Mọi diễn giả, người thuyết trình, nói chuyện trước công chúng đều phải thể hiện sự đáng tin cậy. Nếu trong thời gian nói chuyện mà người nghe vẫn nghĩ đi nghĩ lại về tính nghiêm túc của người nói thì xem như họ khó có cơ hội truyền tải được thông điệp.
Để tạo được sự tin cậy cho người nghe, đôi khi hành vi cũng có tầm quan trọng ngang với thông điệp của người nói. Có những thói quen, hành vi sẽ ảnh hưởng không tốt đến cảm nhận của người nghe mà người nói cần nên tránh.
Cười quá nhiều
Các diễn giả thường được huấn luyện về cách cười nhưng nhiều người cười hơi nhiều. Chỉ nên cười một cách ngẫu nhiên – như là một phản ứng tự nhiên trước một nội dung nào đó trong thông điệp và xuất phát từ phản ứng của người nghe.
Hăng say quá đà
Mọi diễn giả cần thể hiện sự thoải mái nhất định khi nói chuyện trước đám đông. Nói nhanh, cử chỉ vội vàng hay động tác bất ngờ sẽ biểu lộ sự lo âu hơn là thái độ nhiệt tình. Có lẽ người trình bày hơi lo lắng nên muốn làm mọi thứ sinh động lên để khán giả khỏi ngủ gật, nhưng không nên hành động quá đà.
Nháy mắt
Khi nháy mắt, thông điệp mà người nói truyền đi sẽ là “Bạn có hiểu không?”. Nó mời gọi người nghe tìm kiếm một ẩn ý nào đó và dẫn đến sự mơ hồ mà có lẽ người nói không hề mong muốn. Hành động này sẽ lấy mất điểm đáng tin cậy của họ vì nó hàm ý rằng họ không rõ ràng hay minh bạch.
Liên tục di chuyển
Không nên bước tới bước lui liên tục. Di chuyển liên tục trong lúc nói sẽ làm khán giả mất tập trung. Người nghe sẽ bỏ lỡ những điểm quan trọng và nghi ngại mức độ đáng tin của họ.
Tỏ ra bồn chồn, sốt ruột
Chỉnh, sửa tóc hay nữ trang và trang phục có thể là cách giúp người thuyết trình cảm thấy thoải mái hơn, nhưng chính những hành vi này lại làm họ trông không được thoải mái, làm khán giả thắc mắc vì sao họ lại bồn chồn như thế.
Quá cứng nhắc, thiếu cảm xúc
Quá hăng say, quyết liệt có thể làm mất điểm đáng tin cậy của người nói, nhưng nếu quá “lạnh”, quá kiếm chế thì hệ quả cũng tương tự. Khi người nói kiềm chế quá mức, trông họ sẽ máy móc, xơ cứng và trong trường hợp tệ hơn, dường như có vẻ họ đang che giấu điều gì đó.
Thường thay đổi cao độ của giọng nói
Là một diễn giả, nên giữ cho cao độ của giọng nói được ổn định hoặc chỉ hơi hạ xuống khi kết thúc câu. Nếu người nói cứ lên cao giọng vào cuối câu thì mọi thứ đều nghe giống như một câu hỏi và nó có thể phá hỏng sức thuyết phục của giọng nói. Từ quan điểm của người nghe thì việc thường xuyên thay đổi cao độ khi nói cũng giống như đi tàu lượn siêu tốc – dễ làm họ mất tập trung, hoang mang hơn là thuyết phục được họ.