Trong mùa giải Nobel năm nay, ưu thế vẫn thuộc về các nhà khoa học Mỹ. Trong chín nhà khoa học được trao các giải Nobel Y học, Vật lý và Hóa học, có đến bảy người Mỹ!
Giải Nobel Y học được trao cho ba nhà khoa học Mỹ: Jeffrey C. Hall, sinh năm 1945 tại New York, hiện giảng dạy tại Trường ĐH Maine, bang Maine (Mỹ); Michael Rosbash, sinh năm 1944 tại Kansas, bang Missouri, hiện dạy tại Trường ĐH Brandeis, bang Massachusetts (Mỹ) và Michael W. Young, sinh năm 1949 tại Miami, bang Florida, đang giảng dạy tại ĐH Rockefeller, bang New York (Mỹ).
Ba nhà khoa học được trao giải nhờ các công trình nghiên cứu nhằm giải mã những bí ẩn của đồng hồ sinh học trong cơ thể con người. Đây là vấn đề thiết thực liên quan đến sức khỏe con người, song đến nay chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo.
Giải thưởng trị giá tương đương 1,1 triệu USD được chia đều cho ba nhà khoa học.
Giải Nobel Vật lý được trao cho ba nhà khoa học Mỹ: Rainer Weiss, sinh năm 1932 tại Berlin (Đức), giáo sư bộ môn Vật lý Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ); Kip S. Thorne, sinh năm 1940 tại Logan, bang Utah (Mỹ), giảng dạy tại ĐH Princeton (Mỹ) và Barry C. Barish, sinh năm 1936 tại Omaha, bang Nebraska (Mỹ), giáo sư bộ môn Vật lý Viện Công nghệ California (Mỹ).
Ba nhà khoa học trên đã phát hiện sự hiện diện của sóng hấp dẫn di chuyển với tốc độ của ánh sáng, một vấn đề được nhà bác học Einstein đề cập đến nhưng chưa có ai tìm ra.
Giải thưởng được chia không đều nhau: giáo sư Rainer Weiss được hưởng phân nửa; hai nhà khoa học kia chia đều nửa còn lại.
Giải Nobel Hóa học được trao cho ba nhà khoa học: Jacques Dubochet, sinh năm 1942 tại Aigle (Thụy Sĩ), giáo sư danh dự về Lý Sinh học Trường ĐH Lausanne (Thụy Sĩ); Joachim Frank, sinh năm 1940 tại Siegen (Đức), giáo sư môn Hóa Sinh học và Lý Sinh học phân tử tại ĐH Columbia (Mỹ) và Richard Hendrson, sinh năm 1945 tại Edinburgh (Scotland), hiện công tác tại Phòng Thí nghiệm Sinh học phân tử Mercurol, Cambridge (Anh).
Ba nhà khoa học đã tạo ra được loại kính hiển vi điện tử nhiệt độ thấp có độ phân giải cực cao, giúp nhìn thấy rõ những phân tử nhỏ nhất. Sự sáng tạo của họ sẽ góp phần rất lớn vào nhiều lĩnh vực khoa học, đặc biệt là ngành y khoa.
Giải thưởng được chia đều cho ba nhà khoa học.
Giải Nobel Văn học được trao cho nhà văn Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro, sinh năm 1954 tại Nagasaki (Nhật Bản), cùng gia đình di cư đến Anh năm 1960. Lớn lên, ông theo học tại các đại học Kent và East Anglia (Anh); sau khi tốt nghiệp, ông làm công tác từ thiện, giúp người vô gia cư. Ngoài tám tác phẩm chính bằng tiếng Anh, ông còn viết nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đức… và nhiều kịch bản cho phim truyện, phim truyền hình.
Theo bà Sara Danius, Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, văn phong của Kazuo Ishiguro là sự pha trộn của Jane Austen và Franz Kafka, song “ông thêm một chút Marcel Proust vào trong hỗn hợp và rồi khuấy đều”.
Giải Nobel Hòa bình được trao cho tổ chức Chiến dịch quốc tế bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN).
Từ một tổ chức đơn lẻ hình thành tại nước Úc, ngày nay ICAN là một liên minh các tổ chức phi chính phủ toàn cầu, đã có những hoạt động nhằm cảnh báo nhân loại về các thảm họa nhân đạo của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời cũng nỗ lực nhằm đạt đến những hiệp ước cấm chỉ các loại vũ khí này.
Xem thêm:
- Giải Nobel Kinh tế 2016: Nghiên cứu về công bằng trong hợp đồng
- Giải Nobel 2016, châu Á hãnh diện vì có Yoshinori Ohsumi
- Giải Nobel 2015: Sự vươn lên của các nhà khoa học châu Á