“Hoàng Khải – một nhãn hiệu hàng đầu về lụa tơ tằm Việt Nam đã chuyển sang một phong cách kinh doanh cao cấp riêng và đã thành công nhờ không tuân theo những quy ước thông thường” (Reuters, 15-3-2004).
“Khaisilk là một thương hiệu đã giữ được “lợi ích giá trị” với khách hàng của mình. Trong nhiều năm, thương hiệu này đã duy trì nhất quán một phong cách tinh tế và lịch lãm, không chỉ trong chất lượng và thiết kế sản phẩm, mà trong cả những hình thức truyền thông về thương hiệu” (Richard Moore trong tác phẩm Thương hiệu dành cho lãnh đạo).
“Signature style de Khai”, “decorated Khai-style”… Người ta đã không còn gọi tên Nam Phan, Au Manoir, Hoian Riverside Resort… của Hoàng Khải một cách đơn thuần nữa, mà đã gắn nó với một khái niệm: phong cách Khải, thiết kế của Khải…
Khác với những gì tôi suy nghĩ về Khải trước đây, trong không gian tĩnh lặng thoảng hương trầm của Nam Kha, Hoàng Khải thực sự cởi mở. Dáng người cao lớn, da ngăm đen. Nụ cười khoáng đạt. Giọng nói khi thân tình, khi mạnh và vang. Đôi mắt một mí trông hóm hỉnh. Chiếc áo đen cotton rất thời trang. Anh có dáng nghệ sĩ hơn là một nhà kinh doanh.
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng… trà đạo ở một nhà hàng có toàn hoa trắng và những bức tượng đá thiếu nữ Chăm huyền ảo soi bóng xuống mặt nước hồ xao động. Người phục vụ lấy trà từ trong chiếc hộp gỗ làm bằng sừng trâu đen. Nhấm nháp hương sen trong từng ngụm trà chát ngọt, anh bắt đầu câu chuyện về mình…
____
Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất về thời niên thiếu của anh, về Hà Nội?
Tuổi thơ của tôi biết gì về thời trang, chỉ biết đến chiến tranh với những ngày sơ tán triền miên ở Hòa Bình, Hà Tây… Những hình ảnh nông thôn in đậm trong tâm trí, trở thành một nỗi hoài nhớ khôn nguôi. Ba tôi là nhạc sĩ Hoàng Công Khanh. Cuộc sống dù khó khăn, ông vẫn quyết tâm cho tôi theo đuổi ngành nhạc.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là những buổi tối trời mưa rét căm căm, phải đội mưa đạp xe vượt qua con đường dài dặc từ Hàng Gai xuống Đại học Bách khoa để học tiếng Anh. Hồi ấy, hồ Bảy Mẫu còn hoang vắng lắm, gió lộng tứ bề, buốt cóng tay… Ấy thế mà hồi đó tôi từng nổi nhất trường Nhạc vì ăn mặc rất bảnh đấy, chỉ để chứng tỏ cho người ta biết thời trang là thế nào. Các em trường Nhạc xem ra cũng “ngưỡng mộ”.
____
Một chàng trai tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội đã trở thành một doanh nhân, chắc cũng có gì đáng nói ở đây?
Bản thân tôi cũng chẳng biết nữa. Học nhạc từ năm 8 tuổi đến năm 24 tuổi, vừa học nhạc, vừa học kinh doanh, học luôn cả tiếng Anh, tiếng Pháp. Tốt nghiệp trường Nhạc cũng là lúc tôi tốt nghiệp ngành Luật kinh tế. Ở nhà, mẹ tôi có một cửa hàng nhỏ khoảng 15 mét vuông, chuyên in hoa trên vải.
Đây là nghề thủ công từ đời bà ngoại. Những khách nước ngoài đầu tiên của Hà Nội lúc bấy giờ là người Thụy Điển sang xây dựng Nhà máy Giấy Bãi Bằng. Họ tìm đến cửa hàng của mẹ đề nghị thêu lên một chút trên áo, hoặc đặt may một chiếc áo tơ tằm… Từ yêu cầu của khách, tôi bắt đầu tìm hiểu về tơ lụa, về thời trang để giúp mẹ. Đến năm 24 tuổi, tôi mới chính thức khởi nghiệp.
