Triển lãm giao lưu Mỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 11-11 đến 3-12-2017) là một sự kiện văn hóa – nghệ thuật nổi bật của năm 2017, chủ yếu bởi sự phong phú, đặc sắc của các tác phẩm tạo hình và các sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo đến từ thành phố Gyeongju của xứ Hàn.
Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa Thế giới TP. Hồ Chí Minh – Gyeongju 2017 và đánh dấu 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên công chúng Sài Gòn được thưởng lãm các tác phẩm hội họa đương đại, tranh dân gian, tranh thêu, tranh giấy thủ công truyền thống, gốm mỹ thuật… và đồ thủ công chế tác từ đá, kim loại, gỗ… cùng nhiều tác phẩm điêu khắc, sắp đặt, tất cả cho thấy một đời sống nghệ thuật đa dạng ở thành phố Gyeongju có 3 triệu dân.
Tiêu biểu nhất hẳn là khu vực hội họa Hàn Quốc, điểm nhấn là phòng trưng bày 55 tác phẩm thủy mặc mà tác giả họa sĩ nổi tiếng Park Dea Sung, một trong vài tên tuổi lớn còn gìn giữ được tinh thần và các nguyên lý căn bản của tranh thủy mặc truyền thống Hàn Quốc. Sinh năm 1945, từ thuở nhỏ Park Dea Sung đã mất đi bàn tay trái do chiến tranh (Nam – Bắc Triều Tiên) nhưng ở tuổi lên mười ông đã sớm làm quen và say mê với những tác phẩm thủy mặc cũng như nghệ thuật thư pháp. Lớn lên, như một lẽ tự nhiên Park Dea Sung trở thành một họa sĩ thủy mặc, nối tiếp truyền thống hội họa của những bậc thầy trong quá khứ mà ông yêu mến. Tuy nhiên, dù tiếp bước tiền nhân Park Dae Sung còn tiếp thu tinh hoa của nhiều nền mỹ thuật lớn ở châu Á và cả hội họa phương Tây nên tác phẩm của ông là sự tổng hòa của nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài song vẫn giữ được hồn cốt của tranh thủy mặc theo phong vị Hàn Quốc.
Với chủ đề lớn trong tranh ông là cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ và các di sản văn hóa Hàn Quốc, Park Dae Sung đã có nhiều triển lãm cá nhân tại quê nhà cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả tại những xứ sở được coi là nôi sinh của tranh thủy mặc là Trung Quốc và Đài Loan. Lần đầu tiên đến với Việt Nam, Park Dae Sung đã cho thấy tài năng vượt trội của ông tại triển lãm giao lưu mỹ thuật Việt – Hàn bằng phòng trưng bày dành riêng cho ông. Ở đó, người xem không khỏi thán phục sức làm việc của một nghệ sĩ đã ngoài bảy mươi nhưng vẫn thực hiện một loạt tác phẩm khổ lớn và rất lớn. Riêng bức Cảnh núi tuyết phủ chùa Bul Kok với chiều dài gần 11m, ngang gần 3m đã chiếm trọn một mảng tường lớn. Cùng với các tác phẩm cỡ lớn Trời đất và con người, Núi Nam, Núi xanh mây trắng… và hàng chục bức tiểu họa vẽ hoa điểu, Park Dae Sung đã chiếm được cảm tình của công chúng thưởng ngoạn.
Bên cạnh phòng tranh của Park Dae Sung là phòng trưng bày tác phẩm của các họa sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Gyeongbuk, thành phố Gyeongju. Nếu ví các tác phẩm hoành tráng của Park Dae Sung là một sử thi về đất nước Hàn Quốc thì những bức tranh khổ vừa và nhỏ của phòng trưng bày này tựa như những bài thơ đẹp đẽ về cuộc sống và con người đương đại của xứ sở kim chi và được các tác giả vẽ với nhiều chất liệu, theo nhiều phong cách tạo hình từ cực thực, hiện thực đến ấn tượng, trừu tượng… Ngoài ra còn rất nhiều tranh thêu, tranh giấy ở nhiều phòng trưng bày khác của bảo tàng.
Xem tranh đã mãn nhãn, các sản phẩm gốm mỹ thuật cùng nhiều đồ thủ công mỹ nghệ của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Daegu – Gyeongbuk và Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Gyeongbuk càng đem đến những cảm xúc thẩm mỹ tinh tế cho người thưởng ngoạn. Đó cũng là cách tiếp nối những di sản quá khứ bởi thành phố Gyeongju trước kia là kinh đô của vương quốc Shilla (năm 57 trước Công nguyên – năm 935) từng ngự trị ở phía nam và trung bộ bán đảo Triều Tiên, là nơi giao lưu văn hóa đa dạng thông qua các hoạt động thương mại trên biển và Con đường Tơ lụa nên có một di sản văn hóa quá khứ rực rỡ.
Được biết, người đảm nhiệm công việc tổ chức hoạt động triển lãm phía bạn là bà giáo sư Kwon Jung Soon, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tranh dân gian truyền thống Hàn Quốc, Giám đốc Phòng tranh dân gian Hội Mỹ thuật Hàn Quốc. Và có thể thấy dù gọi là triển lãm giao lưu mỹ thuật Việt – Hàn, song phía bạn đã cho thấy sự hơn hẳn về những gì được trưng bày khi người xem đến phòng tranh Việt Nam của các họa sĩ TP. Hồ Chí Minh với khoảng 30 bức, trong đó có những tranh đã từng được triển lãm trước đây.
Cũng nằm trong giao lưu Mỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc, tại Nhà trưng bày – Triển lãm TP. Hồ Chí Minh (92 Lê Thánh Tôn, Q.1) đang giới thiệu đến công chúng 100 tác phẩm mỹ thuật do các họa sĩ Hàn Quốc thực hiện và cũng kéo dài đến ngày 3-12-2017.