Bị cuốn hút bởi vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ của miền biển Phan Thiết, nơi vẫn còn giữ nguyên những ký ức trong lành nhất của Tổng Giám đốc Công ty Kim Đô Phạm Hoàng Minh về quê hương, những con người chân chất hiền lành, người đàn ông sau những năm tháng dài lang bạt kỳ hồ khắp thế giới ấy đã chọn nơi đây làm chốn dừng chân, và khởi nghiệp lại ở tuổi 50 với một resort nên thơ mang tên Phú Hải.
Không thể ngờ chỉ vài năm sau, vùng đất “duyên lành” ấy đã giúp ông khuếch trương công việc kinh doanh của mình với một dự án đồ sộ: Khu biệt thự nhà nghỉ cổ kính và sang trọng tràn ngập thiên nhiên trên những đồi núi chập chùng nhìn ra biển xanh, lưng tựa vào một khu rừng nguyên sinh hoang dã. Người dân địa phương gọi đùa ông một cách yêu mến là “Người đàn ông lên rừng, xuống biển”, bởi cùng với việc kinh doanh của mình, ông đã góp phần làm khởi sắc du lịch biển cho một vùng đất nghèo, và những con đường chạy dài vào các làng chài xưa kia vốn là đường đất lầy lội…
Đôi mắt hiền, tinh tường ẩn sau cặp kính trắng, nụ cười ý nhị của một người đã trải qua quá nhiều trắc trở trong cuộc sống, gương mặt ẩn nhẫn, ít ai ngờ ông là người đam mê kinh doanh như ý nghĩa lớn nhất của cuộc sống. Ông kinh doanh đủ thứ, từ may mặc, xuất khẩu gỗ, cho đến ngành khách sạn, nhà ở cao cấp, một người thấu hiểu và đáp ứng tốt nhất các sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng sống của con người, với nhiều sáng kiến đột phá mang tính mở đường. Ông là một trong những trí thức Việt kiều đang trở về làm ăn sinh sống tại quê nhà.
____
Vì sao anh lại trở về làm ăn tại Việt Nam, và còn lôi kéo hết họ hàng, anh em, con cái về làm ăn tại đây?
Gia đình tôi sống ở Thụy Sĩ, một vùng đất quá êm đềm và tôi đã trải qua một tuổi trẻ khá đơn điệu. Tôi lại là người thích làm việc, thích phiêu lưu, nhưng ở xứ người làm sao có điều kiện? Tôi trở về Việt Nam từ năm 1990, những năm đầu tôi làm tư vấn cho một số tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Mãi đến năm 1996, theo luật khuyến khích đầu tư trong nước, tôi mới chủ động đứng ra kinh doanh.
Đi du học từ năm 1965, nỗi nhớ quê lúc nào cũng ám ảnh. Sau 25 năm trở về, đúng vào lúc đất nước bắt đầu mở cửa, đang phát triển, mở mang, tôi nhận thấy thị trường ở đây quá sôi động, mặc sức mà làm. Tuy cuộc sống cũng còn đầy lo âu, vui buồn nhưng phong phú và đầy màu sắc. Điều đó kích thích tôi rất nhiều, bởi tôi luôn thích đương đầu với những thử thách mới. Tôi lại chấp nhận một khởi đầu mới.
____
Nhưng sự khởi đầu này hình như không được suôn sẻ? Trước những thất bại trong làm ăn, điều gì giúp anh đứng dậy, và lại tiếp tục mạo hiểm?
Sự khởi đầu của tôi ở đất nước có thể nói là không thành công. Lúc ấy tôi mới chỉ làm địa ốc theo phong trào. Bỏ ra hơn 1 triệu USD làm nhà cho thuê ở Phú Nhuận (TP.HCM) vừa xây cất xong thì thị trường địa ốc tụt xuống, bài toán trật hết. Đó cũng là chuyện không may cho mình, chôn tiền nằm đó cầu 20 năm sau mới lấy lại vốn đã là may. Lúc ấy cũng “choáng” dữ lắm, nhưng công chuyện làm ăn mà, lúc được lúc thua cũng là thường.
Tôi đành tự an ủi mình, ổn định lại đầu óc để bắt tay làm việc khác. Nhờ quen biết nhiều bạn bè ở nước ngoài hỗ trợ mua cho tôi hàng may mặc, tôi liều mở một xưởng may ở Gò Vấp với hơn 500 công nhân. Công việc này khá tốt, chứ nếu xấu thì… chết luôn! Ngay như chuyện làm resort cũng vậy, suốt hai năm liền tôi bị “dập” liên tục hết dịch SARS, rồi đến cúm gà… năm nay mới khá hơn. Theo tôi nghị lực để giúp mình vượt qua có lẽ là nhờ những năm tháng làm ăn ở châu Âu, một quá trình “lên voi, xuống chó” đã khiến tôi luôn phải cố gắng để vươn lên. Bài học lớn nhất với tôi là lúc đầu chỉ nên làm nho nhỏ, để hạn chế bớt rủi ro rồi từ từ mở rộng ra.
