này cần phải bàn kỹ, nếu không thấu đáo mà vẫn được thông qua thì dân lại mất niềm tin.
Về đối tượng kê khai tài sản, đại biểu Hoàng Thanh Tùng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đây là nội dung còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình hai phương án nhưng cũng có những ý kiến đề nghị mở rộng thêm ra tất cả cán bộ công chức, viên chức từ cấp phó phòng trở lên đều phải kê khai tài sản; lại có ý kiến ngược lại đề nghị thu hẹp đối tượng phải kê khai, chỉ tập trung vào những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao hoặc những cán bộ trong diện được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm…
Qua tham khảo ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho thấy, cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, chủ yếu xuất phát ở việc nếu đối tượng kê khai rộng quá thì khó xác minh, thẩm tra đảm bảo tính xác thực của bản kê khai. Nếu vẫn tình trạng kê khai xong cất ngăn kéo thì mở rộng đối tượng kê khai ra cũng không để làm gì.
Cách tiếp cận hiện nay của Chính phủ khi trình ra kỳ họp thứ 5 này là đề xuất chọn phương án 1, tức phương án mở rộng đối tượng kê khai tài sản và cho rằng phương án này phù hợp với chủ trương của Đảng. Gắn với việc mở rộng đối tượng kê khai là các giải pháp xử lý, xác minh, thẩm tra bản kê khai tài sản đó.
Với quá nhiều quan điểm khác nhau, cũng nên nhìn lại quy định trước đây của Chính phủ về tám loại tài sản cán bộ, quan chức phải kê khai minh bạch.
Theo Nghị định 78/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập, quy định rõ những tài sản, thu nhập cán bộ, công chức phải kê khai bao gồm.
– Các loại nhà, công trình xây dựng.
– Các quyền sử dụng đất: Quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng; Quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác.
– Tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài mà giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.
– Tài sản ở nước ngoài.
– Ôtô, môtô, xe máy, tàu, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý (theo quy định của pháp Luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký) có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
– Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
– Các khoản nợ phải trả có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
– Tổng thu nhập trong năm.
Những ai phải kê khai?
– Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
– Cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên.
– Sĩ quan chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng trở lên.
– Người giữ chức vụ tương đương phó trưởng phòng trở lên tại bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí, ban quản lý…
– Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên…
– Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp nhà nước…
– Bí thư, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
– Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước.
– Cán bộ thuộc đơn vị sự nghiệp của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước.