“Càng biết nhiều về con người, tôi càng thấy yêu chó hơn” – (The better I get to know men, the more I find myself loving dogs. By Charles De Gaulle).
Năm Đinh Dậu sắp qua, năm Mậu Tuất sắp đến. Như đến hẹn lại lên, nhiều người lại thích kể chuyện về chó để đón năm mới. Không biết từ bao giờ, người Việt tin rằng đầu năm chó xông nhà là hên. Dân gian có câu “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Không biết đúng hay sai, nhưng chó được coi là “người bạn tốt nhất” của con người.
Những mẩu chuyện về chó
Mỹ là nước có nhiều chó nhất với hơn 78 triệu con (theo số liệu năm 2012). Mỗi năm người Mỹ chi khoảng 40 tỉ USD để mua thức ăn cho chó. Trung Quốc được cho là nước nhiều chó thứ hai, nhưng không có số liệu (chỉ riêng Bắc Kinh có khoảng 1 triệu con). Nga có khoảng 12 triệu, Pháp khoảng 9 triệu, Anh khoảng 7 triệu, Canada khoảng 6 triệu. Tại các nước châu Á và châu Phi, con số thống kê không chính xác (có lẽ vì người dân hay ăn thịt chó). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trên toàn cầu có khoảng 525 triệu con chó. Theo Hội Khuyển học Quốc tế (Fédération Cynologique Internationale) có 339 loại chó, gồm 10 nhóm chính, mỗi nhóm lại chia thành nhiều nhóm phụ, có nguồn gốc bản địa khác nhau.
Tiến sĩ Laura Shannon (Đại học Cornell – Hoa Kỳ) cho biết chó sói đã tiến hóa thành chó nhà cách đây khoảng 16.000-30.000 năm, qua quá trình phối giống với các loài thú hoang họ khuyển (như loài cáo Miacis). Loài chó nhà như ta thấy hiện nay đã xuất hiện tại lục địa châu Âu giáp châu Á cách đây khoảng 13.000 năm. Chúng đã tiến hóa từ một loài chó sói nhỏ màu xám chứ không phải từ loài chó rừng (như người ta vẫn tưởng). Xương chó hóa thạch lâu đời nhất được tìm thấy ở Eliseyevichi (nước Nga) có niên đại khoảng 19.000 năm.
Các loại chó có tuổi thọ khác nhau, tỷ lệ nghịch với trọng lượng của chúng. Loại chó nặng dưới 10kg có tuổi thọ trung bình 11 năm, còn loại chó nặng trên 40kg có tuổi thọ trung bình tám năm. Những loại chó Tây sống lâu nhất gồm Lakeland Terrier (12-16 năm), Pomeranian (12-16 năm), Tibetan Spaniel (14 năm), Yorkshire Terrier (14-16 năm), Manchester Terriers (14-16 năm), Rat Terrier (16 năm) và Chihuahua (14-18 năm). Đó là chó Tây, còn Việt Nam có một loại chó bản địa được coi là “quốc khuyển”, là chó Phú Quốc (dưới 20kg).
Chó khôn có thể nhận biết được 250 từ hay cử chỉ của con người, và thực hiện được các phép tính đơn giản. Có thể so sánh một con chó khôn với một đứa trẻ hai tuổi. Khứu giác chó mạnh hơn con người gấp 10.000 lần vì số tế bào khứu giác trong bán cầu đại não của chó gấp 40 lần con người. Thính giác của chó mạnh hơn con người gấp bốn lần, tai của chúng có thể nghe được 35.000 âm rung trong một giây, nên chó nghe được những âm thanh mà con người không nghe được. Khả năng nhìn ban đêm của mắt chó tốt hơn mắt người gấp hai lần, vì số lượng tế bào hình que trong võng mạc chó nhiều hơn người. Chó được sử dụng trong an ninh, quân sự, thể thao, khoa học, thậm chí du hành vũ trụ (như chú chó Laika của Nga).
