Theo dự đoán của các nhà khoa học, đến năm 2040, nếu mọi chuyện vẫn diễn tiến như hiện nay, sẽ không còn nước sạch để uống trên phần lớn đất nước Ấn Độ. Một báo cáo được Liên Hiệp Quốc phổ biến cho thấy rằng do vị trí địa lý độc nhất ở Nam Á, tiểu lục địa Ấn Độ sẽ phải trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về nước.
Là quốc gia có dân số 1,3 tỉ, đứng thứ nhì thế giới sau Trung Quốc (1,4 tỉ người) và dự kiến đạt 1,7 tỉ người vào năm 2050, Ấn Độ đang phấn đấu để cung ứng nước sạch, nước an toàn cho hầu hết cư dân của họ. Theo Bộ Tài nguyên nước Ấn Độ, nước này chiếm 18% dân số toàn thế giới nhưng chỉ chia sẻ được 4% nguồn tài nguyên nước trên hành tinh. Gần đây, theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), có đến 163 triệu người Ấn Độ không tiếp cận được nguồn nước uống an toàn, 210 triệu người không được cải thiện điều kiện vệ sinh, 21% căn bệnh lây nhiễm có liên quan đến nguồn nước không an toàn; mỗi ngày, tại Ấn Độ, có 500 trẻ em dưới năm tuổi chết vì bệnh tiêu chảy!
Năm 2016, có 300 trong tổng số 640 quận huyện của Ấn Độ thiếu nước sạch. Chính phủ phải vận dụng những đoàn tàu với chi phí rất cao để vận chuyển nước đến những vùng có nguy cơ thiếu nước. Tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng phát xuất từ nhiều nguyên nhân, trước tiên là do chính phủ không kiểm soát được sự khai thác nguồn nước ngầm, kế đó là quản lý yếu kém. Gần đây, có một công dân Ấn Độ được nói đến nhiều là Rajendra Singh, người được tặng Giải thưởng Nước Stockholm. Từ thập niên 1980, ông đã cung cấp khoảng 8.600 bồn chứa nước mưa gọi là johads cho 1.058 ngôi làng trải rộng trên diện tích 6.500km2 ở chín quận huyện thuộc bang Rajasthan.
Sự khan hiếm nước tại Ấn Độ không chỉ tác động lên đời sống cư dân, mà còn lên cả nền kinh tế. Ấn Độ dựa phần lớn vào nông nghiệp với hơn 600 triệu dân sống bằng nghề nông, nhưng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp không theo kịp sự bùng nổ về dân số, hậu quả là nông nghiệp không được cung ứng đủ nước, trong khi nông dân vẫn sử dụng phần lớn kỹ thuật canh tác cổ truyền dẫn đến sự giảm sút năng suất và nhiều hệ quả khác. Công cuộc công nghiệp hóa cũng có những tác hại lớn đối với nguồn nước sạch: 90% chất thải công nghiệp không được xử lý đến nơi đến chốn trước khi chảy ra sông suối, hồ ao gây ô nhiễm nguồn nước nhiều con sông lớn.
Hiện nay, một số biện pháp đang được áp dụng tại Ấn Độ để cải thiện tình hình. Nhiều nông dân nước này đã học hỏi được những kỹ thuật tưới tiêu mới nhất, lấy được nhiều nước mưa để bù đắp vào việc thiếu nguồn nước sạch.