Sợ nói chuyện trước đám đông là chuyện rất phổ biến, theo thống kê, cứ bốn người thì có một người bị lo sợ khi trình bày ý tưởng và thông tin trước đám đông khán giả. Trong khi đó, nói chuyện trước đám đông lại là một kỹ năng thiết yếu có thể giúp mọi người tiến xa trong sự nghiệp và hình thành những mối quan hệ vững mạnh.
Các nhà nghiên cứu đã xác định nhiều lý do vì sao chúng ta ngại nói chuyện trước đám đông. Đó có thể là do yếu tố sinh lý học, do suy nghĩ của chúng ta, do tình huống hoặc vì thiếu kỹ năng.
Những yếu tố gây ra nỗi sợ cũng chính là yếu tố mà các nhà nghiên cứu tập trung vào để giúp mọi người chiến thắng nỗi sợ nói trước đám đông.
Học cách giúp cơ thể giữ trạng thái bình tĩnh
Những kỹ thuật thư giãn sẽ làm giảm bớt các hoạt động sinh lý mà cơ thể tự động tạo ra khi đối diện với một sự kiện hoặc một tình huống gây sợ hãi. Yếu tố kích thích nỗi sợ có thể là do tính chất của sự kiện hoặc do ý nghĩ buộc phải nói chuyện trước đám đông.
Học cách thư giãn khi suy nghĩ, trong lúc chuẩn bị và thực hành thuyết trình sẽ làm giảm nỗi sợ hãi và tránh được phần nào ảnh hưởng đến chất lượng trình bày. Các kỹ thuật thư giãn bao gồm học cách kiểm soát hơi thở, hạ nhịp tim và giảm căng thẳng cơ bắp. Những kỹ thuật này có thể phát huy tối đa tác dụng nếu được kết hợp với một quá trình chuẩn bị tốt trước khi nói chuyện, thuyết trình. Chẳng hạn, bạn có thể bắt đầu áp dụng kỹ thuật thư giãn ngay khi nhận lời, khi chuẩn bị cho bài nói chuyện và cuối cùng là khi chính thức thuyết trình.
Bạn cũng có thể học cách kiểm soát nỗi sợ qua kỹ thuật thư giãn bằng cách nâng dần quy mô của các sự kiện, nên bắt đầu với những nhóm khán giả rất nhỏ và từ từ nâng dần số lượng khán giả lên. Bạn cũng có thể khởi đầu với những bài nói chuyện dễ chuẩn bị và dễ trình bày hơn để học cách làm chủ kỹ thuật thư giãn và tiếp tục vận dụng các kỹ thuật này khi bước vào những tình huống khó hơn. Thư giãn là một kỹ thuật hiệu quả giúp mang lại những kết quả nhanh chóng nhưng không nhất thiết sẽ lâu dài.
Thay đổi cách tiếp cận về nhận thức
Chúng ta có thể tự huấn luyện bản thân mình thay đổi cách tiếp cận về nhận thức: hãy xem nói chuyện trước công chúng là một tình huống mà bạn đang giao tiếp với mọi người, thay vì nghĩ rằng đây là một tình huống mà bạn sẽ bị thử thách hay phán xét. Sự chuyển đổi trong quan điểm sẽ giải thoát chúng ta khỏi nỗi lo sẽ phải xuất hiện ra sao và tập trung để truyền tải thông điệp một cách tốt nhất có thể.
Chuẩn bị, chuẩn bị và chuẩn bị
Những gì được thể hiện trong buổi nói chuyện chính là sự tích lũy của một quá trình chuẩn bị và tập dượt. Càng chuẩn bị kỹ thì sẽ càng bớt lo lắng. Hãy nghĩ về công sức mà các nghệ sĩ đầu tư cho quá trình “tập tuồng”. Các “nghệ sĩ” nói trước công chúng cũng vậy. Thay vì quá lo lắng, hãy tập trung vào quá trình chuẩn bị, càng chuẩn bị kỹ, càng tập trung vào thông điệp cần trình bày thì sẽ bớt bị phân tâm bởi nỗi lo. Cũng nên nhớ rằng thiếu chuẩn bị thì luôn gây căng thẳng, lo sợ nhiều hơn là chuẩn bị quá kỹ.
Tìm cơ hội để nói nhiều hơn
Dù là bạn đang muốn cải thiện phản ứng của cơ thể trước nỗi sợ hay thay đổi cách tiếp cận chung về nói chuyện trước đám đông, nếu càng thực hành và có nhiều kinh nghiệm hơn, bạn sẽ tự tin hơn. Càng nói chuyện trước công chúng nhiều, bạn sẽ càng nhận ra rằng điều làm nên một diễn giả giỏi là sự kết hợp của ý muốn mang lại thông tin và cảm hứng cho khán giả, một tư duy tích cực và rất nhiều sự chuẩn bị.
Tìm sự hỗ trợ
Dù có nhiều cách để chúng ta tự mình vượt qua nỗi sợ khi nói chuyện trước công chúng, nhưng trong nhiều trường hợp, tìm sự hỗ trợ bên ngoài có thể mang lại hiệu quả tốt hơn là tự mình tìm cách cải thiện vấn đề. Bạn có thể tìm đến các khóa học, những chuyên gia trong lĩnh vực này hoặc các nhóm cộng đồng.
- Xem thêm: Vượt qua nỗi sợ hãi
Thông thường, chúng ta thường né tránh những thứ làm ta sợ, và nếu cứ tránh thì không thể thực hành và không thể cải thiện được, hệ quả tất yếu là ta lại tiếp tục sợ mãi không thôi. Nhưng thật ra, bạn có nhiều sự chọn lựa để có thể phá vỡ cái vòng lẩn quẩn của nỗi sợ nói trước đám đông.