Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, chuỗi tăng điểm ấn tượng đã kéo VN-Index lên vùng 1.130 điểm trước khi có những phiên điều chỉnh mạnh đầu tháng 2/2018, về sát ngưỡng 1.000 điểm.
Sau đó, thị trường đã lấy lại đà tăng, nhất là sau Tết Nguyên đán với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Dù cũng có những phiên điều chỉnh, nhưng VN-Index đã lấy lại được hết những gì đã mất trước đó để hướng tới ngưỡng đỉnh cũ 1.130 điểm.
Tuy nhiên, dường như đây đang là ngưỡng kháng cự rất mạnh của VN-Index, nên thị trường liên tục bị đẩy ngược trở lại mỗi khi tiến vào vùng nhảy cảm này.
Trong phiên hôm nay, ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng, với sự hỗ trợ của nhóm bluechip, VN-Index đã bật hẳn qua mốc 1.130 điểm, thậm chí là qua cả mốc 1.135 điểm. Nếu vượt qua ngưỡng kháng cự này, VN-Index được dự đoán sẽ tiến tới đỉnh lịch sử 1.170 điểm được thiết lập tháng 3/2007.
Dù vậy, giống như nhiều lần trước đó, lực cung luôn được tung ra mạnh mẽ mỗi khi VN-Index tiến vào vùng đỉnh 1.130 điểm, khiến chỉ số này bị đẩy ngược trở lại. Chốt phiên sáng, VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được ngưỡng cản khó chịu này.
Trong phiên chiều, với sự giúp sức của nhóm VN30, một lần nữa VN-Index lại thử thách ngưỡng 1.130 điểm ngay những phút đầu tiên. Tuy nhiên, mức đỉnh của phiên chiều chỉ tới 1.132 điểm, trước khi lực cung gia tăng, khiến VN-Index ngã nhào xuống dưới tham chiếu, mất luôn mốc 1.120 điểm. Dù nỗ lực lấy lại sắc xanh sau đó, nhưng chỉ số này cũng không thể tránh khỏi phiên giảm điểm trong phiên cuối tuần.
Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 0,74 điểm (-0,07%), xuống 1.123,41 điểm với 144 mã tăng và 140 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 217,76 triệu đơn vị, giá trị 6.969,66 tỷ đồng, tăng 8,4% về khối lượng và 21,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,24 triệu đơn vị, giá trị 770,74 tỷ đồng.
Dù nhóm ngân hàng giữ được được tăng khá tốt, nhưng với việc VNM đảo chiều đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, cùng với đó là đà giảm của nhóm khí, sắt thép khiến VN-Index không có được sắc xanh.
Cụ thể, chốt phiên chiều nay, VNM giảm 0,48% xuống 208.000 đồng (mức thấp nhất ngày) với 1 triệu đơn vị được khớp. GAS giảm 2,27%, xuống 112.000 đồng (mức thấp nhất ngày), PLX giảm 1,18%, xuống 84.000 đồng, PVD giảm 3,6%, xuống 21.400 đồng, HPG giảm 0,49%, xuống 61.500 đồng, HSG giảm 0,82%, xuống 24.300 đồng, NKG giảm 1,21%, xuống 32.600 đồng…
Trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ VPB giảm 1,84%, xuống 63.900 đồng, HDB và EIB đứng ở mức tham chiếu, trong đó HDB được khối ngoại mua ròng khá mạnh gần 185.000 đơn vị, còn lại đều tăng tốt. Trong đó, VCB tăng 2,16%, lên 71.000 đồng, BID tăng 0,13%, lên 37.250 đồng, CTG tăng 2,21%, lên 32.400 đồng, MBB tăng 1,36%, lên 33.500 đồng, STB tăng 1,32%, lên 15.400 đồng.
Trong nhóm này, CTG là mã có thanh khoản tốt nhất với 9 triệu đơn vị được khớp và là mã có thanh khoản đứng thứ 4 sàn HOSE sau IDI, HAG và SSI.
