Các nhà sản xuất lớn của Mỹ, Trung Quốc và các doanh nghiệp khác mua và sử dụng pin năng lượng mặt trời đang sẵn sàng cho một cuộc đụng độ có thể sẽ xảy ra trong tháng 1-2018 giữa Mỹ và Trung Quốc. Báo New York Times tuần qua đưa tin các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đã đưa ra tín hiệu rằng họ sẽ có hành động mạnh mẽ nhằm vào các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc.
Ngành công nghiệp pin năng lượng mặt trời có thể sẽ là phép thử đầu tiên chứng minh những tuyên bố của ông Trump nhằm bảo hộ các doanh nghiệp Mỹ trước các đối thủ. Một thập niên trước, sản lượng pin năng lượng mặt trời sản xuất tại Trung Quốc không đáng kể, tuy nhiên, hiện sản lượng sản xuất từ các nhà máy tại Trung Quốc đã chiếm hơn 2/3 tổng sản lượng toàn thế giới. Trong sáu năm qua, trước sự cạnh tranh khốc liệt với các nhà sản xuất Trung Quốc, hàng loạt nhà máy sản xuất tại Mỹ đã phải đóng cửa.
Việc Trung Quốc vươn lên trở thành nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời hàng đầu đã đẩy giá mặt hàng này xuống thấp, giảm tới 90% giá thành trong thập niên vừa qua, giúp hỗ trợ giảm khí thải và hiệu ứng nhà kính. Các quan chức Trung Quốc cho rằng nước này đã giúp thế giới hướng tới sử dụng nguồn năng lượng sạch hơn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Mỹ cho rằng Trung Quốc đã hỗ trợ tài chính cho các công ty của họ để tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Các nhà sản xuất Trung Quốc đã được hưởng các khoản vay lãi suất thấp từ các ngân hàng do chính phủ quản lý. Thậm chí một số công ty Trung Quốc khi làm ăn thua lỗ và khó khăn trong thanh toán các khoản nợ vẫn được nhà nước hỗ trợ.
Mỹ đã áp đặt thuế đối với các tấm pin năng lượng mặt trời do Trung Quốc sản xuất từ hơn năm năm qua, buộc các nhà sản xuất của Trung Quốc phải xây dựng các nhà máy sản xuất tại nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á nhằm lách thuế. Giờ đây, chính quyền Trump cho biết họ có thể sẽ cho phép áp đặt thuế cao hơn đối với tất cả các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu, bao gồm cả các sản phẩm đến từ các nước Đông Nam Á. Đã có hai nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Mỹ yêu cầu Washington tăng thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu. Do sự phức tạp trong hệ thống đánh giá các yêu cầu thương mại, ngày 26-1-2018 sẽ là hạn cuối để chính quyền Trump đưa ra quyết định thực thi chính sách áp đặt thuế mới đối với các sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu.
Được biết, hai phần ba sản lượng pin mặt trời hiện nay trên thế giới có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây cũng là quốc gia tiêu thụ một nửa lượng pin mặt trời. Do đó, “việc Trung Quốc kiểm soát thị trường này là điều hoàn toàn dễ hiểu”, New York Times bình luận.
Thống kê cho thấy, chỉ trong năm năm (từ 2007-2012), năng lực sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần nhờ sự trợ giúp đắc lực của chính phủ. Hiện sáu trong 10 nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trong giai đoạn 2012-2013, Mỹ và Liên minh châu Âu đã nhiều lần cáo buộc các doanh nghiệp Trung Quốc bán phá giá sản phẩm, buộc họ phải áp lệnh giới hạn nhập khẩu tấm pin mặt trời. Dù vậy, các quan chức chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc trên.
Dưới góc độ môi trường, New York Times nhận định “sức nóng” từ năng lượng mặt trời Trung Quốc lại rất tốt cho thế giới. Cụ thể, giá pin năng lượng mặt trời đã giảm 90% trong hơn thập niên qua. Rất nhiều khoảnh sân ở các gia đình Mỹ cũng như nhà máy năng lượng điện mặt trời đang lắp đặt tấm pin năng lượng giá rẻ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đối với ngành năng lượng mặt trời, sự khuếch trương quy mô này đồng nghĩa với việc mở ra kỷ nguyên hàng giá rẻ và mất việc làm đối với nhiều người.
Nhà bình luận Keith Bradsher trên New York Times nhận định các tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc chính là “hung thủ” giết chết hàng triệu việc làm ở Đức, Mỹ.
Keith phân tích, việc các nhà sản xuất Trung Quốc cắt giảm một phần tư giá pin mặt trời đã đẩy mức giá chung trên toàn cầu giảm mạnh. Các doanh nghiệp đối thủ ở Đức và Mỹ, vì không thể cạnh tranh nổi, đã tiến hành sa thải hàng loạt nhân công. Nhưng cũng nhờ vậy mà Trung Quốc lại trở thành nơi làm việc lý tưởng, thu hút 3,5 triệu trên tổng số 8,1 triệu việc làm trong ngành năng lượng sạch thế giới.
Báo Pháp Libération dẫn nhận xét của chuyên gia Gabrielle Desarnaud thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI): “Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cho phép Bắc Kinh thu hút nguồn nhân lực bị cắt giảm từ ngành than, đồng thời giảm bớt các khó khăn kinh tế mà quốc gia này đang phải đối mặt”.