SAT (Scholastic Aptitude Test hoặc Scholastic Assessment Test) là kỳ thi quan trọng để đánh giá kiến thức tự nhiên và xã hội, đánh giá trình độ thí sinh đầu vào của chương trình cử nhân tại một số trường đại học Hoa Kỳ.
Điểm thi SAT thường được các trường đại học Hoa Kỳ sử dụng làm một trong những căn cứ thiết yếu để xét tuyển sinh viên đại học và xét cấp học bổng vì qua SAT sẽ đánh giá được kỹ năng học tập cần thiết mà sinh viên đại học cần có bao gồm kỹ năng đọc tài liệu có hiệu quả, khả năng suy luận tính toán và giải các bài toán, vốn từ vựng phong phú, khả năng hiểu và phán đoán được các từ ngữ mới theo ngữ cảnh. Điểm thi SAT có giá trị trong vòng năm năm.
Kỳ thi SAT được quản lý bởi tổ chức phi lợi nhuận College Board của Hoa Kỳ, và được phát triển bởi tổ chức ETS – Educational Testing Service (tổ chức giáo dục chuyên về dịch vụ thi cử).
Theo College Board, bài thi SAT đo khả năng suy nghĩ tích cực của một học sinh – đây là một khả năng rất cần thiết để đạt được thành công về mặt học tập trong quá trình học đại học. Bài thi SAT đánh giá cách bạn phân tích và tìm lời giải cho các câu hỏi – những kỹ năng bạn đã học trong trường học và sẽ cần dùng đến khi học đại học. Đối tượng chủ yếu của kỳ thi SAT là học sinh lớp 11, 12.
SAT được tổ chức mỗi năm bảy lần ở Mỹ và Puerto Rico, sáu lần ở nhiều nước trên thế giới, với nội dung và ngày thi như nhau. Vì vậy, học sinh có thể đăng ký dự thi vào những thời điểm thuận lợi nhất cho mình, đồng thời có thể thi nhiều lần để lấy điểm cao. Thường thường, các học sinh đăng ký dự thi SAT vào những năm cuối bậc THPT để có sẵn điểm chuẩn bị cho việc nộp đơn vào đại học.
Ở Việt Nam, kỳ thi SAT được tổ chức sáu lần trong một năm vào các tháng 10, 11, 12, 1, 5 và 6. Lệ phí cho mỗi lần thi (đối với thí sinh quốc tế) là 68 USD. Bạn có thể đăng ký tham dự kỳ thi qua mạng bằng cách đăng nhập một tài khoản tại http://www.collegeboard.com/ hoặc đăng ký bằng cách gửi thư qua đường bưu điện.
Nội dung thi SAT
Có hai chương trình:
+ Chương trình SAT I (Reasoning Test) gồm các nội dung: đọc chuyên sâu, viết luận và toán (trong đó có cả số học, đại số, hình học và xác suất thống kê).
+ Nếu muốn giành học bổng thì học sinh gần như bắt buộc phải tham gia thêm kỳ thi SAT II (Subject Test) với việc lựa chọn ba trong số các môn học khác như: văn học, lịch sử (lịch sử Mỹ và lịch sử thế giới), toán (toán I và toán II), lý, hóa, sinh, ngoại ngữ (tiếng Trung, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hebrew hiện đại, Italy, Latin, Nhật, Hàn)…
Cấu trúc đề thi SAT
• Một kỳ thi SAT Reasoning Test sẽ diễn ra trong 3 giờ 45 phút. Đề thi SAT được chia thành 10 phần, bao gồm ba môn chính.
1. Môn thi thứ nhất: Môn đọc chuyên sâu (Critical Reading) bao gồm ba phần có 67 câu hỏi trắc nghiệm.
• Phần 1 (25 phút): tám câu điền vào chỗ trống (Sentence Completion) và 16 câu đọc hiểu (Passage-based Reading)
• Phần 2 (25 phút): năm câu điền vào chỗ trống và 19 câu đọc hiểu
• Phần 3 (25 phút): sáu câu điền vào chỗ trống và 13 câu đọc hiểu
2. Môn thi thứ hai: Môn toán (Math) bao gồm ba phần có 44 câu hỏi trắc nghiệm và 10 câu điền kết quả (Grid-In). Trong phần thi này, học sinh được dùng máy tính.
