Huỳnh Hạnh Phúc dễ dàng có một công việc tốt và một mức lương ổn định với tấm bằng Thạc sĩ Tài chính ở Đại học Missouri và Thạc sĩ Chính sách công Đại học Harvard, nhưng chàng trai chưa đầy 30 tuổi này lại chọn con đường khó khăn và vất vả hơn nhiều là khởi động một dự án phi lợi nhuận nhằm chung tay xây dựng nền giáo dục bình đẳng và hoàn thiện cho trẻ em Việt Nam với tên gọi Teach for Vietnam.
Đưa giáo viên không chuyên vào dạy học
Huỳnh Hạnh Phúc nói rằng luôn có sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục giữa trẻ em nông thôn và thành thị, dẫn đến nhiều bất cập về mặt an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Ở nông thôn, chỉ có hơn 13% trẻ em hoàn tất trung học phổ thông, so với 37% trẻ em ở thành phố. Trẻ em dân tộc thiểu số chiếm 60% số trẻ có điều kiện sống khó khăn nhất nước và chỉ 60% các em này hoàn tất bậc tiểu học. Trong kỳ kiểm tra quốc tế PISA năm 2015 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD), học sinh Việt Nam đạt điểm số cao trong lĩnh vực khoa học, có tên trong 20 quốc gia có kết quả tốt nhất thế giới. Nhưng kết quả khả quan này vẫn không xóa đi được tình trạng thiếu hụt các kỹ năng nhận thức, tư duy phản biện, làm việc nhóm…, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về các bất cập trong giáo dục Việt Nam. Hiện có đến 80% ứng viên tìm việc thiếu các kỹ năng chuyên môn cần thiết và 83% ứng viên thiếu kỹ năng cần cho các vị trí kỹ thuật…
Mặt khác, theo ước tính, số giáo viên dư thừa trên khắp cả nước vào năm 2020 là 70.000 người, nhưng tỷ lệ giáo viên đạt chất lượng vẫn còn thấp. Trong khi đó, có nhiều bạn trẻ tài năng, có đam mê với lĩnh vực giáo dục nhưng không thể tham gia dạy học vì chưa tốt nghiệp ngành Sư phạm. Dự án Teach for Vietnam sẽ tuyển dụng những bạn trẻ này, đào tạo cho họ các kỹ năng sư phạm thiết thực để xây dựng một đội ngũ giáo viên chất lượng.
Nhóm giáo viên “không chuyên” của Teach for Vietnam bước đầu sẽ tiến hành giảng dạy tiếng Anh cho học sinh trong các trường phổ thông, tổ chức hoạt động ngoại khóa, chủ động chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy với các giáo viên trong hệ thống, khởi xướng các dự án giúp cải thiện và hỗ trợ giáo dục tại địa phương. Tuy đây là một dự án ý nghĩa, nhưng việc triển khai lại không hề dễ dàng. Trước đây đã có một số người khởi động dự án tương tự nhưng không thành công vì hầu hết các trường đều không đồng ý cho người không được đào tạo đúng chuyên ngành vào dạy học. Sau hai năm chật vật làm việc với lãnh đạo hàng chục tỉnh thành trên khắp cả nước, đến giữa năm 2017, dự án của Hạnh Phúc đã được tỉnh Tây Ninh cho phép triển khai chương trình tại 32 trường học trong hệ thống công với tầm nhìn nâng cao nguồn nhân lực cho tỉnh.
Hiện nay, nhóm đã bắt đầu dạy các chương trình hè cho các em. Ngoài việc tham gia vào giờ học trên lớp cùng với các giáo viên tiếng Anh của trường, nhóm sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khóa khác vào buổi chiều, cùng tổ chức dự án cộng đồng liên quan tới môn tiếng Anh, lồng ghép các kỹ năng mềm phù hợp với nhu cầu địa phương vào các giờ học. Tây Ninh là tỉnh đang định hướng phát triển về nông nghiệp và du lịch, nên học sinh tại đây sẽ được học các kiến thức, kỹ năng về nông nghiệp hữu cơ, du lịch bền vững, đầu tư nước ngoài… Chương trình giảng dạy theo sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng những tài liệu bổ trợ khác để phát triển kỹ năng tiếng Anh xuất sắc cho học sinh, trang bị tư duy phản biện, các giá trị sống và cách nhìn nhận vấn đề cần thiết cho thế kỷ mới, đồng thời việc giảng dạy này không ảnh hưởng đến khung chương trình giáo dục của nhà trường. Nhóm dự án cũng phối hợp, chia sẻ với lực lượng giáo viên dồi dào tại trường các phương pháp giáo dục hiện đại để tăng sức lan tỏa. Mặt khác, dự án cũng tổ chức một lớp tiếng Anh dành cho ban lãnh đạo tỉnh Tây Ninh nhằm giúp những người ở vị trí chủ chốt của tỉnh nâng cao khả năng ngoại ngữ. Qua chương trình này, ban lãnh đạo tỉnh cũng sẽ đánh giá đúng hơn về giá trị của chương trình và làm cầu nối đưa Teach for Vietnam ra các tỉnh thành khác.
