Trong Kinh thánh, bảy tội lỗi của con người gồm có: phẫn nộ, phàm ăn, lười biếng, kiêu ngạo, đố kỵ, trụy lạc và tham lam. Và tội lỗi đại diện cho bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder) chính là tính đố kỵ. Rối loạn nhân cách ái kỷ hay còn gọi là bệnh rối loạn nhân cách yêu bản thân thái quá là một hội chứng thường chỉ xuất hiện khi ta còn nhỏ và sẽ mất dần khi ta trưởng thành.
Còn trong tâm lý học hành vi, bệnh ái kỷ được xếp vào một trong chín bệnh về rối loạn nhân cách phổ biến nhất và gây ra cho xã hội nhiều phiền toái nhất. Bởi người ái kỷ luôn coi bản thân là quan trọng, độc nhất, cho nên họ không thể nào thông cảm và thấu hiểu được cảm xúc của người khác. Những người này thường được coi là những kẻ kiêu căng, ngạo mạn, ngông cuồng, là đối tượng không thể tạo dựng các mối quan hệ bền vững cũng như hòa nhập với xã hội.
Tuy nhiên, giống như hai mặt của một đồng xu, bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ cũng có mặt lợi, mà một trong những điểm tích cực nhất chính là sự ái kỷ có thể giúp chúng ta tạo ra tiền bạc cũng như tạo dựng một sự nghiệp lẫy lừng, vượt trội so với mọi người.
Giá trị của ái kỷ đối với sự giàu có
Đặc điểm dễ nhận thấy của một người ái kỷ là họ thường phóng đại tầm quan trọng của mình so với người khác. Họ tin rằng bản thân có những kỹ năng đặc biệt, “độc nhất vô nhị” mà chỉ những người có vị trí cao trong xã hội mới hiểu được. Bên cạnh đó, họ cho rằng bản thân xứng đáng có được sự giàu có, thành công, thường đặt ra mục tiêu cao hơn so với mọi người và cũng thường rất mẫn cảm với sự chỉ trích…
Một loạt nghiên cứu gần đây của các chuyên gia tâm lý học hành vi đều đưa ra một luận điểm khá thú vị, đó là những người siêu giàu trên thế giới đều có một sự liên hệ nhất định với căn bệnh ái kỷ này.
Cụ thể, trong nghiên cứu với tên gọi Leader Emergence: The Case of the Narcissistic Leader (tạm dịch: Sự xuất hiện của những nhà lãnh đạo ái kỷ) được giáo sư tâm lý học W. Keith Campbell (hiện giảng dạy tại Franklin College of Arts and Sciences) cùng nhóm của ông thực hiện, thì những lãnh đạo doanh nghiệp thành công từ hai bàn tay trắng, hay những người khởi nghiệp với một ý tưởng điên rồ muốn thay đổi thế giới, đều có một sự ái kỷ nhất định trong tính cách của họ.
Trong khi đó, nghiên cứu với tên gọi Wealth and the Inflated Self (tạm dịch: Giàu có và sự tự thổi phồng bản thân) được Phó giáo sư tâm lý Paul K. Piff (hiện giảng dạy tại University of California) thực hiện lại chỉ ra rằng sự giàu có, thịnh vượng về tiền bạc có mối liên hệ mật thiết với sự ái kỷ.
Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, dù ái kỷ hay không, chỉ cần chúng ta biết nỗ lực, không ngừng học hỏi, rèn luyện, để trau dồi kỹ năng, kiến thức… thì vẫn sẽ có được thành công. Điều đặc biệt chỉ là những người có sự ái kỷ nhất định trong tính cách thường có tỷ lệ thành công cao hơn so với mặt bằng chung của xã hội.
Ba thế mạnh của sự ái kỷ
Craig Malkin, giáo sư tâm lý học hiện giảng dạy tại Harvard Medical School, cho rằng cảm giác tự yêu bản thân giúp chúng ta có được ba lợi thế lớn so với những người khác trong hành trình tìm kiếm sự thịnh vượng.
Thứ nhất, đó là người ái kỷ có một sức khỏe tâm lý mạnh hơn so với người bình thường. Cụ thể, khi yêu bản thân và chỉ tập trung cho chính mình, chúng ta có xu hướng ít bị trầm cảm, ít cảm thấy cô đơn, lo lắng và căng thẳng. Việc người ái kỷ mẫn cảm với lời chỉ trích cũng giúp họ trải nghiệm nhiều thái cực cảm xúc hơn từ khi còn nhỏ và theo thời gian, họ sẽ trui rèn được ý chí mạnh hơn so với bình thường.
