Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 15-6 đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ “lỏng lẻo” trong bối cảnh lạm phát trì trệ dưới mức mục tiêu, dù các điều kiện kinh tế nước này đã được củng cố.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, BoJ đã quyết định không thay đổi cả lãi suất ngắn hạn và dài hạn, cũng như quy mô chương trình mua tài sản của mình. BoJ cũng giữ nguyên đánh giá rằng kinh tế Nhật Bản đang “tăng trưởng vừa phải”, phản ánh sự khởi sắc trong xuất khẩu và chi tiêu/đầu tư. Tuy nhiên, tiêu dùng tư nhân tại Nhật lại tỏ ra khá “dè dặt”.
GDP của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã giảm nhẹ trong quý I năm nay, sau khi tăng trưởng tám quý liên tiếp trước đó, chuỗi tăng trưởng dài nhất trong hơn 30 năm qua, và nhiều chuyên gia dự đoán hoạt động kinh tế của Nhật Bản sẽ hồi phục trở lại.
Kinh tế Nhật Bản đang phát đi các tín hiệu cho thấy, tăng trưởng ở mức vừa phải sau hai năm mở rộng. Sản lượng nhà máy tăng chậm lại và lượng hàng trong kho tăng trong tháng 4-2018. Dấu hiệu này cho thấy các doanh nghiệp có thể đã đánh giá quá cao nhu cầu toàn cầu.
BoJ đang nỗ lực đưa lạm phát lên 2%, mức mà ngân hàng này cho là phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng vững. Nhưng mục tiêu này dường như vẫn còn xa vời, khi giá tiêu dùng cốt lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm tươi sống vốn dễ biến động) chỉ tăng 0,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo ngày 8-6 của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho hay, trong quý I-2018, kinh tế nước này suy giảm 0,2% so với quý trước đó và sụt giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2017, ghi dấu mức sụt giảm lần đầu tiên trong vòng hai năm qua.
Sự suy giảm kinh tế trong quý I của Nhật Bản đã chấm dứt chuỗi tám quý tăng trưởng liên tiếp, được coi là “gáo nước lạnh” giáng xuống chính sách kinh tế “Abenomics” đầy tham vọng của Thủ tướng Abe. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân, đóng góp tới 60% nền kinh tế Nhật Bản, giảm 0,1% trong quý I-2018 giữa bối cảnh chi tiêu hộ gia đình bị thu hẹp do đà tăng lương chậm.
Tuy nhiên, nhận định về hiện trạng nền kinh tế Nhật Bản, các nhà phân tích nhận định, Nhật Bản sẽ tránh được một cuộc suy thoái (nền kinh tế thu hẹp hai quý liên tiếp), đồng thời cho rằng việc nền kinh tế này trong quý I-2018 suy giảm 0,2% so với quý trước đó chỉ là một khó khăn tạm thời, do các nhân tố tạm thời như thời tiết xấu và các thị trường chứng khoán yếu.
Với quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ, BoJ đã đi trên lộ trình khác với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), hiện đang dần thu hẹp chương trình kích thích kinh tế được ban hành sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 10 năm qua trong bối cảnh tình hình kinh tế cải thiện, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 14-6 vừa qua cũng cho biết sẽ chấm dứt chương trình mua tài sản vào cuối năm nay.