Hang đá Mạc Cao – Đôn Hoàng là di chỉ Phật giáo, kho tàng văn hóa và kiến trúc Phật giáo lớn nhất tại Trung Quốc, cũng là một trong bốn di chỉ Phật giáo của nước này được UNESCO công nhận (hang Mạc Cao – Đôn Hoàng ở phía bắc tỉnh Cam Túc, hang Vân Cương ở tỉnh Sơn Tây, hang Long Môn ở tỉnh Hà Nam, hang Mạch Tích ở phía nam tỉnh Cam Túc).
Nơi lưu trữ văn hóa Phật giáo phong phú nhất thế giới
Hang Mạc Cao được tạo tác trên một dải núi thấp có tên là Minh Sa dài khoảng 2km, giữa vùng sa mạc hoang vắng, nằm trên con đường tơ lụa cổ, cách Đôn Hoàng khoảng 25km. Thời Bắc Ngụy (năm 366), nhà sư Lạc Tôn khi đi ngang qua dải núi trên, nhìn thấy núi phản chiếu hào quang sáng rực, cho đó là điềm lành nên ở lại và tạo một cái hang để tu tập (tượng nhà sư Lạc Tôn đến nay vẫn còn trong hang).
Từ đó, trong hơn ngàn năm, qua nhiều triều đại khác nhau, nhờ tiền cúng dường của các đoàn thương nhân ngang qua con đường tơ lụa, các nghệ nhân đã tạo tác ra vô số tượng, bích họa kể lại cuộc đời tu tập của các vị Phật, Bồ tát, cuộc sống cũng như hành trình của các vị pháp sư mộ đạo (như Huyền Trang) và cả hình ảnh những thiện tín cúng dường, sinh hoạt của các đoàn thương nhân qua lại. Do các nghệ nhân có phong cách sáng tác và sống ở các thời kỳ khác nhau, nên tác phẩm trong hang động có chất liệu, màu sắc rất đa dạng, biến đây thành nơi lưu trữ văn hóa Phật giáo phong phú nhất thế giới.
Đến thế kỷ thứ VII, đời nhà Đường, các nghệ nhân đã tạo ra được cả ngàn hang động. Sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh, cướp phá… khiến nơi đây hiện chỉ còn 492 hang động, với 45.000m2 bích họa, 2.415 pho tượng, năm ngôi nhà gỗ cổ xây dựng từ đời Đường, Tống và các tư liệu văn vật liên quan đến quá trình Phật giáo từ Ấn Độ truyền qua các nước Trung Á rồi sang Trung Quốc.
Cuối đời Tống, con đường tơ lụa bị cắt đứt, hang Mạc Cao chìm vào lãng quên trong khoảng 500 năm. Đầu thế kỷ XX, nhiều nhà khảo cổ dựa vào cuốn Đại Đường Tây Vực Ký của Pháp sư Huyền Trang tìm đến hang Mạc Cao – Đôn Hoàng. Khoảng năm 1902, Vương đạo sĩ – người giữ hang Mạc Cao khi vô tình xô ngã một vách hang số 16 đã khám phá bên trong hang có một mật thất gọi là “Động Tàng Kinh” chứa vô số quyển kinh, bức họa, tượng Phật, v.v…
Năm 1907, nhà khảo cổ người Đức tên là Stein lần thứ hai đến đây với tư cách người ngưỡng mộ Pháp sư Huyền Trang và đến gặp ông Vương. Stein dùng 130 bảng Anh để đổi lấy 20.000 quyển kinh đem đi. Sau ba năm, tin tức về di chỉ Phật giáo hang Mạc Cao được cả thế giới biết đến.
Đó là những năm cuối triều Thanh, Trung Quốc bị các nước xâu xé nên không còn khả năng gìn giữ những văn vật quý giá ấy. Từng đoàn khách Anh, Pháp, Nga, Nhật, Đức, Mỹ, v.v… với danh nghĩa khảo cổ đã cấu kết với tham quan địa phương, lấy đi gần hết những văn vật văn hóa Phật giáo trong hang động, nhiều tượng Phật, bích họa bị đục khoét lấy đi trông rất thảm thương.
