Con đường khởi nghiệp không trải hoa hồng, thậm chí có rất nhiều chông gai. Những người sau đây đã khởi nghiệp thành công ở những lĩnh vực khác nhau, sau khi vượt qua nhiều khó khăn, vất vả. Câu chuyện của họ có thể sẽ là kinh nghiệm cũng như là động lực cho những ai đang ngập ngừng trên bước đường khởi nghiệp.
Đặng Thế Giang và mô hình thực phẩm organic
Trang trại Fabulous của nông dân Đặng Thế Giang nằm cách thành phố Đà lạt 25km, cho ra đời nguồn rau quả được chứng nhận hữu cơ IFOARM của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Từ nguồn phân bón hữu cơ tự tạo, Đặng Thế Giang đã biến niềm đam mê về công nghệ vi sinh thành hai mô hình kinh doanh là Fabulous Organic Farm chuyên sản xuất thực phẩm hữu cơ và Jan’s chuyên về các sản phẩm chế biến (gia vị, các loại sauce, mứt…).
Chọn cuộc sống an nhiên giữa lòng thành phố Đà Lạt mộng mơ, Đặng Thế Giang đã dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu và phát triển niềm đam mê chế biến từ nhỏ, cùng với kiến thức về vi sinh và nguồn nguyên liệu tự nhiên vô cùng phong phú tại một khu trang trại rộng 2,8ha. Từng tốt nghiệp ngành Kiểm toán quốc tế tại Trường Đại học Association of Chartered Certified Accountants (Anh), anh vẫn chưa bao giờ hối tiếc khi lựa chọn làm một người nông dân “đầu trần chân đất”.
Anh Giang cho biết, ban đầu tôi chỉ muốn thực tập về công nghệ vi sinh, để giúp cho người nông dân tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú tại chỗ, không còn phụ thuộc vào nguồn phân bón ngoại nhập. Thành công của loại phân Beegreen do anh tạo ra giúp điều trị bệnh bó rễ (nấm làm rễ bị sưng, thối rễ) trên các loại rau họ thập tự (súp lơ, sú, cải…) cùng với việc tìm ra cách trồng hoa cát tường hiệu quả đã khiến cho người nông dân tin tưởng.
Sau đó, quyết định trở thành người nông dân thực thụ để giúp người dân diệt sâu bệnh không cần phân hóa học cũng như trồng cây đạt năng suất cao. Trong những năm tháng lang bạc học trồng tiêu, cà phê ở Tây Nguyên, trồng lúa ở miền Tây, xây dựng trang trại hữu cơ ở Quảng Ninh, anh đã học được nhiều kiến thức về cách trồng cây hữu cơ từ các chuyên gia người Nhật, Đức cũng như những người thầy nông dân có thâm niên với nghề. Đến năm 2013, anh quay trở lại Đà Lạt và xây dựng trang trại thực phẩm hữu cơ Fabulous đồng thời phát triển thực phẩm chế biến thương hiệu Jan’s.
Hiện nay, 30 loại rau củ tại Fabulous như: cà chua, dưa leo, súp lơ, dâu tây, măng tây, cam, ớt, xà lách… đều có chứng nhận organic theo tiêu chuẩn USDA, từ phân bón, bảo vệ thực vật, cải tạo đất, không sử dụng giống biến đổi gen… Các sản phẩm chế biến của Jan’s cũng đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Những ngày cuối tháng 1 này, cả gia đình Jan’s đang ra sức chuẩn bị 20.000 sản phẩm phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán.
“Mọi người thường nghĩ sản xuất organic thường cho năng suất thấp, nhưng với tôi điều này không đúng. Cây mướp hương trong vườn tôi mới trồng ra khoảng 500 trái, một gốc bí cho khoảng 300 trái, cà chua thì năng suất 16 tấn/1.000m2… Như vậy, trồng theo phương pháp hữu cơ vừa cho ra loại thực phẩm đảm bảo sức khỏe con người, an toàn cho môi trường vừa cho năng suất cao.
