Lần đầu tiên, vở nhạc kịch Hoàng hậu Frédégonde (âm nhạc: Camille Saint-Saëns và Ernest Guiraud, lời hát: Louis Gallet) sẽ được trình diễn vào hai đêm 20, 21-10 tại Nhà hát TP.HCM. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn 120 năm vở nhạc kịch của nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới Camille Saint-Saëns được công diễn trở lại. Vở opera Hoàng hậu Frédégonde của Camille Saint-Saëns có một “số phận” kỳ lạ.
Theo nhà nghiên cứu người Anh Tim Doling – người chuyên nghiên cứu về Sài Gòn xưa – nhạc sĩ vĩ đại đã có chuyến du ngoạn đến Sài Gòn và Côn Đảo vào năm 1895. Trong thời gian ở Côn Đảo từ 20-3 đến 19-4-1895, ông Camille Saint-Saëns đã hoàn thiện vở opera Brunhide còn đang dang dở của người đồng nghiệp quá cố là Ernest Guiraud và đổi tên thành Hoàng hậu Frédégonde. Không biết vì lý do gì mà vở nhạc kịch này chỉ được công diễn tám suất ở Pháp vào năm 1895 rồi sau đó bị rơi vào quên lãng.
Hoàng hậu Frédégonde là câu chuyện về một giai đoạn lịch sử có thật của nước Pháp thời tiền Trung cổ. Đây là một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động và giao tranh xoay quanh vương quyền. Frédégonde xuất thân là một cô hầu phục vụ cho Audovera – vợ của vua Hilperic. Bà đã dùng âm mưu để chinh phục tình cảm của vua Hilperic và trở thành hoàng hậu với mong muốn thâu tóm mọi quyền lực trong tay mình. Từ khi trở thành hoàng hậu, Frédégonde mải miết thực hiện những tham vọng điên cuồng của mình khiến cho bao nhiêu bi kịch xảy ra nơi hoàng cung: vua cha Hilperic và con trai là Mérowig đối đầu nhau, chị em hoàng hậu Audovera bị đưa vào tu viện, kẻ tự sát, người thì bị tiêu diệt… Đây là vở bi kịch mang tính chất của Shakespeare và mang đậm hai cá tính âm nhạc của hai nhạc sĩ vĩ đại Ernest Guiraud và Camille Saint-Saëns trong cùng một tác phẩm. Vốn yêu thích văn hóa đặc trưng Á Đông, Camille Saint-Saëns đã để lại nhiều dấu ấn trong vở nhạc kịch này qua việc sử dụng các nhạc cụ như chiêng lớn, tam-tam và âm điệu từ kèn gỗ…
Trong buổi họp báo tại Dinh thự Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, nhạc trưởng Partrick Souillot (chỉ huy vở diễn) cho biết: “Đây sẽ là một vở diễn độc đáo và năng động. Âm nhạc như trong phim hành động, nhạc cụ đa dạng, dàn nhạc gồm nhiều nghệ sĩ và các em thiếu nhi. Các bạn sẽ ngạc nhiên vì tính hiện đại và mãnh liệt của ngôn ngữ”. Đạo diễn Caroline Blanpied bổ sung: “Tuy đây là một tác phẩm nói về những nhân vật có thật trong lịch sử thời Trung cổ của Pháp nhưng chúng tôi tái hiện mang màu sắc của kịch chứ không phải lịch sử”.
Cô cũng nói thêm rằng năm 24 tuổi đã dựng vở opera đầu tiên nên cũng không quá áp lực khi dựng một tác phẩm kinh điển như Hoàng hậu Frédégonde. Cô chỉ gặp một số khó khăn vì chỉ có thời gian luyện tập trong hơn hai tuần, một số khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ. Tuy nhiên, cô rất vui vì được hợp tác với các nghệ sĩ Việt Nam để hoàn thành một tác phẩm của nhà soạn nhạc tài danh. Nghệ sĩ Trần Nhật Minh (trợ lý chỉ huy, dàn hợp xướng) cho biết ê-kíp cũng gặp những khó khăn vì không có tư liệu về âm nhạc của tác phẩm Hoàng hậu Frédégonde để tham khảo, nghiên cứu âm nhạc trong lần phục dựng này.
