Định hướng đầu tư công theo nguồn vốn và các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 gắn với kế hoạch tài chính trung hạn là mục tiêu quan trọng mà Chính phủ vừa phê duyệt. Theo đó tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước bình quân đạt khoảng 10 – 11% GDP; tiếp tục đẩy mạnh thu hút tối đa, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, mở rộng các hình thức đầu tư.
Các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng khó khăn khác rồi đây sẽ được ưu tiên đầu tư vốn từ ngân sách. Chính phủ cũng dứt khoát không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.
Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cũng được sử dụng như là “vốn mồi” để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác; tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục…
Trong khi đó, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài sẽ ưu tiên đầu tư hỗ trợ thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; phát triển nông nghiệp và nông thôn; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng…
Đối với nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thì tập trung đầu tư cho các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp của các thành phần kinh tế.
Đối với nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước thì tập trung đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành; bảo đảm đầu tư có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển.
Một mục tiêu quan trọng khác là thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tác động lớn tới phát triển kinh tế và các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục…
Để đạt được các mục tiêu, Đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện ngay từ nay đến năm 2020 là khẩn trương rà soát, sửa đổi, những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt tại Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn thi hành; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công.
Chính phủ cũng quyết liệt thực hiện chủ trương giảm tỷ trọng đầu tư Nhà nước, tăng tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế khác; đa dạng hóa các hình thức, kênh đầu tư và mô hình hợp tác nhằm huy động hiệu quả các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội.
Tới đây cơ hội cho đầu tư tư nhân sẽ được mở rộng, nhất là tư nhân trong nước; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân tham gia phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển và các vùng kinh tế động lực, một số ngành nghề trong lĩnh vực xã hội, xử lý môi trường bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công; tăng cường quản lý đầu tư công…
Cũng trong chiều hướng tạo đột phá kinh tế, khi tham dự và chỉ đạo tại hội nghị tổng kết ngành Kế hoạch ngày 15-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong nhiều trường hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa đóng vai trò nhạc trưởng điều hành kinh tế vĩ mô, có nhiều báo cáo chưa xuất sắc, sắc sảo, nêu tình hình đúng nhưng chưa có giải pháp thiết thực. Bộ này có nhiều cục, vụ nhưng số báo cáo, nghiên cứu chất lượng còn ít.
Ông nói: “Thời gian tới, Bộ Kế hoạch phải là cỗ máy tinh vi, sáng suốt tham mưu cho Chính phủ. Các chính sách tham mưu đưa ra cần sắc sảo hơn”.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh vai trò của Bộ Kế hoạch là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế chứ không phải nơi chia tiền. Bộ phải là nơi tập trung nghiên cứu cơ chế chính sách, vận hành nền kinh tế, bắt mạch điểm nghẽn của nền kinh tế để tìm cơ chế chính sách.
Ông nêu rõ: “Ai cũng bu vào mấy đồng bạc làm sao mà phát triển được. Ngành kế hoạch phải gương mẫu, không để tiêu cực, mang tiếng là nơi “chạy vạy” để các bộ, ngành và địa phương phải gõ cửa, đến gặp mới xử lý được công việc là không xứng đáng”.
Không những thế, Thủ tướng cũng nhắc nhở các bộ, ngành không được đưa người nhà, cán bộ vào “công trình”, gọi cho cấp dưới để nhờ vả.
Biểu dương Tổng cục Thống kê kịp thời tổng hợp số liệu báo cáo để có cơ sở phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, nhưng Thủ tướng lưu ý cơ quan này “cần tính đúng, tính đủ GDP”. Ngoài ra, cơ quan thống kê cũng cần tính toán và đưa vào công thức tính tăng trưởng kinh tế khu vực kinh tế phi chính thức.
Dẫn lại các số liệu thống kê của các tổ chức nghiên cứu, ông cho hay: “Nếu tính đúng đủ thì quy mô kinh tế Việt Nam không phải là 5 triệu tỉ đồng. Người ta nói Việt Nam bỏ lọt kinh tế phi chính thức là 30%. Hàng vạn nhà lầu, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội mỗi tháng có mấy trăm ôtô đăng ký mà chẳng tính vào tiêu dùng gì cả, thả trôi hết”.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê tại hội nghị tổng kết ngành kế hoạch, đầu tư ngày 15-1 cho biết, năm 2017 ngành thống kê thực hiện 28 cuộc điều tra thống kê tổng điều tra kinh tế, góp phần đánh giá chính xác các chuyển biến của nền kinh tế và dự báo sớm các diễn biến của nền kinh tế, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gửi Chính phủ.
Các bộ, ngành hầu hết tham gia, phối hợp cung cấp dữ liệu đầy đủ cho cơ quan thống kê, giúp ngành này nhận định thực tiễn, đánh giá hiệu quả, nhìn nhận ra thách thức và lập kế hoạch phát triển trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, có năm bộ, ngành chậm trễ chia sẻ thông tin thống kê theo chỉ đạo gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Trước sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện việc chia sẻ thông tin từ dữ liệu hành chính, nhất là năm đơn vị nêu trên.
Trong đó, Bộ Tài chính cần thực hiện cung cấp các số liệu (dự toán, ước tính, quyết toán) về thu, chi ngân sách, thuế sản phẩm, thuế xuất nhập khẩu trên địa bàn phân bổ theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thống kê kiến nghị cung cấp dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng, tốc độ tăng dư nợ tín dụng so với cuối năm trước và cùng kỳ năm trước của các tổ chức tín dụng và số dư huy động vốn của các tổ chức tín dụng phân tổ theo ngành kinh tế và theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thống kê đề nghị thực hiện cung cấp bổ sung số liệu thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi bảo hiểm xã hội, chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phân tổ theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.