Về tín ngưỡng, người Hoa tin rằng nhật thực là do Thiên Cẩu “ăn mặt trời”. Ở Nepal và Ấn Độ nhiều nơi thờ chó. Ấn Độ giáo tin rằng chó canh giữ cửa Thiên đàng. Ngày 14-11 mỗi năm, người Nepal thường làm lễ Kukur Tihar trong ba ngày liền để thờ cúng chó. Ở Việt Nam, sau khi vua Gia Long lên ngôi, đã sắc phong cho bốn con chó Phú Quốc từng đi theo ngài là “Thần khuyển đại tướng quân,” nhưng nay không biết miếu thờ các vị thần khuyển ấy nằm ở đâu. Tục thờ chó đá khá phổ biến ở nhiều vùng nông thôn miền Bắc, nơi người dân thờ chó đá để xua tà trấn quỷ, thường chôn chó đá trước cửa nhà.
Tuy thờ chó nhưng người ta vẫn ăn thịt chó. Dân Trung Quốc đã ăn thịt chó từ hàng ngàn năm trước. Chu Lệ Vương (877-841 trước Công nguyên) đã từng chia chó làm ba loại: Điền khuyển, Phệ khuyển và Thực khuyển. Như vậy thói quen ăn thịt chó ít nhất có từ đời nhà Chu, và được gọi là “hương nhục” (thịt quý). Họ nói “Trên trời có thịt rồng, dưới đất có thịt chó”. Lễ hội thịt chó ở Ngọc Lâm (Quảng Tây) thu hút mỗi năm hàng trăm ngàn người. Trong ngày hội đó, hàng chục ngàn con chó tội nghiệp bị giết thịt để khách nhắm rượu. Trên thế giới có 11 nước ăn thịt chó, và mỗi năm có khoảng 30 triệu con chó bị chết oan: Trung Quốc giết khoảng 20 triệu con, Việt Nam giết khoảng 5 triệu con, Hàn Quốc giết khoảng 2,5 triệu con.
Theo thống kê, số chó bị giết thịt bình quân đầu người tại Việt Nam tuy cao hơn Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng thói quen ăn thịt chó không phải là truyền thống của người Việt, mà do bắt chước người Hoa. Sách Thực vật Tất khảo Tường ký lục viết vào thời vua Cảnh Hưng (nhà Lê) không thấy có món thịt chó. Theo nhiều nguồn, vào thập niên 1930 ở Hà Nội chỉ có 3-4 quán thịt chó. Như vậy, thịt chó mới được du nhập vào Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX hay đầu thế kỷ XX. Nếu quả đúng vậy, người Việt càng có lý do phải cai thịt chó. Ăn thịt chó không thể “giải hạn” mà có khi còn mang họa vào thân. Thói quen ăn thịt chó đã bị nhiều nước trên thế giới chỉ trích mạnh. Một quốc gia nổi tiếng vì văn hóa ăn thịt chó và nhậu quá nhiều bia rượu sẽ khó hòa nhập vào một thế giới văn minh.
Năm Tuất và vận hạn
Có lẽ từ thời hoang dã, chó đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Mỹ. Trong lịch sử, Tổng thống George Washington đã từng sở hữu 36 con chó săn các loại. Như đã thành lệ, hầu hết các tổng thống Mỹ từ thời Harry Truman (1945-1953) đều nuôi chó trong Nhà Trắng, như một cách xây dựng hình ảnh để mỵ dân. Trên đại lộ Pennsylvania, cách Nhà Trắng không xa có bảo tàng báo chí (Newseum). Trong bảo tàng có trưng bày “Đệ nhất chó: Các tổng thống Mỹ và chó cưng của họ” (First Dogs: American Presidents and Their Pets).
