Facebook khẳng định không bán thông tin người dùng, tuy nhiên họ lưu trữ tất cả. Bản thân người dùng cần hiểu rõ mình đăng tải cái gì, và chấp nhận điều khoản của Facebook.
Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg của Facebook rạng sáng 11-4 (giờ Việt Nam) đã bắt đầu buổi điều trần đầu tiên có tên gọi “Sự riêng tư trên Facebook, truyền thông xã hội và việc sử dụng dữ liệu” với Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ và Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ.
Buổi điều trần này có mặt Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley (Đảng Cộng hòa) cùng Chủ tịch Ủy ban Thương mại, khoa học và giao thông Thượng viện John Thune (Đảng Cộng hòa).
Trong hơn 5 tiếng đồng hồ trả lời chất vấn của hàng chục thành viên Ủy ban Tư pháp Thượng viện, ông Zuckerberg đã đưa ra lời đáp cho những câu hỏi nhiều người muốn biết như Facebook đã thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin của người dùng như thế nào?
Dưới đây là một số câu hỏi và trả lời quan trọng:
Ông Zuckerberg là tâm điểm chú ý của dư luận. Tất cả đều muốn nghe CEO này giải thích về những gì đã xảy ra giữa Facebook với công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica, đơn vị được cho đã sở hữu thông tin cá nhân của 87 triệu tài khoản Facebook trên toàn cầu. Cambridge Analytica cũng là công ty dính dáng tới chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump – Ảnh: Reuters
Ông Zuckerberg thừa nhận đáng ra đã chặn Cambridge Analytica từ năm 2015, thời điểm họ còn “quyền hạn” với công ty này do Analytica lúc ấy đang là khách hàng. Nhưng điều đó đã không xảy ra, và Analytica vẫn tiếp nhận thông tin người dùng. Do đó đây là một “lỗi lầm” của Facebook. – Ảnh: Reuters
Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham cầm bản in của nội dung “Điều khoản sử dụng dịch vụ” (terms of service) của Facebook, giả vờ đọc sơ qua vài dòng và sau đó giơ lên hỏi thẳng: “Liệu anh có nghĩ người dùng Facebook nào đọc được hết đống tài liệu này hay không?”. Điều khoản dịch vụ là tài liệu quy định những gì người dùng đồng ý cam kết với Facebook khi bắt đầu đăng ký tài khoản và sử dụng mạng xã hội này. Trong đó có những quy định về việc chia sẻ thông tin, hình ảnh của người dùng với công ty Facebook. Vấn đề là năm 2017, báo Guardian dẫn một nghiên cứu cho biết hầu như chẳng ai đọc qua điều khoản dịch vụ ấy. Ông Graham hỏi thêm rằng “tại sao Facebook không viết đơn giản hơn” thay vì trưng một xấp dày cộm thế này như kiểu đánh đố người dùng? – Ảnh: Reuters
Thượng Nghị sĩ Chuck Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện hỏi: “có bao nhiêu trường hợp rò rỉ dữ liệu đã xảy ra?”, và rằng “có bao giờ Facebook kiểm tra điều này chưa?”. Đáp lại ông Zuckerberg khẳng định đang kiểm tra và sẽ “chủ động hơn nữa trong tương lai”. Khi ông Grassley hỏi tiếp là tại sao Facebook không thông báo với người dùng về những khả năng thông tin của họ bị lợi dụng, ông Zuckerberg khẳng định người dùng luôn có quyền tự kiểm soát nội dung bản thân mình muốn chia sẻ – Ảnh: Reuters
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal trưng tấm bảng chứa một số nội dung trong điều khoản dịch vụ mà Aleksandr Kogan, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge đã sử dụng. Ông bôi đậm ở chi tiết: Facebook đã được thông báo về việc Kogan có thể bán thông tin có được từ Facebook. Khi ông Blumenthal hỏi rằng ông Zuckerberg đã đọc nội dung này chưa, ông Zuckerberg trả lời là “Tôi chưa đọc hết”. Sau đó, ông Blumenthal hỏi thêm rằng ai ở Facebook chịu trách nhiệm khi ký thỏa thuận với Kogan, và việc chấp thuận kiểu bán thông tin người dùng này có đi ngược lại với “điều khoản dịch vụ” mà Facebook đưa ra không – Ảnh: C-SPAN
Thượng Nghị sĩ Deb Fischer hỏi ông Zuckerberg rằng “Các anh (Facebook) lưu trữ bao nhiêu dữ liệu? Lưu tất cả những gì chúng tôi nhấp vào sao? Nó có bị lưu trữ ở đâu khác không?”. Ông Zuckerberg nói: “Đúng, chúng tôi lưu trữ dữ liệu”.