Phố Hàng Gai thời đó còn vắng vẻ lắm. Đọc sách báo, thấy các thương hiệu thời trang thế giới đều mang tên một người, nên tôi đã lấy tên mình đặt tên cửa hiệu. Tới khi sách báo thời trang tràn về, tôi tự mày mò tìm hiểu về thiết kế. Tư duy âm nhạc giúp tôi “lấy” được những khái niệm, những hình ảnh cho thời trang, kết hợp với tư duy kinh tế để làm cho mặt hàng của mình trở nên đẹp hơn. Công việc kinh doanh dần lớn lên từ đây…
Nhiều bạn bè đi du lịch Thái Lan gọi điện về cho tôi: “Thấy Khaisilk nằm “chễm chệ” ở Gayson, tự nhiên thấy tự hào dân tộc quá”
____
Bằng con đường nào Khaisilk bước chân vào các trung tâm thương mại lớn của thế giới với hơn 18 cửa hàng ở Nhật Bản, Thái Lan…?
Người ta xét thương hiệu Khaisilk theo ba yếu tố: chất lượng, truyền thống, tiếng tăm, chứ không phải đơn giản mà được lọt vào đâu. Nhảy được vào Trung tâm Thương mại Gayson Plaza ở Bangkok chẳng hạn, nơi chỉ dành cho những thương hiệu lừng danh như Giorgio Armani, Gucci, Versace… tôi thật sự hãnh diện. Từ khi mở được cửa hàng đó, người Việt Nam lại biết đến thương hiệu Khaisilk nhiều hơn.
Nhiều bạn bè đi du lịch Thái Lan gọi điện về cho tôi: “Thấy Khaisilk nằm “chễm chệ” ở Gayson, tự nhiên thấy tự hào quá! Lúc đó, tôi không giấu được niềm sung sướng và tự hỏi mình phải phát huy thêm những tiềm năng gì nữa để người nước ngoài phải trầm trồ ngưỡng mộ về vẻ đẹp Việt Nam, về sự sang trọng, tinh tế của Việt Nam.
Khi thương hiệu Khaisilk đạt đến một đỉnh cao nào đó, tôi muốn đầu tư phát triển ở nước ngoài để người ta hiểu được sản phẩm cao cấp của Việt Nam cần được trân trọng đến mức nào. Ngay ở cửa ra vào của nhà hàng Nam Phan, tôi có để một biển chữ nhỏ: “Mặc lịch sự” vì không thích khách du lịch mặc quần soọc, dép lê đi vào, tôi thích khách du lịch trân trọng vẻ đẹp của họ như trân trọng chính nơi họ sẽ vào.
____
Niềm đam mê cái đẹp bắt đầu từ đâu trong anh? Cho đến khi nào anh hình dung rõ nhất con đường đi của một doanh nghiệp có tiếng tăm?
Từ rất lâu, ngay khi đi học, tôi đã muốn làm một cái gì thật đặc sắc về vẻ đẹp Việt Nam để có thể sánh ngang với thế giới. Nhưng nếu nói là nhìn rõ con đường mình đi thì mới chỉ 5 năm gần đây. Trong một lần đi Hội An cùng một người bạn nước ngoài, tôi bỗng tự hỏi: Tại sao người nước ngoài lại yêu Hội An như thế? Và lúc đó, dường như có một luồng nhiệt huyết nào đó thổi bùng nỗi đam mê trong tôi.
Cần dung hòa giữa sáng tạo và nghệ thuật, đa dạng hóa nghệ thuật ẩm thực và khơi gợi lại mỹ thuật cổ trong kiến trúc hiện đại… Nói là dân tộc, truyền thống cũng không hẳn đúng, mà chính là giữ lại những tinh hoa, miêu tả và làm sống lại nó ở một hình thái mới, hấp dẫn, hiện đại, cảm xúc hơn. Như hộp đựng trà này chẳng hạn, vừa cổ mà vừa kim!