Hiện những văn vật đó được trưng bày tại 77 viện bảo tàng và thư viện của 17 nước. Ngày nay, Trung Quốc đã cho xây dựng lại thành phố Đôn Hoàng và nhiều viện nghiên cứu về di chỉ văn hóa Mạc Cao – Đôn Hoàng. Hằng năm, hội nghị quốc tế về Đôn Hoàng học thu hút đại diện của hàng trăm quốc gia và lãnh thổ, chứng tỏ sự quan tâm của thế giới đối với di sản văn hóa Phật giáo này.
Năm 2017, trong dịp tham quan Tứ Đại Phật Sơn và các di tích Phật giáo tại Trung Quốc, đoàn chúng tôi đến hang Mạc Cao – Đôn Hoàng. Là du khách nên chúng tôi chỉ được phép vào tham quan khoảng 12-15 hang, nhưng vậy cũng đủ để chúng tôi nghiêng mình thán phục trước tài năng của các nghệ nhân, về số lượng tác phẩm đồ sộ, sự phong phú trong hình tượng của các vị Phật, Bồ tát, chư thiên, v.v…
Có tượng Phật trang nghiêm, nhưng cũng có tượng (hay trên bích họa) Phật có thế ngồi rất dân dã. Đặc biệt có những hình, tượng Phật… có râu, là điều trước nay tôi chưa từng thấy. Người hướng dẫn giải thích rằng theo kinh sách, Phật đà có 32 tướng tốt và có râu là một trong những tướng tốt ấy. Tiếc là không được chụp hình trong hang, nên chúng tôi không thể giới thiệu để mọi người cùng chiêm ngưỡng những hình ảnh khác biệt như thế.
Gặp tượng của Pháp sư Huyền Trang – sự thật và hư cấu
Sau khi tham quan hang Mạc Cao, chúng tôi đến vùng đất thuộc điểm cuối của “Vạn Lý Trường Thành thời Hán”, cách Đôn Hoàng khoảng 150km (trước đây thuộc nước Quy Từ, kế bên phía tây là nước Cao Xương), hiện là vùng sa mạc thuộc khu vực đại sa mạc Gobi của Trung Quốc.
Trên đường, chúng tôi bắt gặp tượng của Pháp sư Huyền Trang, vóc người cao ốm, lưng mang một “balô” dài giống kiểu những tay lãng tử hay giới trẻ phương Tây du lịch bụi. Chắc hẳn ông đang trên đường đến Cao Xương, một đất nước vô cùng mộ đạo Phật lúc bấy giờ. Ông đi một mình, không có đệ tử nào đồng hành như trong Tây Du Ký.
Tuy không có đám đệ tử thần thông, nhưng Huyền Trang đã đem đến cho nàng công chúa nước Cao Xương một mối tình si. Vua Cao Xương làm mọi cách để giữ chân ông, nhưng đã không thắng được “định lực và chân tâm” của vị thánh tăng. Để bày tỏ lòng mộ đạo và sự tôn kính với Pháp sư Huyền Trang, vua Cao Xương đã cấp một “giấy thông hành”, thơ giới thiệu đến các quốc vương trên đường đi, và tổ chức một đoàn tùy tùng khoảng 120 người, với hàng trăm ngựa thồ lương khô cùng lễ vật để dâng lên các nước.
Con đường thỉnh kinh của Pháp sư Huyền Trang nhờ vậy cũng bớt gian nan. Điều tiếc nuối nhất của Pháp sư Huyền Trang là sau 17 năm tu học ở Ấn Độ về, ông dự định trả ơn bằng cách ở lại đây một thời gian để hoằng dương Phật pháp cho Cao Xương, nhưng nước này đã bị nước Đột Quyết hùng mạnh tiêu diệt.
