Chị T.T.K.L, 40 tuổi, bị tiểu ra máu nhiều lần và đã đi khám, điều trị nhiều nơi với chẩn đoán là viêm bàng quang xuất huyết. Gần đây, chị bị tiểu gắt và tiểu ra nhiều máu cục nên nhập viện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Thực hiện siêu âm bụng, bác sĩ phát hiện có nhiều máu cục trong bàng quang và đài bể thận phải. Thận phải ứ nước độ I. Bệnh nhân được chụp CT và đã phát hiện búi dị dạng động tĩnh mạch khoảng 3cm tại thận phải. Đó chính là thủ phạm gây tiểu ra máu.
Người bệnh đã được điều trị nút búi dị dạng động tĩnh mạch bằng keo sinh học dưới máy chụp mạch kỹ thuật số xóa nền. Bác sĩ thủ thuật luồn một ống thông nhỏ khoảng 2mm vào động mạch đùi tại vùng bẹn, luồn theo động mạch chủ bụng vào động mạch thận theo hướng dẫn của màn hình tăng sáng. Sau đó, keo sinh học được bơm qua ống thông nhỏ vào vùng trung tâm để nút tắc vĩnh viễn các mạch máu bất thường này.
Vài giờ sau thủ thuật, chị L không còn tiểu ra máu, hiện đang hồi phục tốt và chờ xuất viện. Dị dạng động tĩnh mạch ở thận là bệnh hiếm gặp, khó nhìn thấy trên siêu âm bụng nên thường được chẩn đoán trễ. Trước đây, để điều trị căn bệnh này người bệnh sẽ phải chịu phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ thận để loại bỏ hoàn toàn búi dị dạng. Nay, dị dạng động tĩnh mạch có thể điều trị bằng thủ thuật can thiệp nội mạch, giúp giữ lại thận cho người bệnh, thời gian hồi phục lại nhanh. Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, người bệnh chỉ được gây tê vùng bẹn bằng chút thuốc tê, giảm thiểu đáng kể rủi ro và tác hại.
BS-CKII Nguyễn Phước Thuyết – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, trưởng ê-kíp thủ thuật cho biết: “Đây là trường hợp dị dạng phức tạp, có đến ba động mạch nuôi búi dị dạng nên cần phải bơm keo sinh học để nút tắc từng động mạch nuôi. Người bệnh được xuất viện sau 72 giờ”. Dị dạng động tĩnh mạch là bệnh bẩm sinh, thường gặp ở da, não, nhưng hiếm gặp ở thận. Khi xuất hiện các triệu chứng như tiểu ra máu, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám và siêu âm, nếu cần thì chụp CT sớm để tìm đúng nguyên nhân và được điều trị kịp thời.