____
Anh vừa nói đến hai chữ tinh hoa?
Đúng vậy, phát huy những yếu tố tinh hoa của ẩm thực, văn hóa, mỹ thuật Việt Nam là yếu tố thuận lợi nhất trong công việc kinh doanh khi quảng bá sản phẩm ra nước ngoài.
____
Quyết định táo bạo nhất trong sự nghiệp của anh là gì? Là người tiên phong kinh doanh về lụa, cũng là người đi đầu trong việc mở hoạt động kinh doanh khu nghỉ mát cao cấp tại Hội An, anh đã nếm trái đắng của người đi trước chưa?
Tôi quyết định xây khu nghỉ mát Hội An Riverside (Hoian Riverside Resort) từ khi Hội An chưa được công nhận là di sản thế giới, vì ở đây phong cảnh đẹp, biển có, núi có, món ăn ngon, nhưng không có một khu nghỉ mát sang trọng nào dành cho du khách cả. Tôi tìm đất, mở một khu nghỉ mát bốn sao… Cay đắng có, phấp phỏng lo âu thì triền miên.
Mở ra một khu nghỉ mát tốn tiền của như vậy mà trong một năm rưỡi đầu tiên chưa có khách… Từ hai bàn tay trắng dựng nên, toàn bộ tiền của gia đình dốc hết vào đấy. Mình biết đồng tiền tích cóp được của gia đình là quý như thế nào…
____
Lúc đó có người còn cho rằng anh là một người… điên?
Không, người ta chỉ nói tôi quá phiêu lưu. Thời gian đó ở Hội An, giá phòng chỉ 20USD thôi, nhưng ở khách sạn của tôi giá tới 100USD. Ai cũng nói sẽ không có khách. Người thân cũng không đồng tình lắm khi tôi xây khu nghỉ mát Hội An Riverside.
Cái yếu của tôi lúc đó chính là quảng bá. Bằng nỗ lực riêng, và được cả sự cộng hưởng chung của toàn ngành du lịch vì một di sản văn hóa của thế giới, cho đến giờ Hoian Riverside Resort đã có ít nhiều tiếng tăm, được tạp chí The Guide (Nhật) công nhận là The best boutique resort. Bên cạnh đó, Nhà hàng Nam Phan, sản phẩm Khaisilk, và Brother’s Cafe Hoian cũng được đưa vào danh sách “The best”.
____
Nhưng với người tiêu dùng, cả trong nước và nước ngoài, nói đến Khaisilk là người ta than: “Đắt lắm!”. Vậy anh nghĩ sao?
Tôi nghĩ chữ “đắt” ấy không chỉ là “đắt tiền”, mà là “đắt giá”. Nhiều khi bạn bè thân vẫn nói rằng lụa Khaisilk đắt quá. Tôi đùa rằng: “Đắt gì đâu! Tiền nào của nấy!”. Rồi bạn tôi so sánh với những mặt hàng lụa khác trên cùng phố. Tôi đùa lại: “Sao không sang bên ấy mua?”.
Cái đẹp thực ra luôn mang một giá trị vô hình, đôi khi, nó là vô giá. Người ta được “hưởng” rất nhiều từ một bộ thời trang đẹp, một bữa ăn đẹp, đó là sự cảm nhận về nét mới mẻ hơn, thi vị hơn của cuộc sống. Hãy bước vào bất kỳ nhà hàng hay cửa hàng của tôi đi vì nó “quá đẹp”, chứ đừng vì nó “quá đắt”. Càng ngày, người Việt Nam càng tự tin hơn khi đi đến những trung tâm thương mại lớn thế giới. Mình cũng muốn tạo ra sự tự tin ấy ngay trên đất nước mình.
Tạo nên tính cách của mình và khiến người ta đi theo nó chính là xu hướng kinh doanh rất phát triển hiện nay trên thế giới
____
Nhiều người đi qua Nhà hàng Pháp “Au Manoir” trên đường Điện Biên Phủ hay thắc mắc: “Nhà hàng gì mà cứ đóng cửa im ỉm thế?”.