Hiểu đúng về doanh nghiệp phi lợi nhuận
Chương trình “Teach for”, vốn xuất phát từ Anh và Mỹ, hiện đã có mạng lưới đối tác tại 40 nước trên thế giới. Khu vực Đông Nam Á thì có Thái Lan, Malaysia và Philippines. Với Việt Nam, Teach for vẫn là khái niệm mới. Khi Hạnh Phúc mới thực hiện dự án này, ba mẹ anh tỏ ra khá lo lắng. Anh cho biết: “Mọi người thường nghĩ rằng doanh nghiệp phi lợi nhuận là làm từ thiện, nên mọi người nghĩ tôi làm không lương. Thực tế, những người được chọn vào TFV cũng sẽ được trả lương tương tự như khi họ làm việc tại các công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Bên cạnh đó, họ được các chuyên gia của TFV theo sát, đào tạo thêm những kỹ năng mềm, kỹ năng lãnh đạo, cơ hội tìm kiếm các suất học bổng du học trong mạng lưới của Teach for trên toàn thế giới, hoặc kết nối với các doanh nghiệp và vườn ươm khởi nghiệp”.
Các tình nguyện viên của chương trình thời gian đầu cũng không dám nói về công việc của mình vì sợ gia đình lo lắng. Khi đó, Hạnh Phúc quyết định tổ chức buổi gặp mặt “Gia đình đồng hành cùng con tại Teach for Vietnam” để cha mẹ của các tình nguyện viên hiểu hơn và an tâm hơn về công việc của con. Hơn nữa, gia đình của các bạn trẻ còn cảm thấy tự hào khi con mình đang làm việc thật sự có ý nghĩa cho xã hội.
Theo Hạnh Phúc, khó khăn lớn nhất của chương trình giáo dục mới mẻ này không phải là những hạn chế về cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị dạy học mà chính là tư duy của giáo viên. Thực tế có những trường trang bị phòng lab, bảng tương tác… nhưng ít khi dùng đến. Giáo viên nếu không có động lực thay đổi thì họ sẽ dạy học theo thói quen và chương trình đã xây dựng lâu nay. Vì vậy, Phúc mong rằng Teach for Vietnam sẽ là động lực để thay đổi cách dạy học của phần lớn giáo viên hiện nay.
Ngân sách hoạt động của dự án đến từ sự đóng góp của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính phủ và ngân sách địa phương. Tháng 9-2016 vừa qua, dự án đã nhận được khoản tiền tài trợ 18.700 USD của Lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh. Cơ quan này đang tiếp tục thẩm định, đánh giá tiềm năng của dự án để tiếp tục rót vốn đầu tư 50.000 USD trong thời gian tới. Ngoài ra, Hạnh Phúc cũng ngỏ lời xin Quỹ “Teach for all” rót vốn 150.000 USD để chạy chương trình có nguồn tài chính hoạt động trong khoảng một năm tới, bên cạnh nguồn tiền hỗ trợ từ tỉnh Tây Ninh.
Dự án còn nhận được sự đóng góp của cá nhân và doanh nghiệp, từ 50 ngàn đồng đến vài chục triệu đồng. Chương trình “Teach for” cần từ bốn đến sáu năm để thành công tại Malaysia và Philippines. Nên dự án của Hạnh Phúc hẳn cần thêm nhiều thời gian để tạo được dấu ấn tại Việt Nam. Nhưng chàng trai trẻ nói rằng điều quan trọng là dự án của mình đã nhận được sự tin tưởng từ mọi người, đó là động lực để anh tiếp tục cố gắng cho con đường của Teach for Vietnam.
- Tường Lam