Trong các mã nhỏ, dù bị áp lực chốt lời khá mạnh và có thời điểm điều chỉnh, nhưng cả 2 cổ phiếu của bầu Đức vẫn đóng cửa với sắc xanh, trong đó HAG tăng 2,46%, lên 7.080 đồng với 9,8 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 2 sàn HOSE. Còn HNG dù không có được phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp, nhưng cũng tăng tốt 2,89%, lên 8.200 đồng với 7 triệu đơn vị được khớp.
Cũng có sắc xanh còn có HAR, ITA, FIT, KSH, trong khi các cổ phiếu “họ FLC” như FLC, HAI, AMD, hay các mã khác như TSC, KBC, OGC, HQC, SCR, DLG, QCG, KSB đều đóng cửa trong sắc đỏ.
IDI hôm nay bất ngờ trở thành mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE khi được khớp 10,81 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,66%, lên 14.600 đồng.
Cũng tạo bất ngờ trong phiên hôm nay còn có EVG khi tăng trần lên 5.380 đồng với 3,2 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần 1,37 triệu đơn vị.
Trên HNX, với sự vững vàng của 3 mã vốn hóa lớn nhất thị trường là ACB, VCS và SHB, HNX-Index lại giữ được mức tăng khá tố, dù có thời điểm cũng chịu rung lắc theo đà trượt của VN-Index.
Chốt phiên cuối tuần, HNX-Index tăng 1,43 điểm (+1,14%), lên 127,58 điểm với 102 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 54,68 triệu đơn vị, giá trị 957,34 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chỉ hơn 6 tỷ đồng.
Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường có sự phân hóa rõ và cân bằng nhau, tuy nhiên cả 3 mã lớn nhất đều tăng mạnh. Cụ thể, ACB tăng 3,31%, lên 46.800 đồng với 4,83 triệu đơn vị được khớp, VCS tăng 3,33%, lên 248.000 đồng, SHB tăng 1,64%, lên 12.400 đồng với 9,47 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, PVS giảm 2,87%, xuống 23.700 đồng với 7,3 triệu đơn vị, VCG giảm 1,23%, xuống 24.000 đồng với 1,12 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu nhỏ cũng có sự phân hóa khá rõ nét khi ACM, KSQ, FID, CTC, NDF, MHL… tăng trần, trong khi OCH, MST, BII, KSK giảm sàn.
KLF sau 2 phiên tạo dấu ấn cũng trở lại với sự lình xình cả về giá và thanh khoản như thường ngay khi đứng ở tham chiếu 2.600 đồng với chỉ hơn 0,7 triệu đơn vị được khớp.
Tương tự, sàn UPCoM cũng tăng mạnh trong phiên chiều nay và không gặp chút khó khăn nào.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (+0,88%), lên 61,37 điểm với 102 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,5 triệu đơn vị, giá trị 602 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,35 triệu đơn vị, giá trị 60,8 tỷ đồng.
LPB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 5,7 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa tăng 6,8%, lên 15.700 đồng (giá bình quân 15.600 đồng). Tiếp đến là POW với 5,31 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,34%, lên 17.500 đồng (giá bình quân 17.300 đồng).
Trong khi đó, BSR lại chỉ có được mức giá tham chiếu 29.000 đồng (nhưng giá bình quân 29.300 đồng, tăng 1,03%) với 3 triệu đơn vị được khớp. OIL lại đóng cửa giảm 0,42%, xuống 23.700 đồng với 1,63 triệu đơn vị (giá bình quân ở mức tham chiếu 23.800 đồng).
Chứng khoán phái sinh hôm nay có 34.003 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 3.782,7 tỷ đồng, giảm 5% so với phiên hôm qua.
Trái với phiên hôm qua khi cả 4 mã phái sinh đều giảm từ 1,5% đến hơn 2,5%, trong phiên hôm nay chỉ có mã VN30F1806 giảm nhẹ 100 đồng, còn lại đều tăng. Trong đó, mã VN301803 và VN301804 tăng nhẹ, còn mã VN301809 tăng 0,7%, lên 1.145.000 đồng.
– Theo ĐTCK