Bạn bè tôi cũng hay hỏi vậy. Bản thân tôi muốn giữ một sự tĩnh lặng theo một cách riêng để khi khách đến Au Manoir có cảm giác như trở về ngôi nhà thân thương của mình… Quả thực không dễ dàng làm được một nhà hàng ăn tối thu hút đông khách vì cần có một gu thẩm mỹ riêng, một style riêng, một cách thưởng thức thức ăn riêng. Riêng về nếm thì tôi có biệt tài đấy nhé!
____
Anh có thể cho biết rõ hơn về mục đích của mình? Tại sao trong các hình ảnh quảng cáo, bên cạnh tên thương hiệu Khaisilk còn xuất hiện thêm chữ “very”?
Tôi muốn làm sao khi bước vào các nhà hàng, resort, căn hộ cho thuê của chúng tôi, mọi người đều biết đó là của Khaisilk. Tạo nên tính cách của mình và khiến người ta đi theo nó chính là xu hướng kinh doanh rất phát triển hiện nay trên thế giới. Người ta gọi đó là kinh doanh tính cách. Từ những sản phẩm lụa đẹp và thời trang, tới khi chuyển sang kinh doanh nhà hàng, resort, tôi đã bổ sung thêm rất nhiều để thể hiện tính cách của mình.
Bất cứ một góc nhỏ nào đó trong sản phẩm, trong nhà hàng của tôi cũng mang dáng dấp của Khải. Tôi đang bàn tính với bạn bè bên gốm Minh Long làm bát, đĩa, chén khắc họa được họa tiết mang tên: “Minhlong – Khaisilk” để sản phẩm đạt tới một đỉnh cao mới. Chữ “Very Khaisilk” có nghĩa là “Rất Khải” nhằm nhấn mạnh, nâng cao hơn nữa tính cách của sản phẩm tôi.
____
Như vậy ý nghĩa của Khaisilk sẽ mở ra vô tận?
Bởi vì thời trang dính dáng đến tất cả, khi ta đạt đến độ chín muồi của kinh doanh tính cách. Như Versace, Armani, họ kinh doanh đủ thứ, kể cả khăn tắm, nhà hàng, đến cây đèn… Khaisilk cũng đang từng bước để đạt được điều đó. Nếu làm mà sản phẩm chỉ để đáp ứng nhu cầu chung của thị trường thì sản phẩm không thể nào cao cấp được.
Phải tạo ra một đặc trưng cho sản phẩm của mình và làm cho nó đặc biệt để được thị trường chấp nhận. Cuối năm nay, tôi sẽ mở thêm một nhà hàng nữa, lấy tên là Signature Style (Tính cách). Cũng có nhiều người khuyên tôi viết sách, nhưng mình còn trẻ quá, phải đợi một thời gian nữa…
Đã quá trưa, Khải ngỏ ý mời chúng tôi dùng cơm. Một bữa toàn hương vị quê nhà và khá đơn giản: Một bát canh chua cá mú, rau cải rổ xào cùng món nem rán hình… tam giác! Khi tôi tỏ ra thích thú với món “tam giác” và những bình hoa được cắm rất tinh tế, Hoàng Khải cười:
Ai vào đây cũng ngạc nhiên với món nem rán tôm cua này đấy. Cũng là món ăn dân gian, nhưng chỉ hơi khác đi một chút về hình thức. Ngay như cắm hoa cũng vậy. Chỉ một màu trắng, nhưng làm sao để tạo ra những tinh thần khác nhau? Nam Phan đậm chất thiền, còn Au Manoir rất hiện đại… Mỗi một ngày mới, thấy một bình hoa đẹp tại nhà hàng, tôi liền gọi điện cho Vũ, người chuyên trách về hoa của ba nhà hàng ở Sài Gòn để nói với anh lời cảm ơn.
Tôi chọn logo cho nhà hàng của mình là hoa sứ trắng, bởi vì nó có mùi thơm của im lặng, không phô trương, rất thiền. Tranh ở đây toàn Đông Hồ, tên cho từng bàn cũng rất Việt Nam, chẳng hạn Nam Hải, Nam Khê, Nam Long, Nam Phương, Nam Vương, Nam Thiên… Mùi hương trầm ở đây chỉ thoang thoảng, cho ấm nhà ấm cửa chứ không mang màu sắc tôn giáo như trong chùa chiền.