• Phần 1 (25 phút): 20 câu trắc nghiệm
• Phần 2 (25 phút): tám câu trắc nghiệm và 10 câu điền kết quả
• Phần 3 (20 phút): 16 câu trắc nghiệm
3. Môn thi thứ ba: Môn viết (Writing) bao gồm ba phần có 49 câu hỏi trắc nghiệm và một bài tiểu luận.
• Phần 1 (25 phút): Một bài tiểu luận (essay)
• Phần 2 (25 phút): 11 câu sửa lỗi (Improving Sentence), 18 câu tìm lỗi (Identifying Sentence Error) và sáu câu sửa đoạn văn (Improving Paragraph)
• Phần 3 (10 phút): 14 câu sửa lỗi
Cách chấm điểm kỳ thi SAT
• Tất cả câu trắc nghiệm: 1 điểm cho mỗi câu trả lời đúng, -0,25 điểm cho mỗi câu trả lời sai, 0 điểm cho mỗi câu không trả lời.
• Điền kết quả (môn toán): 1 điểm cho mỗi câu trả lời đúng, 0 điểm cho mỗi câu trả lời sai hoặc không trả lời.
• Tiểu luận: mỗi bài tiểu luận sẽ được chấm bởi hai giám khảo, mỗi người cho một điểm số từ 1 đến 6. Tổng của hai giám khảo sẽ cho ra điểm gốc của bài tiểu luận từ 2 đến 12. Nếu điểm số của hai giám khảo sai khác trên 1 điểm thì một giám khảo thứ ba sẽ chấm và giải quyết sự sai khác đó.
• Tổng điểm gốc (đã được làm tròn) của từng môn sẽ được chuyển thành điểm thực (từ 200 đến 800) bằng một bảng đổi điểm (conversion table). Bảng đổi điểm này sẽ thay đổi theo từng kỳ thi, phụ thuộc nhiều vào chất lượng thí sinh và độ khó của đề thi. Vì vậy nếu bạn gặp phải một kỳ thi khó hơn bình thường thì điểm số của bạn cũng sẽ không bịảnh hưởng quá nhiều.
Một vài lời khuyên để đạt điểm cao trong kỳ thi SAT
• Đọc hiểu
– Học càng nhiều từ mới càng tốt. Cách hiệu quả nhất để học từ mới là học theo flash cards. Bạn có thể làm flash cards theo word list, hoặc tự lên danh sách các từ mà mình chưa thuộc để học.
– Một cách hiệu quả khác để học từ mới là học theo ngữ cảnh và học theo gốc của từ. Học theo ngữ cảnh giúp bạn dễ hình dung nghĩa của từ, tránh tình trạng học vẹt. Học theo gốc giúp bạn đoán nghĩa hoặc sắc thái nghĩa của từ.
– Luyện đọc sách, báo, tạp chí, bài viết… bằng tiếng Anh. Vì đoạn văn trong phần đọc hiểu có nội dung rất đa dạng, bao gồm nhiều lĩnh vực, việc đọc các tài liệu trong mọi lĩnh vực sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho phần này. Đọc nhiều giúp bạn quen với các từ dùng trong từng lĩnh vực, cách vận dụng từ trong câu, các cấu trúc câu thường gặp…
– Đối với câu hỏi hoàn thành câu: để ý kỹ đến ngữ cảnh. Trước khi đọc các đáp án, thử tự hình dung xem từ cần điền vào chỗ trống là từ như thế nào: có nghĩa tích cực hay tiêu cực…, tự điền đáp án của bản thân bạn (nếu có thể), rồi đem so sánh đáp án của bạn với đáp án đã cho, đồng thời loại bỏ các đáp án không thích hợp. Sau khi đã chọn được đáp án, thử điền từ đó vào câu và đọc cả câu xem lựa chọn của bạn đã hợp lý chưa.
– Đối với câu hỏi đọc hiểu đoạn văn, nên tranh thủ xác định chủ đề, ý chính, luận điểm, giọng điệu… của đoạn văn trong khi đọc. Để ý đến những từ, cụm từ, câu có vai trò quan trọng trong đoạn.
