Trang khoa học The Wired đăng tải những bức ảnh phong cảnh tuyệt đẹp, cho thấy thiên nhiên luôn kỳ bí và chờ con người khám phá.
Đây giống một cảnh quay trong phim khoa học viễn tưởng, nhưng là ảnh thật hoàn toàn không qua chỉnh sửa.
Bức ảnh chụp núi Mayon ở Philippines, một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất nước này. Trong vòng 500 năm qua, ngọn núi đã phun trào hơn 50 lần.
Vùng nguy hiểm của ngọn núi trải rộng bán kính 8km và đang đe dọa cuộc sống của 74.000 người.
Đây cũng không phải cảnh trong phim Chúa tể những chiếc nhẫn mà là phong cảnh ở Dương Sóc, Quế Lâm, Trung Quốc.
Bức ảnh sử dụng camera hồng ngoại tạo ra một thế giới vừa lạ vừa quen, vừa sống động nhưng cũng rất tĩnh lặng.
Trong hơn một năm qua, nhiếp ảnh gia Will Burrard-Lucas theo đuổi mục tiêu chụp các động vật châu phi vào ban đêm, nhất là sư tử.
Sau khi thực hiện hai cuộc hành trình đến đồng cỏ Liuwa miền tây Zambia với sự hỗ trợ của các tổ chức động vật hoang dã, Burrard-Lucas đã chụp được bức ảnh quý giá về một đàn sư tử ban đêm.
Burrard-Lucas cho biết anh đã không sử dụng đèn flash khi ghi nhận khoảnh khắc này.
Bức ảnh chụp một đàn hải mã hốt hoảng khi gấu Bắc cực lao đến săn mồi. Đứng cách hiện trường khoảng chỉ khoảng 100 mét, Jonathan Smith nhanh chóng bắt lại khoảnh khắc “chạy giặc” hối hả này.
Thật may, tất cả hải mã đều xuống biển an toàn, tránh được sự “truy sát” của loài gấu.
Đây không phải hình ảnh một ngân hà hình hoa hay một ngôi sao, mà là võng mạc của chuột khi được căng phẳng.
Nhóm nghiên cứu ở ĐH California (Mỹ) dùng một hợp chất để thử phương pháp gene trị bệnh tăng nhãn áp.
Màu vàng trong bức ảnh là những tế bào hạch liên kết với một loại virus vô hại có thể dùng để chuyển gene, thay thế những đoạn gene có nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh tăng nhãn áp là nguyên nhân gây mù lòa lớn thứ 2 trên toàn cầu.
Trong ảnh là hỗn hợp các chất hóa học giúp làm chậm quá trình cháy, nó sẽ bám chặt vào cây cối xung quanh đám cháy. Khi bị bắt lửa, cây sẽ tạo ra nước thay vì tạo ra khói dễ cháy, giúp giảm cường độ của đám cháy.
Màu đỏ của hỗn hợp là do oxit sắt, giúp các phi công biết rõ khu vực nào đã được phun. Theo các nhà khoa học, hỗn hợp này không gây hại cho những động vật trên cạn.
Màu đỏ trong bức ảnh là dòng dung nham nóng hổi từ đỉnh núi lửa Kīlauea, Hawaii (Mỹ). Kīlauea là một trong những núi lửa hoạt động nhiều nhất của Mỹ khi phun trào gần như liên tục kể từ tháng 1-1983.
Vào tháng 7-2016, hồ Utah (Mỹ) bị đe dọa bởi hiện tượng tảo nở hoa, làm ảnh hưởng hơn 384km2 nước sạch và phải đóng cửa hơn 13 ngày.
Mỗi khi thu đến, hàng triệu con bướm vua phải bay khoảng 3.200 cây số từ miền Bắc về tụ họp tại cánh rừng ở Michoacan, Mexico. Tuy nhiên số lượng bướm suy giảm đáng kể trên đường đi.
Tháng 5-2015, Nhà Trắng “cấp phép” cho bầy bướm vua một con đường cao tốc riêng dài 2.400 cây số theo con đường Interstate 35 từ phía bắc Minnesota đến phía nam Texas để chúng được an toàn hơn.
Thành phố Kuwait, thủ đô của Kuwait thường xuyên hứng chịu những trận bão cát cao hàng trăm mét từ sa mạc Ả Rạp với tốc độ lên đến 100km/g, gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế.
Một số tổ chức tình nguyện ở Kuwait đang vận động trồng 315.000 cây xanh dọc biên giới quốc gia này trước năm 2019 để làm giảm tác động của bão cát.
Trong ảnh là một góc của cánh đồng muối vịnh Shark rộng 7.000ha ở Useless Loop, Úc.
Cánh đồng muối này nổi tiếng với màu xanh lam đẹp lung linh, xen kẽ với những con đường ngang dọc tạo nên những ô muối dịu kỳ.
Muối ở đây được đánh giá thuộc loại sạch nhất thế giới, cung cấp khoảng 1,6 triệu tấn muối mỗi năm.
Bạn có tin không, hơn 100 tỉ cây xanh đang được lên kế hoạch trồng cho đến năm 2050 ở Trung Quốc, tương đương với 42% diện tích đất liền của quốc gia này.
Đây là một phần trong chương trình Green Great Wall (tạm dịch “Vạn lý trường thành” xanh) nhằm chống lại quá trình sa mạc hóa đang diễn ra nhanh chóng ở sa mạc Gobi, đồng thời tạo nên một kỳ quan nhân tạo mới cho quốc gia đông nhất thế giới.
Lỗ hổng sâu 70 mét xuất hiện ở bán đảo Yamal thuộc hoang mạc Siberia (Nga) vào năm 2014. Vẫn còn nhiều giả thuyết về hiện tượng này, trong đó thuyết phục nhất là lớp băng vĩnh cửu đang tan ra do biến đổi khí hậu, dẫn đến các vụ phun trào khí metan làm cho các “miệng núi” lần lượt hình thành.
Trong ảnh là những mảng miếng đá vôi khổng lồ trong hang Naica ở Mexico, dài đến 12m và đã hình thành trong suốt 10.000 năm qua.
Hang động được những thợ mỏ Mexico phát hiện vào năm 2000, sau đó mở cửa cho các nhà khoa học nghiên cứu vào năm 2006, rồi đóng cửa vào năm 2010 để bảo vệ khu vực này.
– Theo TTO