Khoảng 140 nhà xuất khẩu gạo có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi hàng loạt điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo dự kiến sẽ bị loại bỏ với dự thảo nghị định mới do Bộ Công thương soạn thảo, trong đó có vấn đề mà các doanh nghiệp xuất khẩu lâu nay là vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sẽ bị hạn chế đến mức nào.
Bộ Công thương đã hoàn tất việc lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo đó, những điều kiện kinh doanh trước đây gây cản trở cho doanh nghiệp sẽ bị loại bỏ như: quy định thương nhân phải sở hữu ít nhất một kho chuyên dùng sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và ít nhất một cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ và phải nằm trên địa bàn các tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu gạo. Chính các điều kiện này góp phần đáng kể tạo thế độc quyền xuất khẩu gạo cho VFA.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo cao cấp tuy số lượng nhỏ nhưng danh tiếng tốt đã không đáp ứng được các yêu cầu trên đây, dẫn đến bị hạn chế năng lực xuất khẩu như trường hợp doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp), Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (Cà Mau). Do vậy, quy định này bị loại bỏ vì trở thành rào cản đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường.
Quy định về địa bàn xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh cũng bị loại trong dự thảo mới. Quy định khống chế địa bàn này tạo rào cản không bình đẳng giữa các địa phương, thương nhân trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, thể hiện sự can thiệp hành chính đối với quyền tự do cân nhắc, quyết định địa bàn đầu tư của doanh nghiệp.
Quy định về dự trữ lưu thông cũng được giảm đi. Hiện nay, Nghị định 109 quy định thương nhân phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo thương nhân đã xuất khẩu sáu tháng trước đó. Tuy nhiên, quy định này khiến thương nhân bị tồn đọng vốn, phát sinh chi phí, tăng gánh nặng nên cũng được Bộ Công thương đề nghị giảm xuống còn 5%.
Việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo cũng là một thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vướng mắc lớn nhất là việc tổ chức đăng ký hợp đồng của VFA tiếp tục có nhiều ý kiến không đồng tình, quan ngại vấn đề bảo mật thông tin của doanh nghiệp khi đăng ký hợp đồng, thậm chí coi đây là một thủ tục cản trở xuất khẩu cần bãi bỏ để tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Do vậy, thủ tục này cũng được đề nghị bỏ.
Bộ Công thương cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo thuận lợi, thông thoáng hơn cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Như bỏ quy định thực hiện thủ tục kiểm tra, xác nhận điều kiện kinh doanh của Sở Công thương cấp tỉnh, thay vào đó là cơ chế thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về cam kết đáp ứng điều kiện kinh doanh, chỉ tổ chức hậu kiểm. Bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định giá sàn gạo xuất khẩu.
Dự thảo Nghị định đồng thời bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký xuất khẩu với VFA, thay bằng cơ chế thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương.
Ước tính với các quy định tháo gỡ vừa nói, số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ tăng thêm khoảng từ 60% đến 70% so với hiện nay, chưa kể nhiều thương nhân khác sẽ được trực tiếp xuất khẩu các mặt hàng gạo đặc thù mà không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh, không cần xin cấp Giấy chứng nhận.
Theo quy định hiện hành thì VFA độc quyền trong việc phân bổ các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung qua kênh Chính phủ. Song lãnh đạo của hiệp hội đồng thời lại là lãnh đạo của hai doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là Tổng công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc nên hạn chế rất nhiều khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu khác nằm ngoài hai tổng công ty này. Nay, Bộ Công thương vẫn giữ quy định cho phép VFA phân bổ 80% chỉ tiêu hợp đồng tập trung nhưng việc phân bổ này trên cơ sở các quy định sẵn có trong nghị định, không phải VFA có toàn quyền định đoạt.