Và, nghệ sĩ Sophie Leleu – người đã từng thủ vai Carmen trong vở opera cùng tên diễn tại Việt Nam, cho biết trong việc vào vai Hoàng hậu Frédégonde lần này: “Đây là lần đầu tiên tôi đóng một vai mạnh mẽ và tàn nhẫn đến như vậy. Đối với một nghệ sĩ opera, để thể hiện được tính cách nhân vật của mình thì màu giọng rất quan trọng. Cái thiện và cái ác của các nhân vật trong một vở opera được thể hiện qua chất giọng. Với nhân vật này, tôi phải tìm được tông cao nhất và thấp nhất”.
Trong lần công diễn này, sẽ có sự tham gia của các nghệ sĩ opera đến từ Pháp với số lượng lớn nhất từ trước đến nay gồm nhạc trưởng Patrick Souillot, đạo diễn Caroline Blanpied, sáu ca sĩ hát solo, huấn luyện thanh nhạc và giám đốc kỹ thuật. Các nghệ sĩ tại TP.HCM tham gia chương trình gồm: nhạc trưởng Trần Nhật Minh (trong vai trò trợ lý chỉ huy và dàn dựng hợp xướng), nghệ sĩ Gregory Notebaert (huấn luyện viên ngôn ngữ), cùng các nghệ sĩ opera của HSBO: Đào Mác, Võ Nguyễn Thành Tâm, Vũ Minh Trí, Lê Khánh Thy, dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc tại TP.HCM… Vở nhạc kịch Hoàng hậu Frédégonde gồm năm màn được diễn bằng tiếng Pháp và phụ đề tiếng Việt.
Để vở nhạc kịch Hoàng hậu Frédégonde được công diễn, ông Trần Vương Thạch (Giám đốc Nhà hát Giao hưởng và nhạc vũ kịch TP.HCM) cho biết mình đã trải qua một hành trình tìm kiếm trong nhiều năm. Sở dĩ có cuộc tìm kiếm này là vì lúc sinh thời, thầy của ông là NSND Quang Hải kể rằng trong một dịp đến Côn Đảo và thấy tấm bảng đồng đề dòng chữ “Nhạc sĩ đã hoàn thành tác phẩm Hoàng hậu Frédégonde tại nơi đây” bằng tiếng Pháp (sau này, ông Thạch có dịp ra Côn Đảo tìm lại tấm bảng đồng này nhưng đã bị thất lạc).
Ông Thạch bắt đầu hành trình tìm kiếm của mình ở Cục lưu trữ 2 nhưng chỉ tìm thấy lịch trình các chuyến tàu cập bến cảng Sài Gòn năm 1895 có một hành khách tên là Camille Saint-Saëns và sau đó vị khách này tiếp tục đi Côn Đảo. Trong một chuyến đi công tác ở châu Âu, nghệ sĩ Trần Vương Thạch tìm đến nhiều nơi, cuối cùng tìm thấy đầy đủ năm bản tổng phổ của vở opera Hoàng hậu Frédégonde tại thư viện của Nhà hát Opera Dé Paris – đây cũng là nơi tác phẩm này đã được trình diễn.
Nghệ sĩ Trần Vương Thạch vui mừng chia sẻ về việc Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, Viện Pháp tại Việt Nam, Tổ chức La Fabrique Opera đã hỗ trợ tổ chức các buổi diễn và kêu gọi tài trợ kinh phí. Chưa có con số cụ thể số tiền đầu tư cho vở này nhưng ông ước tính sẽ hơn 1 tỉ. Ông Thạch còn mong muốn sẽ có dịp đem tác phẩm này diễn ở Côn Đảo – nơi mà nó đã được hoàn thành.