Sắp tới, tôi đang mong làm được một lễ hội ẩm thực về hoa. Một cô gái mặc áo bà ba, mang một rổ hoa súng, hoa sen, hoa thiên lý, hoa so đũa… đến tận từng bàn, kể về đặc điểm của từng loài hoa ấy cho thực khách nghe trước khi thưởng thức. Hấp dẫn lắm đấy! Đỉnh cao của ẩm thực không phải là “ăn bằng mắt” nữa, mà là “ăn bằng tai”. Ở Nhật Bản, đang rất phát triển trào lưu này.
Lòng đam mê nghề nghiệp phải xuất phát từ lòng yêu quê hương sâu sắc, thậm chí quên cả bản thân
____
Thường người thiết kế thời trang hay sống lập dị? Anh nghĩ gì về sự thành công của mình?
Khi 25-30 tuổi, tôi cũng lập dị lắm. Cũng may là sản phẩm của chúng tôi phát triển theo hướng lịch lãm, tinh tế, không gây sốc, nên tôi đã quân bình trở lại. Tinh thần phải phù hợp với sản phẩm. Sản phẩm của mình trầm thế này mà cứ lung tung lên thì làm sao sáng tạo. Hồi trẻ, tôi chỉ nghĩ làm một cái gì đó để nổi tiếng, làm sao cho mọi người biết đến mình. Nhưng qua những thành công, thất bại, cách nhìn của tôi về cuộc đời đã khác đi… Thay đổi nhiều lắm!
____
Anh có thể nói về sự “khác đi” ấy ?
Tâm huyết của tôi bây giờ dồn hết vào những sản phẩm mang thương hiệu Khaisilk, bên cạnh đó hai đứa em là Hoàng Phi Phi và Phan Anh Đức ở Sài Gòn cũng hỗ trợ tôi rất nhiều, và chắc chắn họ sẽ là người kế thừa. Cả hai đều đã trưởng thành, đang nắm toàn bộ hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Thương hiệu có được giữ gìn và phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ sau. Con người mới là gia tài lớn nhất.
____
Bận bịu như vậy, anh còn thời gian để chơi nhạc không?
Hết rồi! Thật đáng tiếc! Nhưng hàng ngày, tôi luôn có cơ hội nghe nhạc giao hưởng và nhạc Pop vì ở tất cả các nhà hàng, cửa hàng của chúng tôi lúc nào cũng có tiếng nhạc. Âm nhạc là đời sống thứ hai trong con người mà! Tôi đang “ghiền” đĩa nhạc Brian Adams do Phi Phi tặng.
____
Điều gì giúp anh bền bỉ, dài hơi như vậy để theo đuổi sự nghiệp?
– Tôi muốn thương hiệu của chúng tôi trở nên nổi tiếng, nổi tiếng hơn nữa trên thế giới, và có thể giữ vững 100 năm, 200 năm nữa như các thương hiệu lừng danh khác.
____
Theo anh, hình ảnh doanh nhân Việt Nam đã thực sự rõ nét chưa?
Rõ nét rồi đó! Có thể nói, họ đều rất yêu Việt Nam, bởi ai cũng muốn làm ra một sản phẩm để có thể cạnh tranh với thị trường quốc tế. Ai cũng phải mang hết nỗ lực, lòng đam mê của mình ra để làm cho sản phẩm đứng được trên thị trường. Lòng đam mê nghề nghiệp phải xuất phát từ lòng yêu quê hương sâu sắc, thậm chí quên cả bản thân, quên ăn, quên ngủ để học hỏi và làm việc. Giữ vững thương hiệu đồng nghĩa với leo dốc suốt đời. Mới nghe thì thấy mệt quá đấy, nhưng chính điều đó mới giúp mình hoàn thiện.
____
Vậy triết lý kinh doanh của anh?
Tạo nên cái đẹp trong cuộc sống.
____
Còn triết lý sống?
Sống đẹp và sống tốt.