Katleen Callo – Giám đốc Công ty Rosetta (bạn bè thường thân mật gọi là Kat) nguyên là Phân xã trưởng của Hãng Reuters tại Việt Nam từ cuối 1989 cho tới 1993. Với chị, việc hãng này mở văn phòng đầu tiên tại Hà Nội và mình trở thành phóng viên phương Tây đầu tiên được làm việc tại nước ta sau năm 1975 là một kỷ niệm tuyệt vời.
Chị đã có dịp đi khắp Việt Nam trong suốt hơn ba năm đó, quan sát và tiếp cận sâu sát xã hội, có được rất nhiều bạn bè. Trở lại nước Anh vào năm 1993, chị chuyển qua lĩnh vực kinh doanh của hãng Reuters với tư cách là một chuyên viên báo chí cao cấp. Sau khi tốt nghiệp thêm bằng cử nhân tại Trường Quản trị kinh doanh London, chị đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch quản trị của hãng Reuters, với trách nhiệm điều hành công việc thương mại thông tin toàn cầu với một dự án trị giá nhiều triệu đô la Mỹ. Trong suốt 17 năm làm việc tại Reuters, chị đã làm việc ở London, Brussels, Manila, Hồng Kông. Nhưng Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung gắn bó với chị hơn những thành phố khác, vì tại Vịnh Hạ Long, chị đã nhận lời cầu hôn của nhà báo Peter Wilson Smith.
Đến năm 2002, chị muốn làm một cái gì đó hoàn toàn chủ động, sáng tạo nên đã quyết định thành lập Công ty Tư vấn chiến lược quốc tế Rosetta để có thể độc lập thực thi được vốn sống, có thể ứng dụng được ý tưởng sáng tạo và để có thể làm hoặc đi tới những nơi mình yêu thích.
____
Tại sao Công ty có tên rất riêng, rất đặc trưng là Rosetta?
Tôi đem những chuyện nghiêm túc bàn bạc trong gia đình, ngay cả việc chuyển công tác, việc tìm một cái tên cho công ty. Quyết định chọn tên Rosetta là do Benedict, cậu con trai 6 tuổi của tôi góp ý. Sự tích hòn đá Rosetta là một biểu tượng của tri thức.
____
Vậy nguyên nhân nào khiến chị chọn Việt Nam làm điểm khởi đầu của sự nghiệp kinh doanh?
Có ba lý do khuyến khích chị trở lại Việt Nam với tư cách là một nhà tư vấn chiến lược quốc tế. Thứ nhất, có cơ hội thăm viếng bạn bè, những người quen biết hoặc các đồng nghiệp cũ trước đây đã làm việc tại Bộ Ngoại giao, Thông tấn xã Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Đài Truyền hình Trung ương. Thứ hai, rất cảm kích và trân trọng tình cảm tốt đẹp mà bè bạn Việt Nam đã dành cho trong suốt nhiệm kỳ làm việc ở đây.
“Giờ đây tôi đã có thể đền đáp lại dẫu chút ít cho Việt Nam bằng kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, bằng tri thức và kỹ năng của cá nhân tôi”. Lý do thứ ba là lòng tin mạnh mẽ vào tiềm năng của Việt Nam. “Người Việt Nam không ngừng ứng dụng trí tuệ, động lực và sự cần cù của mình vào công cuộc phát triển đất nước để sớm hòa nhập vào nền kinh tế thế giới, tôi cảm thấy may mắn khi trở lại Việt Nam đúng vào thời điểm này, vì hoạt động tư vấn chiến lược quốc tế mà công ty tôi đang cung ứng thực sự tương thích với Việt Nam hiện nay”.
Khách hàng của chị có thể là các cơ quan thuộc các bộ, một số nhà lãnh đạo, các công ty nhà nước, công ty tư nhân… Chị hi vọng sẽ giúp họ có thể đạt tới mục tiêu một cách nhanh chóng, dễ dàng và không tốn kém. Theo những cách tư vấn khác nhau, chẳng hạn với từng cá nhân chịu trách nhiệm điều hành, hoặc làm việc với cả nhóm chuyên viên, hoặc làm với dự án, hay tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo cũng như các khóa học ngắn hạn. Công ty của chị sẽ giúp đỡ họ lập kế hoạch kinh doanh, thông tin tuyên truyền và chiến lược thương hiệu, rồi trên những lĩnh vực khác nữa như chuyển hóa tổ chức, quản lý trao đổi và phát triển khả năng lãnh đạo.
Kat đã là khách mời của lãnh đạo chính quyền TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, của Đài Truyền hình Việt Nam và một số công ty, bộ – ngành khác. Vì công ty mới được gầy dựng, chị phải bỏ khá nhiều công sức cho việc tạo lập uy tín và thương hiệu. Bên cạnh đó, chị phải sắp xếp gia đình, cân bằng giữa mọi vai trò: giám đốc doanh nghiệp – người vợ – người con dâu của một gia đình khá tên tuổi ở London – người mẹ của hai cậu con trai đang học tiểu học.
Rồi chuyện sắp xếp chương trình làm việc và sinh hoạt mỗi ngày: Cả nhà ăn sáng, cùng nhau trao đổi kế hoạch của từng thành viên, hẹn nhau xem có thể cùng ăn tối không, nếu không thì lý do tại sao (vì ông xã Peter hiện là Tổng Biên tập của tờ Financial News, nên việc phải tổ chức chiêu đãi, dự chiêu đãi, họp hành là điều không tránh khỏi).
