Bước vào không gian mới của Hum Vegetarian, khách đến như có cảm giác đang ở dưới mái nhà thân thương nơi chốn quê xưa. Giản dị và chân tình, đúng theo cái cách mà đơn vị thiết kế mong muốn: “Một nơi không cần phải có dấu ấn của nhà thiết kế hay chủ đầu tư”.
Từ mong muốn của chủ đầu tư là tạo được sự kết nối giữa con người với không gian và ẩm thực chay, thiên về tự nhiên, các nhà thiết kế đã tạo nên một công trình hết sức bình dị, để mọi thành tố kiến trúc, nội thất, trang trí cứ tự nhiên kết hợp với nhau. Một công trình như không cần có dấu ấn của người thiết kế, không cố gắng tạo ra sự chuyên nghiệp và một “câu chuyện” gượng ép nhằm thu hút chú ý… Đó là cách khá hay để đảm bảo được sự thuần nhất của không gian, giữ lại được cái tình cảm quý giá mà kiến trúc có thể mang đến cho con người.
Có vẻ nhờ vậy mà tinh thần chung của không gian trở nên nhẹ nhàng và chuyển biến duyên dáng từ sân trước vào đến khu vực trong nhà, lan tỏa ra các hàng hiên và rộng mở ở khoảng sân trong rộng thênh thang, vừa có nơi để thực khách thoải mái ngồi theo nhóm nhỏ, vừa có khu vực dành cho các buổi họp mặt đông người. Nội thất cũng được tổ chức đa dạng về chủng loại để có thể tương thích với tình thế: bàn ghế cao ở khu vực trong nhà; ghế mây bọc đệm, sofa rộng rãi ở hàng hiên; các bộ bàn lớn đi kèm ghế băng bằng gỗ rất linh động, dễ dàng di chuyển khi cần khoảng trống cho sân trong.
Đôi chút hoài niệm phảng phất trong không gian của Hum như gợi nhắc tình quê xưa. Các chi tiết được “rải” mỗi nơi một chút, cũng theo một cách thật tự nhiên: khạp sành xếp cùng với kính cường lực để thành kệ trưng bày; ngói âm dương ốp cho mặt trong của tường rào; tấm phên đan che nắng ở hiên sau, ngay phía trên quầy salad để tạo dấu hiệu đặc trưng của hệ thống nhà hàng… Cách bố trí mặt bằng cũng vừa phải, không làm ảnh hưởng đến những gốc sanh, si cổ thụ sẵn có trong sân. Và dưới những tàng cây, mái ngói đỏ của căn biệt thự cứ thấp thoáng như một mảnh ký ức êm đềm.
Nhờ diện tích khá rộng, đặc biệt là khoảng sân trong, các chi tiết trang trí và phương tiện dành cho trẻ em nô đùa cũng được đưa vào trong bài trí không gian như cây nêu cao cao, được nhấn bằng con diều cá chép lớn và chiếc xích đu. Khu vực chiếu phim ngoài trời được thiết lập với mảng tường sơn trắng làm màn chiếu, kế bên là nơi để học vẽ trong một số dịp đặc biệt. Các chi tiết khác trong công trình cũng khá “kiệm lời”. Hình vẽ trên tường được tiết chế, chỉ những thân sen, đài sen khô hoặc đơn giản là một cánh sen đang khẽ rơi… Bằng đó thôi cũng đủ làm tròn đầy không khí bình dị, không cần “gồng” đã thật đáng để luyến lưu.
Thiết kế: a21studio
Nhà hàng chay Hum Vegetarian
32 đường D10, P. Thảo Điền, Q.2, TP.HCM