Thứ hai, người ái kỷ thường nghĩ tới bản thân trước tiên trong mọi vấn đề. Trong tài chính, đây là một trong những yếu tố then chốt để có thể tạo ra tiền bạc. Bởi những người ái kỷ hiếm khi cảm thấy mình không xứng đáng với sự giàu có, chẳng hề cảm thấy mình quá tham lam, cũng ít khi để tâm đến suy nghĩ của người khác, do đó họ rất biết cách sử dụng tiền để trả cho bản thân đầu tiên, sử dụng tiền đầu tư sinh lợi cũng như nhằm điều khiển, chi phối, tác động đến người khác, khiến họ làm việc cho mình.
Cuối cùng, người ái kỷ thường có xu hướng đặt mình lên trên đám đông, cộng đồng, luôn cho mình là một người đặc biệt, đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng, vì thế nếu quyết tâm theo đuổi một mục tiêu nào đó, họ sẽ cực kỳ tập trung và có thể sử dụng những cách độc đáo, thậm chí thường được miêu tả là xấu xa, để đạt được mục đích của mình, mà hiếm khi cảm thấy áy náy, ray rứt.
Đây cũng là luận điểm từng được Niccolò di Bernardo dei Machiavelli (1469-1527), triết gia người Ý, miêu tả. Cụ thể, Machiavelli cho rằng những người mà chúng ta hay gọi là kẻ xấu, không từ thủ đoạn nào để đạt mục đích, với một tâm thế hoàn toàn không bị áy náy, bứt rứt, sẽ nắm một số ưu thế hơn so với những người tốt, chính trực. Đó là vì những người này sẵn sàng hành động với trí khôn, sự quyết tâm và sự nham hiểm để đạt được mục đích của mình. Họ không bị giới hạn bởi bất cứ một quy tắc nào. Họ sẵn sàng nói dối, bẻ cong sự thật, đe dọa hay sử dụng vũ lực… Tất nhiên, hậu quả của những việc này có thể rất tệ, nhưng nó thực sự cũng là một lợi thế của người ái kỷ so với những người khác.
Kiểm soát sự ái kỷ để có một cuộc sống hạnh phúc
Sự ái kỷ tạo cho người ta những mặt tốt trong vấn đề tiền bạc, nhưng song song đó cũng gây ra nhiều điều phiền toái, những mặt có hại. Để kiểm soát được sự ái kỷ, điều cơ bản và quan trọng nhất là chúng ta phải biết điều độ. Phải biết giới hạn của mọi vấn đề, biết đâu là đủ, đâu là điểm dừng và đâu là thứ chúng ta muốn thực sự, để giữ mọi việc không vượt quá tầm kiểm soát của bản thân.
Về cơ bản, sự ái kỷ sẽ hạn chế con người trong việc cảm nhận cuộc sống và có được hạnh phúc. Cụ thể, trong một nghiên cứu của Harvard University, kéo dài hơn 75 năm, thực nghiệm trên 724 người tình nguyện tới từ nhiều tầng lớp khác nhau, nhóm nghiên cứu đã nhận ra rằng, hạnh phúc thực sự là sự thỏa mãn, là chất lượng trong các mối quan hệ của chúng ta hằng ngày, như mối quan hệ với gia đình, bạn bè, cộng đồng… chứ không phải là tiền bạc, của cải, địa vị xã hội, hay gen di truyền. Trong khi đó, duy trì các mối quan hệ luôn là thách thức lớn nhất với người bị ái kỷ.
“Nếu bạn bị ái kỷ, hãy cố gắng kiểm soát nó bằng sự điều độ và những giới hạn. Điều đó sẽ giúp bạn hiểu đâu là thứ cần tránh, đâu là lúc cái tôi của mình cần nhỏ lại, cần sử dụng con tim và cả khối óc để thấu hiểu cảm xúc, vấn đề của người bên cạnh bạn. Còn nếu bạn không ái kỷ, hãy học một chút từ người ái kỷ. Vì nếu bạn không tự yêu và không tự trân trọng bản thân mình, thì chẳng ai có thể yêu và trân trọng bạn cả” – Craig Malkin chia sẻ.