Chị luôn cố gắng để mỗi tối có thể dành ít nhất nửa giờ hỏi han chuyện học tập của hai cậu quý tử, sau đó còn đọc truyện cho chúng nghe trước khi đi ngủ. Chị rất quan tâm dạy dỗ các con giá trị lao động và tác dụng của tiền bạc. Nếu các con chị tự làm được những việc khó mà lẽ ra phải thuê thợ thì chúng sẽ được hưởng số tiền đó nhưng phải được gửi vào tài khoản riêng của mình.
Giờ đây tôi đã có thể đền đáp lại dẫu chút ít cho Việt Nam bằng kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, bằng tri thức và kỹ năng của cá nhân tôi.
Hai vợ chồng Kat luôn sẵn sàng chia sẻ những khó khăn khi cùng là lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như hoạch định tương lai cho gia đình và con cái, kể cả việc định tài sản. “Ai biết được với thời cuộc hiện nay, cái gì sẽ xảy ra cho mình hay chồng mình trong một chuyến bay? Tốt hơn là phân định sẵn, còn chuyện không xảy ra thì tất nhiên là tuyệt vời rồi.” Đó là ý tưởng chung của họ. Nói vậy thôi, tới nay, họ đều là những doanh nhân thành đạt và may mắn. Khi báo chí thế giới lao đao và phải cắt quân số thì tờ Financial News do anh Peter lãnh đạo vẫn phát triển và tất nhiên là có sự đóng góp ý kiến xác đáng của Kat.
Khi Kat bắt đầu ngồi vào văn phòng, tất cả các cú điện thoại, nếu không cần thiết, đều được rút ngắn gọn. Với Kat, ngoài thời gian đã định ra, khó có thể “ngẫu hứng” co dãn hoặc có những cuộc “buôn dưa lê” như chuyện thường xảy ra ở xứ mình. Trong mọi mối quan hệ, chị luôn thẳng thắn nói ra ý nghĩ của mình, rành mạch, không nhân nhượng khi có chuyện sai trái.
“Yếu tố quan trọng giúp cho một xã hội phát triển được là mối quan hệ gia đình và người thân, nhưng điều cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, cũng như của xã hội cũng lại là mối quan hệ gia đình và người thân quen. Việc nhân nhượng và nín nhịn khiến cho cả một doanh nghiệp trì trệ. Tình nhân ái không có nghĩa là sự cưu mang đèo bồng, mà là sự giúp đỡ rõ ràng, thiết thực, sòng phẳng…” – Chị đã từng tư vấn như vậy cho một số nhà doanh nghiệp Việt Nam.
Kat nói với tôi là muốn hai con mình cũng gắn bó với Việt Nam nên chị bắt đầu dạy các cháu tiếng Việt. “Khi trở lại Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, tôi đã kinh ngạc trước những đổi thay so với năm 1993. Từ lúc đặt chân lên sân bay quốc tế mới của Hà Nội đến khi ngồi trên xe chạy trên con đường mới khang trang, hai bên là những khách sạn, cửa hiệu và nhà hàng lịch sự, tôi cứ ngỡ ngàng mãi”.
Mới chỉ có một thập niên mà sự phát triển đã nhanh đến mức khi đi về địa điểm đặt văn phòng trước đây, chị đã suýt bị lạc. “Người Hà Nội và người Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay ăn mặc đẹp hơn, đi xe máy nhiều hơn, còn điện thoại di động các loại được sử dụng như thể đã hiện hữu từ xa xưa. Nhiều nhà kinh doanh trẻ rất năng động, có khá nhiều ý tưởng sáng tạo. Những thay đổi này khuyến khích cả các hoạt động dịch vụ giải trí tăng trưởng…” – Kat nhận xét.
Tình nhân ái không có nghĩa là sự cưu mang đèo bồng, mà là sự giúp đỡ rõ ràng, thiết thực, sòng phẳng…
“Tuy sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của Việt Nam rất rõ nét, nhưng chúng ta vẫn còn khá nhiều việc để làm. Người Việt Nam thông minh, giỏi giang, nhưng những nhà tài trợ quốc tế và các tổ chức phát triển của các nước khác đã cảnh báo về vấn đề “xây dựng năng lực” vẫn còn quá chậm ở Việt Nam. Vì vậy, nếu muốn bắt kịp trình độ của các nền kinh tế trong khu vực và đạt tới tầm cỡ quốc tế, Việt Nam cần phải trang bị cho mình đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm, tri thức quốc tế nhanh hơn nữa.
Nhu cầu đào tạo và hình thành một thế hệ mới trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế cần được nâng cao cả chiều rộng, chiều sâu và tốc độ”. Kat cho rằng những năm đầu của thập niên này là một giai đoạn thú vị và khá thuận tiện cho Việt Nam trên mọi lĩnh vực, từ công nghệ sáng tạo, thông tin, giao lưu đến giao thông vận tải quốc tế… Vì vậy, các nhà lãnh đạo cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh thật sự bình đẳng.
Chức năng của các công ty tư vấn là giúp mọi người sử dụng dịch vụ của họ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và năng lượng bằng cách đẩy nhanh tiến độ học tập kiến thức cơ bản và kinh nghiệm ngay trong tổ chức của mình thay vì mất thì giờ chờ đợi và tự mình rút ra kinh nghiệm… “Một lần nữa, số phận lại đưa tôi trở lại Việt Nam. Bây giờ, tôi sẽ lui tới đây vài ba lần trong một năm.
Tôi hi vọng được cống hiến vào gặt hái thành công trong một giai đoạn thú vị mới, giai đoạn của sự phát triển và tăng trưởng ở Việt Nam. Hơn một thập niên đã qua và những thập niên tới sẽ thuộc về thế hệ sau. Henry và Benedict – con chúng tôi – sẽ lớn lên, sẽ hiểu, sẽ yêu Việt Nam như tôi và chồng tôi đã yêu quý đất nước này” – Katleen Callo đã tạm dừng tâm sự với chúng tôi như thế!