Đây là phần mà hầu hết học sinh Việt Nam đều rất sợ, không chỉ vì độ phức tạp, lòng vòng, nhiều từ mới mà còn bởi độ dài. Tuy nhiên:
Phần điền từ có lẽ sẽ là khá dễ dàng với những bạn nào chăm chỉ học từ mới. Mỗi ngày bạn cố gắng học khoảng 20 từ, chú ý là nhớ theo nghĩa tiếng Anh và nhớ cả những từ đồng nghĩa và trái nghĩa nữa. Điều này rất quan trọng!
Với phần đọc và trả lời câu hỏi, trong các bài đọc ngắn, các bạn nên đọc câu hỏi trước rồi mới quay lại đọc bài đọc.
Cách này giúp bạn rút ngắn nhiều thời gian do đã biết trước mục tiêu cần trả lời. Trong các bài đọc dài, với những câu đòi hỏi bạn phải nhìn bao quát một bức tranh toàn cảnh, thì hãy để xuống cuối cùng đã; còn với những câu khác, bạn hãy vẫn đọc trước từng câu một, đọc câu nào thì quay ngay ra bài đọc để tìm thông tin trả lời, xong rồi mới tiếp đến câu khác.
Nhớ rằng các câu hỏi này cũng được sắp xếp theo trình tự, thế nên cố gắng trả lời theo trình tự đó nhé. Một lưu ý khác với các bạn thường xuyên luyện tập đó là các câu hỏi hầu như đều theo những khuôn mẫu có sẵn, vì vậy luyện tập thường xuyên giúp bạn ghi nhớ một cách dễ dàng.
• Viết
– Bài luận văn: Luyện tập viết càng nhiều càng tốt. Có thể viết về mọi lĩnh vực. Nên có một quyển “nhật ký”, mỗi ngày bạn có thể viết một ít trong đó, có thể chỉ là viết về những việc trong cuộc sống hằng ngày, không nhất thiết phải viết về những vấn đề to tát. Mục đích chính của việc này là để bạn làm quen với việc tư duy trong tiếng Anh. Viết càng nhiều, bạn sẽ càng quen, sẽ có thể diễn đạt ý trôi chảy hơn và tốn ít thời gian hơn. Song song với việc đó là tập viết luận văn theo đề SAT. Thời gian đầu có thể không cần tính thời gian, điều cốt yếu là viết cho trau chuốt, viết hết khả năng của bạn. Sau khi đã quen với kiểu viết của SAT, bắt đầu tính thời gian như khi thi thật.
– Đối với các câu hỏi trắc nghiệm: ngoài các vấn đề ngữ pháp, bạn cũng nên chú ý đến cách dùng của các dấu câu như dấu phẩy, dấu chấm phẩy, dấu hai chấm…, vì có nhiều khi lỗi sai của câu nằm ở chính những dấu câu này.
Trong phần viết luận, tốt nhất các bạn nên xây dựng nền tảng từ sáu tháng trước, bằng cách luyện viết nhật ký bằng tiếng Anh mỗi ngày (có thể viết về bất cứ câu chuyện nào bạn gặp trong ngày, cố gắng diễn đạt bằng tiếng Anh, điều này giúp ích cho quá trình viết các bài luận gửi cho trường sau này nữa đấy).
• Toán
– Ôn lại các kiến thức toán đã học ở cấp III. Bài thi SAT không khó, nhưng kiểm tra một mảng kiến thức rất rộng, nên bạn cần ôn hết, không bỏ sót phần nào.
– Chú ý các dạng toán mà Việt Nam ít gặp như toán xác suất, đọc biểu đồ, toán logic…
Cuối cùng, các bạn chú ý thời điểm học thi: học sinh Việt Nam thường chuẩn bị luyện thi SAT từ năm lớp 10 và lớp 11 để có thể thi thật vào cuối năm lớp 11 và đầu năm lớp 12. Thời gian trung bình để xây dựng kiến thức và kỹ năng cần thiết cho SAT kéo dài từ sáu đến 12 tháng.
Mộc An tổng hợp