Chính phủ, ngân hàng cùng các doanh nghiệp về tài chính và công nghệ đang tích cực chung tay vào kế hoạch lớn của Việt Nam là tiến tới một nền kinh tế không tiền mặt.
Theo đó, kế hoạch đến năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% đồng thời thúc đẩy thanh toán điện tử khi mua sắm, tiêu dùng. Nhưng kế hoạch này sẽ chỉ là một giấc mơ nếu không quan tâm đến việc thay đổi thói quen và niềm tin của người dân.
Nhiều tiêu cực được hạn chế trong nền kinh tế không tiền mặt
Đến năm 2025, nền kinh tế phi tiền mặt có thể mang đến 3,7 ngàn tỉ USD về tăng trưởng GDP, tạo ra thêm 95 triệu việc làm trên mọi lĩnh vực và giúp giảm thất thoát 110 tỉ USD mỗi năm ở các quốc gia đang phát triển, theo báo cáo của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey. Tổ chức Liên minh Không tiền mặt thuộc Liên Hiệp Quốc đã khẳng định nhiều ích lợi của việc chuyển đổi từ phương thức thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử. Việt Nam đã gia nhập Liên minh Không tiền mặt và đang tích cực triển khai Chiến lược phát triển các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2012-2020.
Nhiều nước láng giềng của Việt Nam như Singapore, Malaysia, Thái Lan cũng đã tiến nhanh đến một nền kinh tế không tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán điện tử từ 80% – 90%. Theo báo cáo của Công ty thanh toán quốc tế MasterCard, nhờ giao dịch thẻ, các nước này đã tiết kiệm được 1% GDP so với giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nhấn mạnh về sự cần thiết của một nền tảng thanh toán gọn nhẹ, bao gồm các dịch vụ nhận dạng trực tuyến để phục vụ cho các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, Singapore là một trong ba nước có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cao nhất thế giới. Chỉ sau hai triển khai chiến dịch Tầm nhìn số hóa 2020, số giao dịch điện tử tại Indonesia đã tăng từ 28% lên 42% tổng giao dịch toàn quốc, theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Indonesia.
Thực tế tại Việt Nam và nhiều nước khác cho thấy, nền kinh tế tiền mặt đã tạo điều kiện cho tham nhũng, hối lộ, rửa tiền và nhiều tiêu cực khác. Khi lượng tiền mặt lưu thông quá lớn sẽ tạo ra nhiều khoảng tối, các cơ quan chức năng không đánh giá được hết xuất xứ của nguồn tiền, giá trị thật của các giao dịch, từ đó dẫn đến khó kiểm soát được dòng chảy của đồng tiền. Ngoài ra, việc sử dụng tiền mặt lớn trong giao dịch còn gây ra chi phí khá tốn kém cho khâu in ấn, vận chuyển và bảo quản. “Khi thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, nó sẽ tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng hơn”, tiến sĩ tài chính Trịnh Thanh Huyền nói.
Nhiều điều kiện thuận lợi cho hệ thống tài chính số
Trong những năm gần đây, sự phát triển của ngân hàng số đã hỗ trợ cho các dịch vụ trả lương, nộp thuế, thanh toán… trở thành một cuộc cách mạng trong dịch vụ tài chính của doanh nghiệp Việt Nam. Không ít doanh nghiệp tích cực với việc số hóa trong quản lý, như Công ty Truyền thông DigiPencil MVV không chỉ trả lương qua ngân hàng mà các thanh toán khác đều dùng thẻ tín dụng doanh nghiệp. Ngoài ra, trong thanh toán chi phí đi lại, công ty dùng dịch vụ Grab for work và chi trả qua thẻ. Anh Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc DigiPencil MVV cho biết đối với doanh nghiệp, thanh toán trực tuyến có hai lợi ích quan trọng, thứ nhất là giảm chi phí quản lý tài chính, thứ hai là giúp cho việc ghi nhận các dữ liệu thanh toán một cách chính xác và đầy đủ, từ đó việc thực hiện phân tích, đo lường chi phí của doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Theo đại diện của Ngân hàng Đông Á, doanh số chi lương hằng tháng tại DongA bank đạt hơn 3.400 tỉ đồng với hơn 500.000 tài khoản nhận lương. Mỗi tháng ở TP. Hồ Chí Minh có gần 2.000 đơn vị chi lương thường xuyên với gần 300.000 tài khoản nhận. Việc trả lương qua ngân hàng giúp tiết giảm được nhiều chi phí liên quan như: nhân sự, thời gian kiểm đếm tiền, thời gian ký nhận chi lương… đồng thời hạn chế được các rủi ro về tiền rách, tiền giả hoặc sự an toàn trong quá trình vận chuyển tiền của đơn vị. Ngoài phát triển dịch vụ chi trả lương, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều giải pháp khai thác thị trường thanh toán trực tuyến. Chẳng hạn như hệ thống Core banking của VietinBank đưa ra giải pháp tích hợp đa kênh đồng nhất, hỗ trợ giao dịch trực tuyến 24/7. Sacombank cũng hợp tác với các công ty thanh toán toàn cầu Visa và MasterCard để đưa ra công nghệ thanh toán di động không tiếp xúc, giúp bảo mật thông tin…
Thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. Năm 2015 thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam đạt trên 4,07 tỉ USD và dự kiến tăng 7,5 tỉ USD sau mười năm. Theo đó, không chỉ có ngân hàng mà các công ty công nghệ cũng đang chạy đua trong việc đưa ra các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Như Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) đã nâng vốn đầu tư lên 150 tỉ đồng để hoàn thiện dịch vụ trung gian thanh toán Payoo. Ví điện tử WebMoney cũng mới ra mắt phiên bản toàn cầu tại Việt Nam sau năm năm hoạt động nhằm cạnh tranh với các phương thức thanh toán điện tử của các ngân hàng thương mại. Sự hợp tác của Samsung với Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) mới đây đã cho ra mắt giải pháp thanh toán trên điện thoại di động Samsung. Vingroup, Grab và một số tập đoàn khác cũng đã phát hành thẻ thanh toán với nhiều ưu đãi như quà tặng, giảm giá khi mua sắm và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ về bất động sản, nghỉ dưỡng, ẩm thực, vui chơi giải trí… nhằm khuyến khích người dùng thanh toán qua thẻ.
Khó thay đổi niềm tin ở người dân
Hầu hết các công ty thanh toán đa quốc gia đều có cái nhìn lạc quan về thị trường thanh toán trực tuyến của Việt Nam. Ông Sean Preston – Giám đốc Visa tại Việt Nam – Lào – Campuchia nói rằng thanh toán trực tuyến sẽ bùng nổ thành xu hướng thanh toán an toàn và tiện lợi tại Việt Nam, hiện có khoảng 70% người tiêu dùng mua hàng trên điện thoại thông minh một lần mỗi tháng. Tuy nhiên, những nhà đầu tư như Visa có thể sẽ bất ngờ với thói quen mua sắm qua mạng nhưng thanh toán bằng tiền mặt của người Việt. Có thể thấy, để thay đổi tư duy “không tiền mặt”, thì không chỉ là sự thay đổi ở hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp hay các bộ, ngành liên quan mà quan trọng hơn là làm sao để giúp người dân thay đổi nhận thức, thói quen của mình. Số liệu năm 2014 của Global Findex cho thấy, chỉ một phần ba số người Việt trưởng thành có tài khoản giao dịch tại một ngân hàng nào đó. Nhiều người quan niệm rằng tiền mặt mới là tiền của mình, còn việc dùng thẻ không an toàn và giao dịch với ngân hàng cần nhiều giấy tờ phức tạp. Hơn 55% người cảm thấy lo lắng về lừa đảo ngân hàng trực tuyến, 57% thường bất an về khả năng bị thâm nhập khi thực hiện giao dịch ngân hàng trực tuyến, theo khảo sát được thực hiện bởi Công ty Nghiên cứu B2B International và Kaspersky Lab. Hơn nữa, các chương trình mua sắm ghi nợ đã tạo tâm lý tiêu dùng vượt khả năng, dẫn đến chuyện vỡ nợ, khiến người dùng hoang mang. Nếu không có bước giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán trực tuyến, tạo cảm giác an toàn và thuận tiện khi sử dụng thẻ ghi nợ nói riêng và các dịch vụ ngân hàng nói chung, thì e là việc triển khai thanh toán không tiền mặt sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 25 nước được ưu tiên trong sáng kiến Phổ cập tiếp cận tài chính (UFA) của Ngân hàng Thế giới đến năm 2020. Theo bà Ceyla Pazarbasioglu, Giám đốc chương trình hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Thế giới, bước đầu tiên trong dự án UFA là giúp 48 triệu người ở độ tuổi trưởng thành mở một tài khoản ngân hàng, từ đó họ mới có thể sử dụng các dịch vụ tiết kiệm, thanh toán, vay vốn và mua bảo hiểm. Theo bà thì các khoản trợ cấp của chính phủ cho người dân cũng cần được thực hiện qua các giao dịch ngân hàng.
Nói về mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020, anh Nguyễn Tiến Huy cho rằng đây là giấc mơ quá… xa vời! “Điều này chỉ có thể trở thành hiện thực khi Việt Nam xuất hiện một “ông lớn” giống như dịch vụ thanh toán trực tuyến Wechat tại Trung Quốc, đồng thời chính phủ buộc người dân phải sử dụng thanh toán trực tuyến trong mọi giao dịch hành chính”, anh nói.
- Thanh Nhã