Một yếu tố giúp tôi vượt qua khó khăn chính là nhờ một đội ngũ nhân công siêng năng, chân thành. Ngược lại tôi cũng cố gắng tối đa để đối xử tốt hơn với người lao động. Phải cố gắng tạo điều kiện tốt cho người thợ mới mong họ gắn bó lâu dài, và phải biết chia sẻ với họ khi công việc tốt lên. Với những nhà phân phối lớn ở châu Âu, để có được sự tin tưởng, cần phải hiểu rất rõ tâm tính của họ, hiểu họ muốn gì, và điều quan trọng nhất là phải bảo đảm tính thời gian. Trong văn hóa công ty, tôi luôn coi trọng sự kỹ lưỡng, chính xác.
Theo tôi, người lãnh đạo một công ty phải có tầm, có tâm, còn chuyện điều hành có thể giao cho các giám đốc điều hành hiểu nghề.
____
Trong khi các doanh nghiệp may mặc đang “méo mặt” vì không xuất được hàng đi Đông Âu, vướng “quota”, con đường hẹp nào đã giúp anh “đi” được vào thị trường này một cách ổn định?
Để không vướng vào quota, tôi đã chọn mặt hàng áo gió, jacket khuyến mãi, một mặt hàng phi quota cho những doanh nghiệp châu Âu với số lượng lớn và chấp nhận lời ít. Tôi đã kết hợp cùng Công ty Rạng Đông để chế tạo ra một loại vải màng nhựa PVC đặc biệt có thể hạ giá thành thấp nhất cho hàng xuất khẩu, cạnh tranh được với giá thành của Trung Quốc, nhưng chất lượng tốt hơn, kéo vân rất đẹp, giảm hẳn 1/3 so với giá bình thường. Hiện doanh thu của xưởng may mặc khoảng 3 triệu USD/năm.
____
Anh lại vươn tay đến lĩnh vực chế biến đồ gỗ xuất khẩu? Anh có nguyên tắc nào không khi đầu tư vào khá nhiều ngành nghề?
Trong làm ăn, tôi hay dòm ngang dòm ngửa, dòm sang cả Trung Quốc và các thị trường trong khu vực. Tôi biết Mỹ đã đánh thuế mặt hàng gỗ của Trung Quốc vì Trung Quốc phá giá, đó thực sự là cơ may cho ngành gỗ Việt Nam. Tôi chọn Phan Thiết vì ở đây giá ưu đãi, thanh toán dễ dàng. Nguyên tắc đầu tư của tôi là phải có thị trường vững chắc, ổn định trước đã, chứ không làm theo phong trào, để vài bữa lại “đưa lưng” ra gánh như chuyện khởi nghiệp ban đầu (cười).
Đó cũng là kinh nghiệm học được từ bao nhiêu năm ở nước ngoài của tôi. Một năm tôi đi nước ngoài ba-bốn lần, và mời các đối tác về Việt Nam, để tạo sự gắn bó lâu dài. Tôi sẵn sàng mất thời gian, tiền bạc để kêu réo những nhà đầu tư chân chính về làm ăn tại Việt Nam. Đó cũng là tâm nguyện của tôi. Có thêm được người nào về làm ăn tại đây là tôi mừng như thể mình vừa trúng “áp phe” vậy đó. Tôi cũng là một trong những sáng lập viên của Hội Doanh nghiệp Việt kiều.
____
Có người nói, anh là một mẫu mực của “Công ty gia đình”?
Hai em trai của tôi đã tốt nghiệp quản lý khách sạn tại Thụy Sĩ. Tôi đã thuyết phục cả hai trở về Việt Nam giúp tôi điều hành Phú Hải. Công ty của tôi mang tính cách rất gia đình. Nhà tôi có bảy anh em trai và một em gái, chúng tôi gần gũi thường xuyên với nhau từ nhỏ đến lớn, đi học, đi làm ăn cũng liên kết với nhau rất chặt chẽ. Thế mạnh của resort Phú Hải là khâu bảo quản, phục vụ, dịch vụ. Thế mạnh ấy chính là nhờ hai người em.
