1. Mấy ngày gần đây, có một đôi chim sẻ đến làm tổ ở dưới khe của mái ngói trang trí trước ban công nhà tôi. Tôi chưa thấy cái tổ của chúng ra sao, chỉ thấy mấy chú chim bay ra bay vào, thấy nhiều sợi chỉ, vỏ cây, lá cây, lông chim… thỉnh thoảng rơi xuống ban công, rồi lại nghe tiếng ríu rít vui vẻ.
Chắc cũng như con người đang xây nhà để lập gia đình, đôi chim làm tổ hẳn là vất vả nhưng rộn rã niềm vui, cái vui không chỉ riêng của bản thân chúng mà còn của giống loài… Người ta xây nhà là một sự việc hệ trọng trong cuộc đời, phải chọn lựa, xem xét kỹ càng, thì đôi chim kia chắc cũng vậy, nó phải chọn nơi kín đáo, an toàn, thuận tiện, không chỉ cho nó mà mai này còn cho con nó. Dĩ nhiên chúng ta chọn nơi làm nhà thì phức tạp hơn nhiều so với loài chim chọn nơi làm tổ, nhưng thế nào cũng có nét chung nào đó. Nếu chúng ta ráng tránh nơi ồn ào, phức tạp, thì hẳn loài chim cũng tránh nơi đông đúc, có nhiều loài khác nhòm ngó, đe dọa… Cho nên đôi chim chọn nhà tôi để làm tổ chắc vì chúng thấy đây là đất lành.
Hồi còn đi học, hơn hai mươi năm trước, một số cây ngòi viết trước sân trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ở quận 1) vẫn thường có tổ chim. Lúc đó, ngọn những cây này ngang với tầng 2 dãy nhà B, bây giờ thì cao hơn nhiều. Tôi vẫn hay ngắm nghía những cái tổ chim với nhiều suy nghĩ. Vì sao loài chim chọn nơi này làm tổ, phải chăng sự ồn ào của sân trường thực ra vẫn là nơi an toàn so với nhiều nơi khác vốn còn ồn ào và nguy hiểm hơn? Hay chúng “đoán biết” rằng sinh viên là người có học vấn, biết phép tắc chắc không chơi trò phá tổ cướp trứng? Rồi tôi tự trả lời, trường học ấy vẫn là đất lành, với nhiều cây xanh, trong đó có những cây ngọc lan thường xuyên nở hoa thơm ngát bên dãy nhà C… Lan man thế, tôi nào có biết rằng nhiều năm sau, trước sân trường có thêm một cây thông hòa bình do một giáo sư Nhật Bản tặng…
2. Trẻ em thành thị bây giờ không mấy khi được thấy tổ chim. Môi trường đô thị không phù hợp để chim sống, dẫu đó đây vẫn thấy những cánh chim bay qua, vẫn nghe tiếng hót lảnh hót từ chiếc lồng nào đó… Có chim đậu nhưng đất chẳng lành. Có một tổ chim trên ban công, một tổ chim trên cành trước sân trường là rất hiếm. Làm sao cho trẻ nhỏ nhìn thấy một cái tổ, rồi giảng giải cho chúng hiểu về giá trị của cái tổ đó theo góc nhìn của một ngôi nhà, một chỗ ở, như của con người vậy. Cái khó là làm sao để trẻ biết rằng cái tổ là tất cả những gì loài chim có và là điều kiện tối quan trọng để chúng có thể sinh sản, duy trì nòi giống, chứ không phải như con người dẫu không có nhà (của mình) thì vẫn sống và vẫn sinh con đẻ cái được. Từ đó trẻ mới có thể quý trọng “mái nhà” của chim, tìm cách bảo vệ môi trường sống cho những chú chim. Rộng hơn, trẻ có thể biết yêu quý và bảo vệ thiên nhiên, vốn là môi trường của nhiều loài khác, không chỉ có chim; và trẻ cần biết rằng tự nhiên cần có nhiều loài, các loài có quan hệ mật thiết với nhau chứ không phải chỉ cần có loài nào mình thích mà không cần loài mình ghét…
Một tình yêu thiên nhiên có thể không chỉ gieo cho trẻ thái độ tích cực với thiên nhiên, như yêu quý cây xanh, bảo vệ các loài sinh vật có ích… mà còn làm được nhiều điều hơn để có một môi trường tự nhiên tốt nhất có thể, hài hòa nhất có thể. Chẳng hạn, trẻ biết bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn không khí trong lành, từ việc hạn chế xả rác bừa bãi, tránh gây ồn ào… cho đến tiết kiệm nước, tiết kiệm điện và các loại năng lượng khác…, góp phần giữ cho trái đất ít chịu tác động của hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu… Những điều đó có vẻ lớn lao quá, nhưng kỳ thực bắt đầu từ những hiểu biết, những nhận thức đơn giản, đời thường ở xung quanh trẻ.
- Theo Nguyễn Minh Hải / TBKTSG