Hỏi tới tấp tiêu chuẩn người yêu của các cầu thủ để làm gì? Chắc một số tờ báo sẽ trả lời: để phục vụ nhu cầu của một bộ phận bạn đọc. “Bộ phận” đó nắm tiêu chuẩn các anh xong để làm gì?
Tìm cơ hội “tiến cử” cho mình? (tỉ lệ thành công bao nhiêu?), để thỏa tò mò, tiếp theo là bàn luận – nôm na là “bà tám”? Để tiếp tục lùng sục từng ngóc ngách, “đào mộ” các Facebook và hình ảnh đáng nghi ngờ của những “con mồi” còn ẩn mình trong bí mật? “Chếch” các nàng lỡ là người yêu của các anh mà trên mặt hay đời tư có tí khuyết điểm nhé, khai quật 7 ngày 7 đêm chưa cho “sống lại” làm người bình thường.
Không phải chỉ riêng đối với cầu thủ. Với ai cũng vậy, hỏi tiêu chuẩn người yêu, gợi ý về người yêu cũ, mới, có lẽ là những câu hỏi cần kiềm chế của truyền thông trong những cuộc phỏng vấn công khai mà nội dung không phải đang bàn chuyện hôn nhân gia đình, cách giữ gìn hạnh phúc lứa đôi…
Ở nơi đang tôn vinh tài năng, khổ luyện, cách sống cách nghĩ vượt ra bản thân lan truyền cảm xúc cho số đông, nơi phải nói về việc giữ gìn hay tạo ra những điều sáng tạo đẹp đẽ, mà cứ dí người ta vào những mối quan tâm đầy tính riêng tư như tiêu chuẩn bạn gái anh thế nào, nếu có ai tỏ tình đột ngột với anh thì sao, bố anh muốn con dâu thế nào…rồi thi nhau lục tung các tư liệu, hình ảnh nhằm làm “sáng tỏ” tình trường thì không biết ngoài từ vô duyên còn có từ nào xác đáng hơn không, tôi nghĩ vậy.
Chúng ta kỳ vọng rất nhiều thứ ở thần tượng của mình trong nhiều lãnh vực. Khi họ thành công ta đưa họ lên mây. Khi họ thất bại ta có thể biến họ thành tuyệt vọng. Chúng ta dùng họ để tăng view tăng like nhưng chúng ta “đóng góp” cho họ bằng những mối quan tâm không cần thiết như vậy. Quan tâm một cách thái quá!
Đưa ra những câu hỏi đó liệu có chút lay động nào tâm trí họ không hay sẽ khiến họ bối rối, phân tâm, thậm chí là làm tổn thương cả người thân yêu xung quanh họ. Những câu trả lời được cắt xén, những dư luận phục vụ cho ý đồ chứa bao nhiêu phần trăm sự thật trong đó và sự thật này công khai ra có làm cho cuộc sống của ai tốt đẹp hơn không?
Đừng chỉ biết “ăn” vào sự kiện, nhân vật… Giới truyền thông cũng nên nghĩ về sự đóng góp lành mạnh của mình. Bằng cách hỏi han, thể hiện đề tài một cách văn minh, bớt câu cắn hơn. Tốt nhất là hãy tự hỏi: điều mình làm liệu có gây hại gì cho nhân vật mình đang tiếp cận hay không? Đó chính là tính nhân văn mà tờ báo nào cũng hướng đến.
Các cầu thủ, người nổi tiếng, (trừ khi mình quá thích thú – chắc chỉ cá biệt có người thích), hãy từ chối những lưỡi câu “tào lao” cứ xoắn xỉa vào đời tư của mình.
Có những thứ cho phép là của chung nhưng thế giới nội tâm chắc chắn nên được giữ lại. Tình yêu thương lứa đôi, bạn bè và gia đình là những thứ như thế. Công khai chúng ra chưa chắc giúp mình tìm được hạnh phúc đích thực vì yêu thương thường là nỗ lực thực sự và chút gì định mệnh nữa.
Những tuyên bố “lung tung” vui một giây có thể buồn lâu dài vì khả năng khai quật của truyền thông là vô hạn. Hôm nay bạn nói vui nhưng ngày mai là bằng chứng. Trong khi cuộc đời hay người yêu của bạn đã đổi thay rồi mà thông tin từ năm mười năm trước vẫn có thể được đào lên tút lại làm mới như thường.
Đó chính là trở ngại đương nhiên bạn có khả năng vượt qua, nhưng cũng có thể khiến bạn mất sức. Sức của bạn chính là tài năng của bạn, nó không phải là thứ mất dễ dàng vì tình tiền tửu sắc và… truyền thông nữa.
Cuối cùng, người nổi tiếng đôi khi có rất ít kinh nghiệm kiểm soát những “cạm bẫy” họ chưa từng trải qua. Chúng thường có màu hấp dẫn, vui vẻ. Rồi họ ngây thơ rước họa vào thân. Họa phát ngôn ngày nay lan truyền với tốc độ chóng mặt khôn lường. Thì những người lớn xung quanh cũng nên thể hiện khả năng “tư vấn chuyên nghiệp” của mình, chỉ cho họ cách để tránh “bẫy mạng” tự bảo vệ mình, và truyền thông: đừng khoanh tay tự đắc “tui chỉ là người đưa tin, miễn bàn”…
Khả năng “khai quật” của cộng đồng mai này cũng vô hạn lắm đấy!
- Theo TBC / TTO