Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logicstics Việt Nam (VLA) cho rằng việc Hải quan cộng thêm các loại phí để làm giá trị tính thuế sẽ khiến cho giá hàng hóa đội lên cao.
Yêu cầu này là phản ứng đối với văn bản được Tổng cục Hải quan gửi đến Cục Hải quan các địa phương yêu cầu hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai báo đầy đủ các khoản phí liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu nhập đầu tiên để cộng vào giá trị tính thuế.
Cụ thể đó là các khoản phụ phí vận tải biển do hãng tàu thu nhằm mục đích bù đắp chi phí vận chuyển container rỗng từ các nơi khác về nơi có nhu cầu xuất hàng, phí chứng từ, phí vệ sinh container… liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu.
Một khi cộng thêm các loại phí này, hàng nhập khẩu sẽ phải đóng thuế cao hơn.
Tổng Cục Hải quan cho rằng nếu những doanh nghiệp chưa thực hiện khai báo đầy đủ các loại phí trên thì phải khai báo bổ sung.
Những trường hợp đã thông quan thì tiến hành rà soát, kiểm tra sau thông quan, thực hiện truy thu để thu đủ tiền thuế, tiền phạt vào ngân sách.
Theo ông Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logicstics Việt Nam (VLA), Hiệp hội này đã gửi kiến nghị lên Cục thuế Xuất nhập khẩu và Tổng Cục Hải quan cũng đã có phản hồi xác nhận công văn này chỉ dừng lại mức độ chung chứ chưa có hướng dẫn cụ thể.
VLA cho biết trong tuần tới sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Tổng Cục Hải quan liên quan đến việc tính các khoản phí vào trị giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu.
Đại diện VLA cho rằng các doanh nghiệp lo ngại nếu hướng dẫn vẫn theo tinh thần của công văn ban đầu doanh nghiệp sẽ bị đặt vào tình huống bị xáo trộn lớn.
“Chưa nói đến nội dung đúng hay sai nhưng việc yêu cầu truy thu các doanh nghiệp là bất hợp lý, mâu thuẫn với các quy định, luật hiện hành”, ông Thành nói.
VLA đã kiến nghị không tiến hành kiểm tra sau thông quan và truy thu lại những tờ khai chưa khai thêm phụ phí điều chỉnh.
VLA nhận định trước mắt, việc cộng thêm phí vào trị giá hải quan sẽ khiến giá thành hàng nhập khẩu cuối cùng tăng, làm giảm năng lực cạnh tranh hàng của doanh nghiệp Việt Nam.
Chẳng hạn về CIC (phí mất cân bằng container), theo quy định hiện hành, phí CIC đã đáp ứng đủ các điều kiện tính vào giá trị giá hải quan nhưng nó là một phần của cước quốc tế thì VAT phải 0%.
Ngay phí vệ sinh container, trên thực tế có 2 khoản phí vệ sinh container gồm vệ sinh container thông thường, khi doanh nghiệp đi lấy lệnh giao hàng tại hãng tàu và vệ sinh container phát sinh sau khi hàng đến.
Hầu hết doanh nghiệp phải trả phí vệ sinh sau khi tiến hành rút hàng tùy theo tình trạng container.
Tuy nhiên, công văn hướng dẫn của Tổng Cục Hải quan lại chưa nói rõ phải khai phí vệ sinh container loại nào.
VLA đề nghị bỏ chi phí D/O (phí chứng từ phát lệnh giao hàng) ra khỏi các khoản phải điều chỉnh cộng khi xác định trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.