Bà Fischer hỏi tiếp rằng Facebook liệu có an toàn không, hoặc là trên thực tế nó có an toàn không? Ông Zuckerberg khẳng định nó thực sự an toàn, và điều này được chứng minh qua việc ông và gia đình đều xài Facebook. Vào tuần trước, trang công nghệ TechCrunch tiết lộ rằng Facebook có những công cụ bảo mật riêng dành cho ông Zuckerberg và các giám đốc của Facebook, trong khi loại bảo mật này không có ở các tài khoản thông thường – Ảnh: CNBC
Thượng nghị sĩ Edward Markey hỏi liệu ông Zuckerberg có nhận được sự đồng ý rõ ràng của người dùng rằng thông tin của họ có thể bị chia sẻ và bị bán không? Ông Zuckerberg đáp rằng trong điều khoản dịch vụ của Facebook đã nêu rõ, và rằng: “Tôi muốn làm rõ điều này trước, chúng tôi không bán thông tin của người dùng”. Không khí của buổi điều trần căng thẳng dành cho ông Zuckerberg – Ảnh: Reuters
Thượng nghị sĩ Jerry Moran hỏi: “Làm thế nào 87 triệu người dùng Facebook bị chia sẻ thông tin cá nhân trong khi chỉ có 300.000 tài khoản tự nguyện chia sẻ thông tin (qua ứng dụng của Kogan)? Ông Zuckerberg đáp: “Quan điểm của chúng tôi là chúng tôi không vi phạm văn bản chấp thuận ấy. Ứng dụng này chỉ hoạt động dựa trên những gì chúng tôi đã nói về sự hoạt động của nó. Hệ thống làm việc y như những gì chúng tôi thiết kế, vấn đề là chúng tôi thiết kế hệ thống này không tốt”. Ông Moran tranh thủ chụp lại buổi điều trần – Ảnh: ABC News
Thượng Nghị sĩ Dan Sullivan đặt dấu hỏi về việc Facebook là công ty công nghệ hay là một “nhà xuất bản” khổng lồ, ông Zuckerberg khẳng định ông coi Facebook là một công ty công nghệ. CEO này khẳng định “Facebook không hề sản xuất nội dung”, nhưng nói thêm rằng “Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về nội dung của Facebook”.Tiếp tục trả lời Thượng nghị sĩ Tom Udall, ông Zuckerberg khẳng định điều quan trọng nhất lúc này là đảm bảo không ai can thiệp cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới trong năm nay 2018.
Người biểu tình tham gia phiên điều trần của Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg – Ảnh: Reuters
Ông Zuckerberg (phải) bắt tay Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley – Ảnh: Reuters
Năm 2013, một nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge có tên Aleksandr Kogan đã tạo ra một ứng dụng cá nhân với nội dung hỏi đáp cho người dùng Facebook sử dụng.
Ứng dụng này được 300.000 người dùng Facebook đồng ý (tự nguyện) chia sẻ một số thông tin trên Facebook của mình, cũng như thông tin từ bạn bè của họ nếu “phần cài đặt riêng tư của nhóm bạn bè ấy cho phép chia sẻ”
Cho đến năm 2014, Facebook đã thay đổi nền tảng để hạn chế đáng kể các thông tin người dùng đang chia sẻ. Đặc biệt các ứng dụng như của nhà nghiên cứu tên Kogan ấy cũng không còn quyền tiếp cận thông tin người dùng nữa.
– Theo TTO