Các nhà khoa học Israel vừa phát triển thành công một loại thuốc nhỏ mắt chứa các hạt nano phục hồi thị lực cho người cận, viễn thị. Thử nghiệm lâm sàng dự kiến sẽ tiến hành vào cuối năm nay và nếu thành công, đây thật sự là một hy vọng cho những ai đang mắc tật khúc xạ mà không thể tiếp cận các biện pháp điều trị can thiệp phẫu thuật.
Các nhà khoa học của Đại học Bar-Ilan và Trung tâm y khoa Shaare Zedek đã phát minh và thử nghiệm một liệu pháp ba giai đoạn, cho phép thay thế kính bằng thuốc nhỏ mắt nano. Trước hết, các bệnh nhân sẽ được đo độ khúc xạ của mắt bằng một ứng dụng cài đặt trên điện thoại hoặc máy tính bảng của họ. Sau đó, người ta sẽ tạo ra một mẫu laser và chiếu vào giác mạc của mắt. Đây chính là thủ thuật phẫu thuật và kéo dài khoảng chưa tới 1 giây. Cuối cùng, bệnh nhân sẽ được cho nhỏ thuốc có chứa các hạt nano đặc biệt.
Theo giáo sư Zalevsky, biện pháp lần này rất khác so với phẫu thuật laser thông thường vốn cần phải loại bỏ một phần đáng kể giác mạc (lớp trong suốt hình thành mặt ngoài của mắt). Biện pháp chữa trị này chỉ tác động tới phần trên của giác mạc, từ đó không chỉ cho phép tiến hành được tại nhà bệnh nhân mà hơn nữa, nó còn có thể áp dụng được với nhiều trường hợp bệnh nhân hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của nó chính là cần phải mất thêm thời gian để mắt tự hồi phục và phải lặp lại quá trình này sau mỗi 1-2 tháng để duy trì thị lực ở mức cao nhất.
Zeev Zalevsky, giáo sư khoa Kỹ thuật điện và nano quang học tại Đại học Bar-Ilan, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết: “Các hạt nano nói trên sẽ đi vào những vùng khuyết nông trên bề mặt giác mạc hình thành sau phẫu thuật. Chúng sẽ thay đổi chỉ số khúc xạ, từ đó khắc phục những chỉ số khúc xạ của người bệnh trở lại bình thường. Quá trình điều trị này hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà mà không cần tới sự hỗ trợ của bác sĩ”.
Nhóm nghiên cứu cho biết tính tới hiện tại đã tiến hành thử nghiệm trên mắt loài lợn. Các thử nghiệm đều cho kết quả hết sức khả quan ở cả tật cận thị và viễn thị. Giáo sư Zalevsky cho biết nhóm nghiên cứu dự định sẽ hoàn thành thử nghiệm trên mô sống trong vòng không tới một năm và tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người không lâu sau đó. Đồng thời, họ cũng đang gây quỹ với hy vọng sẽ thương mại hóa công nghệ này trong vòng hai năm sắp tới.