Theo tôi, người lãnh đạo một công ty phải có tầm, có tâm, còn chuyện điều hành có thể giao cho các giám đốc điều hành hiểu nghề. Tôi cũng được sự trợ giúp rất lớn của bà xã. Khi lấy nhau cô ấy còn rất trẻ, nhưng đã theo tôi học hỏi, làm việc đến ngày hôm nay. Tôi chỉ lo phần đối nội, còn đối ngoại và sản xuất một tay cô ấy làm hết. Đứa con trai bên Thụy Sĩ vừa tốt nghiệp quản trị kinh doanh và quản trị khách sạn cũng đang trở về giúp tôi điều hành khách sạn. Làm mà không có người thân, người gắn bó chia sẻ với mình cũng khó khăn lắm.
Mỗi một khu vực, một ngành nghề tôi đều phải tìm kiếm rất kỹ càng những người trung thực, đàng hoàng, đòi hỏi hiểu biết tường tận công việc, và không tiếc việc chi lương bổng. Những ngày đầu việc tìm kiếm đội ngũ lãnh đạo rất khó khăn, nhưng bây giờ đã dễ dàng hơn để kiếm được những người tài, có khả năng hợp tác lâu dài. Tôi luôn giao quyền tự quyết cho họ, nhưng đi sâu đi sát, trao đổi thường xuyên, để họ phải có trách nhiệm, làm ra làm, chơi ra chơi, rõ ràng minh bạch trong công việc. Làm khách sạn rất cần người biết nghề, nhưng bệnh của người Việt Nam là hay làm theo, như ở Mũi Né chẳng hạn, phần lớn là đầu tư trong nước, chỉ có tiền xây cất lên, vài tháng đã xuống cấp rồi…
Đầu tư của tôi xuất phát từ tình cảm của chính mình với một vùng đất yên bình, nơi đã gắn bó, giúp đỡ tôi rất nhiều trong bước đường khởi nghiệp.
____
Hình như anh không dừng lại ở Phú Hải?
Phú Hải là một trong những resort đầu tiên ở Phan Thiết nằm cách xa đường lớn, nhưng khi mọi người đổ xô làm resort, tôi lại phát hiện ra một khu đất cao trên đồi có thể làm những căn hộ cao cấp cho những gia đình Việt Nam mỗi kỳ nghỉ phép. Đây sẽ là nhu cầu đột biến tại Việt Nam những năm tới, bởi ở châu Âu, khi đời sống phát triển, gia đình nào cũng có một nhà nghỉ tại miền quê hoặc bãi biển.
Tất cả những đầu tư của tôi ở Phan Thiết cũng xuất phát từ tình cảm của chính mình với một vùng đất yên bình, nơi đã gắn bó, giúp đỡ tôi rất nhiều trong bước đường khởi nghiệp. Chính vì vậy mà tôi sẵn sàng đầu tư làm đường, đầu tư đào tạo nghề nghiệp, đào tạo ngoại ngữ cho chính những con em người Phan Thiết, để hình thành một lực lượng trẻ từ số không. Nhờ bám sát, hỗ trợ, khuyến khích, tới ngày hôm nay đội ngũ trẻ của chúng tôi đã trưởng thành rất tốt.
Tuy vậy Phan Thiết phải có kỷ luật hơn về quy hoạch, chỗ nào là trung tâm, nhà hàng, khu giải trí, chỗ nào là resort, nước thải phải xử lý ra sao? Rồi những khe hở màu xanh hướng ra biển, chứ không sẽ tạo ra một bức tường chắn hết cảnh quan biển. Để những khách sạn lôm côm mọc ra vô tội vạ thì quỹ đất sẽ lãng phí. Phú Hải là nơi đầu tiên xử lý nước thải và cho bốc hơi luôn, không đổ ra biển… Trời đã cho mình cảnh thiên nhiên đẹp, phải biết giữ của quý trời cho, để dựa vào đó mà làm. Nhiều nơi xây nhà chặt hết cả dừa ven biển, tôi nhìn thấy mà đau lòng…
____
Máu kinh doanh đã hình thành trong anh từ khi nào?
Khi tôi còn rất nhỏ. Cha mẹ tôi vốn là chủ đồn điền cao su, khai thác lâm sản, chúng tôi đã trải qua một tuổi thơ trong nhung lụa, nhưng khi thời thế đổi thay, giặc giã liên miên, mấy anh em tôi lại từ tay trắng làm lại hết… Tôi học được từ cha mẹ tôi một cung cách làm ăn chân chính, đàng hoàng.
____
Bí quyết thành công của anh là gì?
Theo tôi nghĩ, 50% là may mắn. Nếu không may mắn thì có tài, có sức cũng không đi tới đâu. 50% còn lại là biết nhìn xa, biết tổ chức, cần cù và tập trung làm việc. Chứ đâu có thành công nào từ trên trời rớt xuống.
____
Phong cách quản trị của anh để có thể tập hợp người tài? Anh có bao giờ mệt mỏi vì các thủ tục giấy tờ hành chính khi làm việc tại Việt Nam?
