Trong nhóm các nước cấm triệt để mại dâm còn có Lào, Việt Nam, Myanmar và Brunei. Luật cấm nhưng trên thực tế mại dâm vẫn hoành hành “trên từng cây số” ở Thái Lan. Du lịch tình dục phát triển với các phố đèn đỏ ở Pattaya, Bangkok, Phuket.
Ở khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia cho phép mở nhà chứa trong phạm vi quy hoạch, một số nước khác chấp nhận mại dâm ở mức độ nhất định, trong khi một số nước cấm hoạt động mại dâm dưới mọi hình thức.
Các nước chấp nhận mở nhà chứa
Singapore chủ trương cần quản lý mại dâm thay vì cấm để bảo vệ người chưa thành niên và ngăn chặn tội phạm. Do đó, mua bán dâm là hành vi hợp pháp nhưng môi giới mại dâm, sống bằng thu nhập của gái mại dâm và chèo kéo mại dâm nơi công cộng sẽ bị xử phạt.
Người chèo kéo có thể bị phạt đến 2.000 đôla Singapore hoặc sáu tháng tù giam.
Các phố đèn đỏ được khoanh vùng tại số ít địa điểm. Nhà chứa hoạt động công khai trong phố đèn đỏ Geylang nổi tiếng.
Gái mại dâm hợp pháp hoạt động trong nhà chứa, tiệm karaoke, tiệm mát-xa. Họ phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ 15 ngày và phải có thẻ y tế màu vàng. Ngoài gái nội địa còn có gái Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam…
Tại Philippines, pháp luật cấm hoạt động mại dâm. Người buôn bán phụ nữ vì mục đích mại dâm sẽ bị xử phạt đến mức án tù chung thân theo luật năm 2003. Dù vậy, gái mại dâm rất ít khi bị xử phạt. Họ thường hoạt động trong quán bar, tiệm karaoke, tiệm mát-xa, nhà hàng, dịch vụ gái gọi.
Mại dâm đường phố cũng có nhưng không nhiều. Người hành nghề ở quán bar phải đăng ký và phải có sổ y tế. Chính quyền địa phương có thể đề đạt quy hoạch khu vực nhà chứa, quy định dấu hiệu nhận dạng nhà chứa và hoạt động của gái mại dâm.
Indonesia không có luật riêng về vấn đề mại dâm và xem mại dâm là hành vi vi phạm về đạo đức công cộng. Mại dâm được luật hóa tùy vùng, có địa phương cấm nhưng cũng có địa phương đưa vào khuôn khổ pháp luật.
Trên thực tế mại dâm là hiện tượng phổ biến được xã hội chấp nhận. Các cô gái mại dâm thường gặp khách tại các địa điểm giải trí hoặc nhà chứa. Nhà chứa được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương.
Trong những năm gần đây, du lịch tình dục trẻ em đã trở thành vấn nạn trên đảo Bali hay đảo Batam. Năm 2016, Indonesia thông báo đến năm 2019 sẽ xóa sổ hàng trăm phố đèn đỏ.
Các nước cấm mở nhà chứa
Tại Campuchia, hiến pháp cấm mại dâm nhưng không có luật riêng về cấm mại dâm. Luật ban hành năm 2008 về trấn áp buôn người và bóc lột tình dục chỉ trừng phạt các hành vi buôn người, chứa chấp gái mại dâm, mở nhà chứa và truyền bá văn hóa đồi trụy.
Luật không nêu xử phạt hành vi mua dâm nên mại dâm rất phổ biến dù cảnh sát tăng cường trấn áp nhà chứa.
Các vấn nạn lớn của Campuchia là nạn du lịch tình dục trẻ em, bóc lột tình dục và lây nhiễm các bệnh tình dục. Đặc biệt là nạn bạo hành với gái mại dâm do gái mại dâm vẫn bị xã hội lên án, kỳ thị.