Đến nay, khi cả Fabulous và Jan’s đã tạm ổn, tôi lại muốn tạo ra một cộng đồng, trong đó người sản xuất tự chủ được nguyên liệu và phân bón, người phân phối làm đúng việc của mình còn người tiêu dùng biết rõ chất lượng sản phẩm. Khi đó, người nông dân không còn bị phụ thuộc vào thị trường tự do, mà có thể biết trước được nhu cầu cộng đồng, từ đó sản xuất theo nhu cầu một cách chủ động”, anh Giang nói.
Nguyễn Thị Bích Hằng, Tổng giám đốc ActionCoach Việt Nam
Đưa mô hình huấn luyện doanh nghiệp ActionCoach về Việt Nam mới được ba năm, Nguyễn Thị Bích Hằng đã trở thành một trong ba nhà huấn luyện đầu tiên của Việt Nam được ActionCoach cấp bằng hoạt động chuyên nghiệp trên toàn thế giới. Đội ngũ các nhà huấn luyện (Coach) của chị đã huấn luyện thành công cho nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như bán lẻ, giáo dục, xây dựng, công nghệ thông tin, may mặc… với mức lợi nhuận qua các năm là hơn 100%.
Cách đây gần 20 năm, Bích Hằng từng là cô sinh viên đậu ba trường là Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm và Đại học Ngoại ngữ Tin học. Sau khi tốt nghiệp ngành tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ Tin học, chị làm việc trong lĩnh vực nhân sự ở nhiều cấp bậc khác nhau.
Đến năm 2010, chị quyết tâm khởi nghiệp với một công ty hoạt động trong lĩnh vực chuyên tuyển dụng các vị trí cấp cao cho các doanh nghiệp. Nhưng dù công ty đạt lợi nhuận cao, chị vẫn gặp khó khăn trong việc đào tạo các cộng sự giỏi. “Gặp ActionCoach – một công cụ khoa học trong huấn luyện doanh nghiệp, tôi quyết định đưa mô hình này về Việt Nam để giúp đỡ các doanh nghiệp Việt đồng thời đào tạo được đội ngũ đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển”, chị cho biết.
Bích Hằng chia sẻ: “Phát triển ActionCoach tại Việt Nam là một hành trình gian nan. Thứ nhất là chi phí nhượng quyền thương hiệu không nhỏ. Thứ hai là việc tuyển dụng Coach gặp nhiều khó khăn, chỉ có những người chủ doanh nghiệp mới có khả năng trở thành huấn luyện, nhưng chủ doanh nghiệp hầu như chỉ tập trung vào phát triển doanh nghiệp của mình, không dành sự quan tâm đúng mức cho nghề Coach. Vì vậy, giai đoạn đầu, tôi hoàn toàn phải huấn luyện miễn phí cho một số doanh nghiệp điển hình, để tạo ấn tượng cho thị trường và để chủ doanh nghiệp toàn tâm toàn ý cho nghề Coach”.
Theo Bích Hằng, thành công chị có được là nhờ lựa chọn con đường khởi nghiệp tương đồng với sứ mệnh cuộc đời. “Sứ mệnh của tôi là giúp người khác thành công, tương đồng với nhiệm vụ giúp doanh nghiệp phát triển của ActionCoach. Chính vì vậy, bất cứ nhà khởi nghiệp nào cũng cần nhận định được sứ mệnh, tầm nhìn của mình trước khi khởi nghiệp, nếu không thì sẽ mãi loay hoay như một người vẫy taxi mà không biết mình sẽ đi đến đâu. Sứ mệnh, tầm nhìn cũng là động lực để giúp người khởi nghiệp vượt qua những giai đoạn khủng hoảng trong con đường đầy thử thách”.
