Dự án đập thủy điện Sambor của Campuchia do Trung Quốc thiết kế và xây dựng trên sông Mêkong sẽ tác động đến giao thông và nguồn cá ở hạ nguồn, chủ yếu với Việt Nam. Trên đây là nội dung kết quả nghiên cứu của Viện Bảo vệ Môi trường Natural Heritage Institute, nhưng chính quyền Campuchia lại giữ im lặng.
Bản tin của AP cho biết một kết quả nghiên cứu về hậu quả của dự án đập thủy điện lớn nhất trên dòng sông Mêkong vừa được đăng trên trang mạng của Natural Heritage Institute (Hoa Kỳ) sau ba năm nghiên cứu và sáu tháng sau khi cung cấp cho chính phủ Campuchia.
Theo đó hồ thủy điện với diện tích 620km² sẽ có lợi cho Campuchia về điện lực, nhưng làm cho Việt Nam thiệt hại nặng nề vì ngăn chặn nguồn cá từ biển Hồ đổ xuống, gây khó khăn cho lưu thông trên sông Tiền và sông Hậu.
Chưa hết, đập thủy điện Sambor – do China Southern Power Grig Co, một công ty Trung Quốc thiết kế – sẽ làm giảm lưu lượng nước và phù sa ở hạ nguồn. Hệ quả là ruộng đồng ở châu thổ sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam không những sẽ thiếu phù sa màu mỡ bồi đắp, mà còn bị nước mặn từ biển xâm thực thêm.
Theo Natural Heritage Institute, nguy cơ hàng chục triệu dân Việt Nam bị đe dọa mất nguồn lương thực, sẽ gây ra tình trạng căng thẳng giữa hai nước láng giềng.
Các chuyên gia tác giả bản báo cáo đề nghị Campuchia chọn một địa điểm khác, trên một nhánh sông khác, nhưng theo AP, chính quyền Phnom Penh đã không trả lời cho dù nhận được yêu cầu từ tháng 12-2017.
Được biết hiện nay lượng phù sa của sông Mêkong chảy qua năm nước Đông Nam Á đã bị giảm phân nửa do bảy đập thủy điện khác của Trung Quốc xây trên thượng nguồn.