Ông Benoit Coeure – một thành viên ban lãnh đạo ECB đã chia sẻ sự nhìn nhận của mình với nhật báo Nikkei (Nhật Bản) rằng sự tăng trưởng tại Eurozone bị chững lại bởi chính sách tín dụng thắt chặt và việc cắt giảm ngân sách của các chính phủ do vấn đề nợ tại các nền kinh tế trong khu vực. Tình trạng giá nhiên liệu tăng cao cùng với thuế giá trị gia tăng áp vào người tiêu dùng nhích lên tại nhiều nước có thể khiến ECB xem xét đến chỉ số lạm phát tại khu vực này. Có dấu hiệu lạm phát tạm thời, còn lạm phát có kéo dài hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố giá dầu (có gây ảnh hưởng đến giá lương bổng, có tạo thành hiệu ứng vòng thứ hai, còn được gọi là vòng xoắn lương – giá hay không). Dù khả năng xuất hiện hiệu ứng vòng thứ hai tại Eurozone rất hạn chế, song vấn đề giá cả leo thang đang trở thành một đề tài trọng tâm của ECB suốt nhiều ngày qua, phần vì xăng có dấu hiệu đội giá và Hy Lạp giảm nợ thành công. Một khi nỗi hoang mang về suy thoái nặng nề và khủng hoảng tài chính qua đi, rất có thể bóng ma lạm phát sẽ xuất hiện cùng tốc độ tăng trưởng nhanh và lãi suất căn bản thấp. Trong tháng 2 vừa qua, tỷ lệ lạm phát tại Eurozone đã tăng 2,7%, cao hơn mức chuẩn của khu vực (2%). Chủ tịch ECB – ông Mario Draghi khẳng định mức lạm phát mục tiêu của khu vực trong năm nay sẽ là 2%, sang năm 2013 sẽ dao động từ 0,9 đến 2,3%. Do đó, việc giữ mức lạm phát dưới tầm kiểm soát là bước đi quan trọng tiếp theo của EU. Ngoài ra, cùng với dự báo về cuộc suy thoái nhẹ trong năm nay, ECB cho biết sẽ không hạ mức lãi suất căn bản hiện tại ở 1% và có thể duy trì con số ấy đến năm 2013.
Trong năm qua, ECB đã hỗ trợ cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone với hai gói cứu trợ trị giá lớn hơn 1.000 tỉ euro, tương đương 1.320 tỉ USD thông qua các khoản vay giá rẻ kéo dài ba năm dành cho các ngân hàng trong khu vực này. Khoản vay ấy đã bổ sung 500 tỉ euro tiền mặt vào hệ thống tài chính, giúp các ngân hàng yếu kém chỉnh đốn năng lực tài chính và đẩy sức mua trái phiếu chính phủ, đồng thời góp phần làm giảm chi phí vay đối với các chính phủ ngập nợ, bao gồm Ý và Tây Ban Nha. Eurozone giảm sút kinh tế 0,3% trong quý IV năm ngoái và hai quý liên tục tăng trưởng âm nên đang trong giai đoạn suy thoái nhẹ. Trước mắt, ECB dự báo Eurozone tăng trưởng trung bình từ -0,5% đến -0,3% trong năm 2012.
Thống Kiên theo AP