Tổng thống John Kennedy tuy bị dị ứng chó, nhưng vẫn vui vẻ để cún con Pushinka và các bạn của nó chạy lung tung trong Nhà Trắng, nhằm tạo hình ảnh “Người đàn ông gần dân”. Tổng thống Lyndon Johnson đã từng gây sốc khi bế chú chó beagle của ông và ghé tai nói chuyện thân mật với “nó”. Tổng thống Ronald Reagan luôn có đôi chó cưng Lucky và Rex bên cạnh. Tổng thống Bill Clinton có chú chó Buddy quanh quẩn bên mình. Còn Tổng thống George Bush và đệ nhất phu nhân Laura đã tặng một cái cổ dề màu xanh-trắng cho chú chó beagle đáng yêu có tên là Uno (giành giải nhất Westminster). Tổng thống Barack Obama và gia đình cũng có đôi chó Bồ Đào Nha tên là Bo và Sunny.
Vì vậy, người ta càng tò mò muốn biết Tổng thống Donald Trump có nuôi chó trong Nhà Trắng hay không, và có định mời con chó chiến thắng trong hội chợ chó hằng năm “Westminster Kennel Club” (12 đến 13-2-2018) đến “xông” Nhà Trắng như một hành động tượng trưng để “giải hạn” hay không. Tuy là một người siêu sạch và “sợ vi trùng”, nhưng Donald Trump không sợ chó, mà còn thích ôm ấp chó cưng, phải chăng vì vợ chồng ông đều “cầm tinh” tuổi con chó. Tổng thống Donald Trump tuổi Bính Tuất (sinh 14-6-1946), còn đệ nhất phu nhân Melania tuổi Canh Tuất (sinh 26-4-1970), là một “cặp đôi hoàn hảo” (song Tuất). Nhưng năm Mậu Tuất là “năm tuổi”, nên chắc không tốt cho cả hai vợ chồng. Những quyết định và phát ngôn gây sốc trong năm 2017 chắc sẽ có hệ quả xấu trong năm 2018. Nhà Trắng, càng phải thận trọng hơn trong năm Mậu Tuất, với những biến động khôn lường.
Ngay từ những ngày đầu năm 2018, Nhà Trắng và tổng thống đã phải vất vả đối phó với cơn bão chính trị do quả bom tấn Lửa và Giận (Fire and Fury: Inside the Trump White House, Michael Wolff, Henry Holt & Co, January 5, 2018). Trong khi báo Hongkong South China Morning Post gọi cuốn sách đó là “câu chuyện đầy độc tố cần phải đọc” thì báo Pháp Le Monde gọi đó là “sự hổ thẹn”. Còn báo Mỹ Politico nhận xét rằng ngày càng nhiều người coi chính quyền Trump là “thảm họa”, “đáng sợ”, “bất tài”, và “nguy hiểm”…
Một cuộc khảo sát tại 37 nước đã xác nhận uy tín của Tổng thống Trump trên thế giới chỉ còn 22%. Theo James Fallows (Atlantic, 13-1-2018) hầu hết nội dung Michael Wolff kể về tính cách của ông Trump đều là “bí mật” ai cũng biết (open secret). Nhưng tác động của cuốn sách Fire and Fury khẳng định Nhà Trắng là trung tâm của âm mưu và tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm, và tệ hại hơn là tình trạng tâm thần của tổng thống không đủ năng lực lãnh đạo. Trong khi đó, ông Trump lại làm cho tình thế càng thêm tồi tệ khi phản ứng trên Twitter là mình “rất thông minh” và là “một thiên tài ổn định” (a stable genius).
Năm mới kể chuyện về chó là “người bạn tốt nhất” của con người, tôi muốn mượn lời luật sư George Vest trong bài bào chữa cho thân chủ của mình, đã được nhà báo William Safire (New York Times) bình chọn là diễn văn hay nhất trong thế kỷ qua. Xin trích:
“…Và khi tấn trò đời hạ màn, thần chết đến rước phần hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, lúc tất cả thân bằng gia quyến đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, thì vẫn còn bên nấm mồ của ta chú chó cao thượng nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt và buồn vẫn mở to cảnh giác, trung thành và trung thực ngay cả khi ta đã đi vào cõi hư vô!”.
- N.Q.D (Tháng 1 năm 2018)