Bức tượng Pháp sư Huyền Trang giữa sa mạc Gobi chứng tỏ ông đã vào hang Mạc Cao để chiêm nghiệm rồi tiếp tục ra đi. Ông quyết tâm xuất gia hay đang nhập thế, trên bước đường quyết chí xây đại nghiệp hoằng pháp, đem chánh pháp về truyền bá trên toàn cõi Đại Đường, hay đang xả thân buông bỏ vì chúng sinh? Ông thọ quả Phật, Bồ tát, A-la-hán hay chỉ là một pháp sư Huyền Trang tận tụy với Phật pháp? Với tinh thần vô ngã của ông, có lẽ chẳng có sự khác biệt nào cả.
Điều lý thú là đa số người Ấn Độ biết đến Pháp sư Huyền Trang, tôn kính ông là một người thật việc thật – qua cuốn Đại Đường Tây Vực Ký mà ông đã dày công ghi lại về đất nước con người Ấn Độ xưa. Còn phần đông người Trung Quốc (ít học) chỉ biết đến ông qua truyện thần thoại Tây Du Ký do tác giả Ngô Thừa Ân phóng tác, tức là ông được biết rộng rãi như con người thần thoại!
Đôi điều đọng lại từ sự vô vi…
Ngẫm lại cảnh vật hình tượng trong hang Mạc Cao – Đôn Hoàng, rồi tượng Pháp sư Huyền Trang giữa sa mạc bao la, chợt liên tưởng đến những khái niệm về thành – bại, đúng – sai, sống – chết, tốt – xấu, giàu – nghèo, lớn – nhỏ, cha – con, chồng – vợ, v.v…, những cặp nhị nguyên của hai biến đối lập hay tương ngẫu. Đặc tính của các cặp nhị nguyên này là cùng sinh ra, cùng biến mất và đều do tâm của ta quy ước.
Trên cơ sở nhận dạng sự khác biệt này mà sinh ra khái niệm mới, ước vọng, thúc đẩy con người phát triển như ngày nay, đồng thời cũng tạo ra mọi quan hệ phức tạp gây khổ đau trong xã hội. Theo tinh thần Phật giáo, khi con người buông bỏ được ngã chấp và tâm phân biệt, các cặp nhị nguyên này biến mất, vọng tưởng cũng chẳng còn, phải chăng vũ trụ trở về với tĩnh lặng? Không biết được, nhưng chắc chắn rằng nếu tâm ta buông bỏ bớt sự hơn thua, thì cuộc đời ắt sẽ dễ chịu hơn.
Có người ví von rằng nội dung cốt lõi của Truyện Kiều có lẽ thể hiện đủ đầy ở hai câu (đầu và cuối): Trăm năm trong cõi người ta… Mua vui cũng được một vài trống canh. Thi hào Nguyễn Du quả là nhà tư tưởng vĩ đại, không biết ông có phải là Phật tử không, nhưng đã ngộ đạo, “kiến tánh thành Phật”. Cái gì thành bại, cái gì là anh hùng – giai nhân, cái gì là cao sang – thấp hèn… tất cả đều là ảo giác do các cặp nhị nguyên tạo ra. Giá trị lớn nhất của nó là “mua vui cũng được một vài trống canh” trong thế giới thị phi của chúng ta. Khi thị hiếu thưởng thức của người đời thay đổi, giá trị của ảo ảnh đó cũng tan biến, trở về với hư vô.
Theo Phật dạy, cảm nhận cũng là “vọng” không thật, cái thân tạo bởi “ngũ ẩm” cũng là “vọng”, nhưng trong thế giới u muội của phàm trần thì đó lại là chân! Khi còn chưa giác ngộ đạt Phật tính thì vẫn cứ sống như mọi người, nhưng phải với cái tâm lương thiện…