Malaysia không có luật chuyên biệt điều chỉnh mại dâm, trừ ở bang Kelantan, ở đó mại dâm không được xem là hành vi phạm pháp. Dù vậy, các hành vi như chèo kéo, mở nhà chứa hay tổ chức mại dâm đều bị xử phạt theo bộ luật hình sự.
Trên thực tế ở Kuala Lumpur vẫn có nhiều phố đèn đỏ. Nổi tiếng nhất là phố đèn đỏ ở khu Bukit Bintang, kế đến là khu Lorong Haji Taib hoặc khu Chow Kit.
Đông Timor cũng hợp pháp hóa mại dâm nhưng lại cấm mở nhà chứa. Trong các chiến dịch truy quét, cảnh sát thường chú ý đến gái mại dâm nước ngoài, hầu hết là công dân Trung Quốc, Philippines, Indonesia sử dụng visa du lịch.
Các nước xử phạt mọi hoạt động mại dâm
Tại Thái Lan, mại dâm chính thức bị cấm năm 1960. Khuôn khổ pháp lý về mại dâm hiện hành của Thái Lan căn cứ ba đạo luật: Luật phòng ngừa và xóa bỏ mại dâm năm 1996, Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2003 và Luật về các địa điểm vui chơi giải trí năm 1966.
Người tham gia mại dâm sẽ bị phạt tiền hoặc bị phạt tù nếu tái phạm. Người chứa mại dâm, người bóc lột tình dục trẻ em hoặc ép buộc mại dâm và người thủ lợi từ lợi nhuận mại dâm bị xử phạt nặng hơn.
Luật cấm nhưng trên thực tế mại dâm vẫn hoành hành “trên từng cây số” ở Thái Lan. Du lịch tình dục phát triển với các phố đèn đỏ ở Pattaya, Bangkok (Patpong, Nana Plaza, Soi Cowboy) hay Phuket trong tiệm mát-xa, quán bar, vũ trường, tiệm karaoke. Chỉ riêng ở Pattaya có 27.000 gái mại dâm.
Trong nhóm các nước cấm triệt để mại dâm còn có Lào, Việt Nam, Myanmar và Brunei. Tại Lào, mại dâm đường phố cũng có nhưng nạn mời mọc mua bán dâm chủ yếu diễn ra trong quán karaoke, câu lạc bộ, hộp đêm, nhà hàng.
Hai bên hành sự trong khách sạn, nhà nghỉ, nhà riêng. Hầu hết gái mại dâm là người dân tộc thiểu số.
Việt Nam nghiêm cấm các hành vi mua dâm, bán dâm, chứa mại dâm, tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức bán dâm, môi giới mại dâm, bảo kê mại dâm, lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm và các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm.
Tại Brunei, hành vi mại dâm bị xử phạt đến một năm tù và 5.000 đôla Brunei nếu vi phạm lần đầu hoặc ba năm tù và 10.000 đôla Brunei nếu tái phạm.
Tại Myanmar, luật cấm mại dâm nhưng mại dâm hoành hành trong các tụ điểm giải trí như nhà hàng karaoke, tiệm mát-xa, hộp đêm. Myanmar là nguồn cung cấp gái mại dâm cho Thái Lan và Trung Quốc.
Bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch
Cuối tháng 3-2018, Tổ chức quốc tế ECPAT (Chấm dứt mại dâm trẻ em, khiêu dâm trẻ em và buôn trẻ em vì mục đích bóc lột tình dục) đã công bố công trình nghiên cứu về nạn bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch.
Báo cáo kết luận khu vực Đông Nam Á không có chương trình hành động quốc gia cụ thể nào để ngăn chặn nạn bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch.
Báo cáo nhận xét Singapore, Malaysia và Brunei có xu hướng là quốc gia có công dân bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch; các địa điểm lâu nay về quan hệ tình dục với trẻ em như Thái Lan và Philippines vẫn tiếp tục thu hút khách nước ngoài; Campuchia, Indonesia và Việt Nam cũng là các điểm đến quan trọng.
– Theo TTO