Đến nay, số lượng nhà huấn luyện do Bích Hằng đào tạo và nhượng quyền tại Việt Nam đã tăng lên gấp mười lần so với thời điểm cách đây ba năm, đồng thời đã nhượng quyền thương hiệu ActionCoach sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong ba năm qua, có năm Coach của chị đã lọt vào Top 20 nhà huấn luyện của ActionCoach toàn cầu, đi kèm là thu nhập và sự phát triển bản thân. Đây cũng là niềm vinh dự cho những con người Việt Nam nhỏ bé trên trường quốc tế.
Trần Nguyễn Lê Văn, người sáng lập Vexere.com
Trần Nguyễn Lê Văn là người được nhận giải thưởng Doanh nhân trẻ tiêu biểu về khởi nghiệp năm 2016 với ý tưởng Vexere.com – hệ thống đặt vé xe lớn nhất Việt Nam. Đến nay, sau năm năm khởi nghiệp, doanh nghiệp của Văn đã trở thành đối tác của các hãng xe trên hầu hết các tuyền đường từ Bắc vào Nam. “Lượng vé do chúng tôi bán chiếm trên dưới 30% số vé của các hãng xe, giúp lấp đầy ghế trống cho từng lượt xe, nhờ đó mà giá vé sẽ giảm từ 10 – 30% tùy theo từng tuyến đường, từng đối tượng mua vé”, Văn chia sẻ.
Ý tưởng về hệ thống bán vé xe trực tuyến đến với Trần Nguyễn Lê Văn từ lúc anh đang học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Mỹ vào năm 2012. Anh cảm thấy chạnh lòng khi đọc báo và nhìn thấy cảnh người dân xếp hàng chờ mua vé tết, không ít những người công nhân phải mang chăn chiếu ra bến xe, nhà ga nằm chờ mua vé. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh anh mãi, thôi thúc anh gác lại “giấc mơ Mỹ” để trở về quê hương, xây dựng hệ thống đặt vé xe khách trực tuyến tại Việt Nam để người dân đỡ vất vả với việc mua vé.
Hành động bỏ học giữa chừng của Văn đã khiến ba mẹ phật lòng, vì cha mẹ anh muốn con trai có một tấm bằng trong tay và một công việc ổn định hơn là mạo hiểm với một ý tưởng viễn vông. Ngược lại, đến lúc này, anh chưa bao giờ thấy hối hận với con đường mình lựa chọn.
Người đi xe khách giờ đây có thể đặt mua vé trực tuyến chủ động ngày giờ đi, chọn chỗ, so sánh giá vé nhiều hãng khác nhau và nhận vé qua tin nhắn. Không chỉ giúp các hãng xe thay đổi toàn bộ cách vận hành, ứng dụng công nghệ vào quản trị, nhóm của Lê Văn còn tư vấn cả chiến lược phát triển, hành vi khách hàng, cách giảm thiểu thất thoát trong vận hành…
Ban đầu, anh và các cộng sự phải tư vấn, làm việc miễn phí cho một số nhà xe để tạo niềm tin. Nhưng đến nay, uy tín của Vexere.com đã được khẳng định nên việc thuyết phục chủ các hãng xe cũng không còn khó khăn.
Theo Lê Văn, tại Việt Nam hiện có trên 24 triệu người đi làm bằng xe khách và hơn 100 triệu vé xe bán ra mỗi năm. Đây thật sự là một thị trường tiềm năng chưa được khai thác đúng mức. Đến nay, Vexere.com đã trở thành hệ thống bán vé xe trực tuyến uy tín nhất tại Việt Nam.
Lê Văn đã hợp tác với hơn 1.000 hãng xe, mỗi tháng phục vụ hơn 2 triệu người truy cập vào wesite. Thành công của anh là nhờ sự đổi mới sáng tạo trong sản phẩm cùng với tấm lòng phục vụ cộng đồng. Đây là một trong những cách khởi nghiệp bền vững và có giá trị nhất.