Đó là sự chân thành, thật thà, cho người ta biết rõ sự khó khăn, và hướng dẫn người ta đi con đường thuận tiện nhất. Những khó khăn thường ngày ở xứ mình cũng là điều dễ hiểu, vì bao nhiêu năm không mở cửa, bây giờ phải đối đầu làm ăn với bên ngoài, làm sao không có sai lầm? Biết vậy để có thể bình tĩnh hơn, tìm cách lách, tránh mà thôi.
Tôi đã sáng suốt nhận ra điều đó ngay từ đầu, và đã thuê một luật sư riêng để cố vấn và làm hết cho mình chuyện này, tránh những mệt mỏi không cần thiết. Nhiều người không biết cứ cắm đầu cắm cổ chờ, mất hết cả tinh thần. Cách làm việc ở Việt Nam của tôi là chỉ làm những việc mà Nhà nước khuyến khích, và làm theo luật, để buổi tối có thể ngủ yên, chứ không làm những chuyện… nhức đầu!
____
Còn nguyên tắc sống và nguyên tắc kinh doanh của anh?
Lĩnh vực nào cũng cần sự thoải mái. Tôi luôn tìm cách để tạo sự thoải mái cho mình và cho đồng nghiệp. Bước vào công ty tôi, ít khi thấy những gương mặt buồn rầu, bạn có thể bắt gặp rất nhiều nụ cười. Nụ cười không tốn một đồng xu nào, nhưng để làm cho mọi người có nụ cười thì người lãnh đạo phải hòa nhập với tất cả, phải làm việc gấp nhiều lần so với người khác, phải gần gũi, hỗ trợ họ, không có sự phân biệt. Tôi cảm thấy mình có thể vui vẻ với tất cả, và tôi nghĩ số đông những người làm cũng quý mến tôi nhiều lắm. Điều lớn nhất mà tôi muốn để lại cho con chính là sự hiểu biết, khả năng tự lập, sự trung thực, và hãy làm việc… ít đi một chút.
Nụ cười không tốn một đồng xu nào, nhưng để làm cho mọi người có nụ cười thì người lãnh đạo phải hòa nhập với tất cả, phải làm việc gấp nhiều lần so với người khác.
____
Một câu châm ngôn mà anh tâm niệm khi mình tuyệt vọng?
Tôi cũng đã từng trải qua cảm giác tuyệt vọng những ngày ở châu Âu. Hãy nằm yên để tuyệt vọng qua đi, sáng hôm sau bạn sẽ cảm thấy sáng suốt hơn. Hãy đi từng bước, và đừng dòm cao quá. Đừng đặt nặng quá một điều gì, cũng đừng quá tiếc một điều gì. Một ngày ăn có hai bữa thôi, mà có khi không dám ăn vì sợ mập. Mình ham làm vậy thôi, vì đam mê, vì có điều kiện giúp đỡ cho người khác… Chứ bảo vì tiền thì tôi đã ngừng từ lâu. Một số người làm ăn mà ham tiền quá, làm ăn gian dối, đâu có ngủ yên. Người làm kinh doanh cần lương tâm hơn bao giờ hết.
____
Giây phút thú vị nhất trong ngày của anh?
Mỗi buổi chiều về, bước vào không gian trong lành của cỏ cây hoa lá trong vườn nhà, lắc lư trên chiếc võng đọc ngấu nghiến vài tờ báo. Có những mục hay đọc đi đọc lại.
____
Người mang lại sự giải trí cho mọi người thường giải trí như thế nào?
Tôi rất thích thể thao, 50 năm nay tôi say mê môn quần vợt, từ những ngày còn rất nhỏ. Những ngày nghỉ hoặc sau giờ làm, mặc vào chiếc áo thun, xỏ đôi dép xẹp, phóng xe honda dạo phố, ghé vào đâu đó ăn một tô phở nóng là thú nhất trên đời, chứ đâu cần cao lương mỹ vị gì… Nhưng chuyện đó bây giờ cũng không dám nữa rồi, bởi cách đây hai năm, tôi bị tai nạn xe gắn máy gãy cả tay. Thế là mất đi một thú vui. Tôi muốn được đi khắp nước trên con đường Trường Sơn từ Nam ra Bắc, đó là mộng gần nhất của tôi.
____
Theo anh chất lượng cuộc sống ở Việt Nam đã thực sự tốt chưa?
Càng ngày càng tốt. Không thể tưởng tượng được mười mấy năm thôi mà Việt Nam đã tốt lên nhiều quá, ở đây cái gì cũng có. Tôi chỉ hy vọng con cái về sau sẽ có cuộc sống tốt hơn, và biết hãnh diện về đất nước mình.