Ngày nay, Nam Phi đang là quốc gia châu Phi thu hút trên 75% số công ty hàng đầu trên thế giới đầu tư và kinh doanh vào châu lục này. Họ nhắm trước hết vào môi trường kinh doanh ở những nước có một đời sống chính trị tương đối ổn định, hạ tầng cơ sở tốt, đường giao thông, điện năng và nhân công phù hợp với nhu cầu hoạt động của họ. Ở Nam Phi, đang có nhiều công ty, tập đoàn lớn hoạt động, từ hãng sản xuất ôtô chất lượng cao BMW đến các ngân hàng Standard Bank Group, Barclays Bank, Vodafone (một trong những công ty truyền thông lớn nhất thế giới), các hãng Volkswagen, General Electric… Các công ty hàng đầu thế giới cũng chú trọng đến một hệ thống luật pháp độc lập với bộ máy chính trị ở Nam Phi so với nhiều quốc gia khác tại châu Phi và các châu lục khác. Nhân công cũng là một yếu tố thu hút đầu tư quan trọng. Sau nhiều năm trải qua chính sách phân biệt chủng tộc, ngày nay đất nước này có thể cung cấp cho họ những nhân công có một trình độ giáo dục tốt, phù hợp với các tiêu chuẩn mà họ đặt ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, Nam Phi cũng có những mặt tiêu cực cần được khắc phục dần, trong đó có mức độ tội phạm cao, nhất là ở thành thị… Nhiều nước châu Phi khác đang thay đổi dần guồng máy hoạt động về các mặt kinh tế, chính trị và xã hội và đang có sức thu hút đáng kể đối với các công ty hàng đầu thế giới. Theo tiến sĩ Mukhisa Kituyi, Tổng thư ký Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), ngày nay, trong ngành công nghiệp dịch vụ tài chính, Maroc là nước phát triển nhanh hơn Nam Phi, một số cơ sở đầu tư – kinh doanh quốc tế đã di chuyển từ Nam Phi sang nước khác, chẳng hạn hãng chế tạo ôtô Volvo đang đầu tư ở thành phố Mombasa của Kenya, nhiều công ty dịch vụ vô tuyến viễn thông quốc tế đang hoạt động ở Nigeria, Kenya hay Rwanda.
Điều đặc biệt hơn cả là hiện nay mô hình công tư hợp doanh (PPPs: Public-Private Partnerships) đang phát triển mạnh tại châu Phi, theo đó các công ty cung cấp vốn và nhà nước đảm bảo một môi trường kinh doanh có hiệu quả. Trong 10 năm qua, châu lục này đã hình thành nhiều mô hình PPPs có hiệu quả về hạ tầng cơ sở, điện lực, y tế và vô tuyến viễn thông. Ngày nay dù mô hình này còn đứng trước nhiều thử thách, nhưng vẫn là một trong những sức hút quan trọng trong mối quan hệ giữa châu Phi và cộng đồng kinh tế thế giới.
- Lê Nguyễn tổng hợp
Xem thêm: