Theo các tập đoàn vừa tham gia Hội chợ công nghiệp diễn ra tại Pháp, công nghệ phụ trợ in 3D của các xí nghiệp nhỏ và vừa (viết tắt theo tiếng Pháp là PME – petite et moyenne entreprise) đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Kean Sreng, người đứng đầu Liên minh công nghiệp tương lai AIF, khẳng định: “Ngành sản xuất phụ trợ đã chuyển hướng mạnh mẽ, sản xuất ổn định, đảm bảo lợi nhuận, giảm rủi ro khi đầu tư”. Khởi đầu của in 3D chỉ là tạo khuôn, sản xuất công cụ nhỏ, số lượng không nhiều… nhưng định hướng sản xuất hàng loạt, chất lượng đảm bảo, hiệu suất cao.
Một dấu hiệu đáng khích lệ là doanh số sản phẩm in 3D tăng mạnh. Báo cáo thường niên của Văn phòng Wohlers đầu tháng 4 năm nay thống kê toàn ngành cho thấy năm 2017, công nghiệp in 3D kim loại tăng 80%, với 1.800 hệ thống bán ra. Trên bình diện toàn cầu, năm 2017, doanh số in 3D cả sản phẩm lẫn dịch vụ tăng 21%, vượt ngưỡng 7 tỉ USD.
Đại diện Tập đoàn Symop sản xuất máy công cụ tham dự hội chợ, Olivier Dario cho biết: “Dù hiện chỉ chiếm 3% thị trường thế giới, nhưng nước Pháp với nhiều chuyên gia in 3D có trách nhiệm phải giới thiệu được những ứng dụng phong phú, đa dạng để góp phần tạo ra nhu cầu trong lĩnh vực này”. Symop cho rằng rồi đây ngành in 3D kim loại sẽ vươn lên đáp ứng nhu cầu của ngành hàng không, ôtô.
Tháng 10 năm ngoái, Liên đoàn khởi nghiệp 3DStarPME ra đời với chương trình hỗ trợ các xí nghiệp PME trang bị máy in 3D kim loại và được kỳ vọng sẽ thành công giống như chương trình trang bị người máy robot cho các xí nghiệp PME trước đây. Ngay lập tức 3DStarPME đã được BpiGrance cùng một số vùng hỗ trợ về tài chính. Trước tiên là triển khai chương trình ở 30 xí nghiệp PME, tiếp đến là 12 cơ sở nữa.
Phụ trách dự án của Symop, Nicolas Parascondolo cho rằng cả thế giới đang quan tâm đến công nghệ này, nhưng vì nhiều lý do nên chính các doanh nghiệp PME lại có ưu thế để phát triển công nghiệp in 3D. Ôtô, hàng không, vũ trụ, y tế… là những khu vực rất cần các ngành sản xuất phụ trợ.
Pháp là quốc gia tiên phong trong việc in 3D chất dẻo. Podways sản xuất đế giày chỉnh hình cho từng cá nhân với nhịp độ 500-1.000 chiếc/tuần.
– Theo Le Monde, Le Point