Cà phê, một nông sản có thế mạnh xuất khẩu của chúng ta được thừa hưởng cơ chế thông thoáng thời gian qua, năm nay đang về đích sớm. Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (Vicofa) dự báo, niên vụ cà phê 2016-2017, xuất khẩu đạt 1,3 triệu tấn, tuy giảm khoảng 20% so với niên vụ trước, nhưng kim ngạch thu về có thể tương đương 3,35 tỉ USD bao gồm cả cà phê chế biến, nhờ giá xuất khẩu tăng 30,4%.
Theo thống kê sơ bộ của Hải quan Việt Nam, từ ngày 1-1 đến 15-8, xuất khẩu cà phê đạt 974.712 tấn, với giá trị 2,22 tỉ USD. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 16% và 14,3%.
Theo Vicofa, số liệu thống kê của Hải quan lấy mốc từ tháng 1-2017, nhưng ngành cà phê lấy niên vụ làm mốc thời gian tính toán, và hằng năm vụ thu hoạch cà phê thường bắt đầu từ tháng 10, kết thúc vào cuối tháng 11. Tính từ đầu vụ đến nay, cả nước đã xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn cà phê, còn tồn kho dưới 50 ngàn tấn, trong niên vụ này chắc chắn sẽ thiếu hàng nghiêm trọng, vì trên thực tế phải đến giữa tháng 11 mới vào vụ. Như vậy, rõ ràng giá cà phê từ nay đến cuối năm không thể nào xuống được.
Hiện giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng 1.000 đồng/kg, dao động ở mức 44.300-45.100 đồng/kg.
Một thông tin lạc quan là Brazil cần nhập khẩu cà phê Robusta cho ngành công nghiệp rang xay và cà phê hòa tan, do vụ mùa năm trước Brazil bị thất thu nghiêm trọng. Nhu cầu cà phê Robusta toàn cầu đang tăng trưởng tốt hơn Arabica, nhất là tại thị trường châu Á và các thị trường mới nổi càng củng cố thêm việc tăng giá cà phê trên thị trường xuất khẩu.
Thị trường hàng hóa biến động chủ yếu do các nhà đầu tư trên sàn giao dịch đẩy giá lên, xuống nhưng về xu hướng do nguồn hàng thiếu thật sự nên giá thị trường vẫn bắt buộc phải lên.
Niên vụ 2016-2017, mặc dù cà phê Việt Nam bị mất mùa nhưng có thể xem là năm thuận lợi do sản lượng cà phê toàn cầu giảm, đặc biệt là mất mùa ở Brazil là tác nhân chính tác động và đẩy giá cà phê toàn cầu tăng lên.
Tuy nhiên, cho dù là nước xuất khẩu cà phê Robusta số 1 thế giới nhưng lâu nay Việt Nam xuất khẩu cà phê chủ yếu ở dạng thô không mang lại giá trị gia tăng cao.
Trước đây, xuất khẩu cà phê hòa tan có tỷ lệ rất thấp so với cà phê thô nhưng nay đã tăng lên khoảng 15%, hiện các doanh nghiệp cà phê đang bắt đầu đầu tư nhà máy chế biến cà phê hòa tan và phấn đấu nâng lên mức 30%. Tuy nhiên, mới đây nổi lên một vấn đề khiến các nhà đầu tư lo lắng, đó là việc Bộ Tài chính đang kiến nghị Chính phủ cho áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một số loại nước giải khát, và cà phê chế biến đóng gói cũng bị liệt vào nhóm hàng này.
Một doanh nghiệp chế biến cà phê hòa tan cho biết: “Khi các doanh nghiệp đang chuẩn bị đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê hòa tan đóng gói, Bộ Tài chính lại đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên cà phê hòa tan, như vậy sẽ không còn ai dám đầu tư và mục tiêu đưa xuất khẩu cà phê chế biến lên 30%/năm của Việt Nam đang gặp khó khăn, trong khi chủ trương Nhà nước là đang rất khuyến khích. Do vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc điều chỉnh thuế đối với mặt hàng này”.
- Gia Minh
Xem thêm: