Vào những ngày tháng này của 50 năm trước, bốn chàng trai trẻ từ Liverpool đến London với một ý định được nung nấu là sẽ ký được hợp đồng với Decca Records, một hãng đĩa nổi tiếng. Bốn chàng trai đó là Paul McCartney, John Lennon, George Harrisson và Peter Best của nhóm Beatles.
Khởi đầu khó khăn
Người đầu tiên có công trong việc tạo cơ hội cho nhóm trổ tài trước các “nhà tuyển trạch” của hãng đĩa lại là Mike Smith – Giám đốc A&G ở Decca. Anh cũng là người đưa ông bầu Brian Epstein đến với Beatles. Bầu Brian rất tin tưởng vào tài năng của bốn chàng trai, vì thế ông đã gửi những bản thu âm của nhóm tới nhiều hãng đĩa, trong đó có Decca. Ngày 31-12-1961, Beatles đến thu âm ở Decca. Thế nhưng, do đêm trước đó họ đã ca hát mừng năm mới tại một quảng trường đến tận 4 giờ 30 sáng nên đến giờ thu âm, giọng của các thành viên trong nhóm khàn đặc vì khói thuốc và men rượu. Họ phải tập trung cao độ mới ghi âm được 15 ca khúc theo danh sách đã được chọn trước của Brian, trong đó có 12 bài là những sáng tác nổi tiếng của các nghệ nhân nhạc blues như Chuck Berry, Buddy Holly… Kết quả là Decca… từ chối hợp đồng ghi âm với Beatles!
Mối liên hệ của nhóm với các hãng đĩa khác như Pye,Columbiahay HMV cũng cho kết quả chẳng sáng sủa hơn. Ngót nghét nửa năm trời, Brian cùng các chàng trai lang bạt khắp London, chơi nhạc ở các bar club và dần dần trở thành ban nhạc nam được nhiều người yêu mến, nhất là các cô gái trẻ. Brian cũng đã góp công lớn vào sự thay đổi hình ảnh của nhóm bằng cách yêu cầu họ bỏ áo da đen, thay bằng bộ veston đen. Ngoài ra, Beatles phải từ bỏ thói quen xấu văng tục, hút thuốc trên sân khấu, ăn uống nhồm nhoàm… để tạo nên hình ảnh hoàn toàn mới. Bầu Brian được xem như là thành viên thứ năm của nhóm như chính Paul McCartney đã từng khẳng định: “Nếu phải có một Beatles thứ năm thì người đó chính là Brian”.
Tỏa sáng và thành công
Vào một ngày tháng 6-1962, Beatles nhận được cuộc gọi mời thu âm từ EMI – hãng sản xuất đĩa lớn nhất nước Anh. Khi Beatles đến trường thu Abbey Roadcủa EMI, đạo diễn Geoger Martin được trao trách nhiệm đạo diễn thu thanh. Vị đạo diễn này rất chú ý đến Beatles, nhưng điều ông chưa ưng ý là người đánh trống. Sau một cuộc trao đổi ngắn, ngay lập tức, John Lennon đã gọi điện cho Ringo Starr, tay trống đã từng hợp tác với nhóm trước đây. Với ba sáng tác Love Me Do, P.S. I Love You, Ask Me Why và bản tình ca trứ danh Besame Mucho, nhóm đã ký được hợp đồng ghi âm với EMI.
Thành quả đầu tiên của sự hợp tác này là đĩa Love Me Do được phát hành vào ngày 5-10-1962, nhưng chỉ lọt vào top 20 ở Anh. Ngày 26-11 cùng năm, Beatles lại thu âm ca khúc Please Please Me và đó là ca khúc đầu tiên của nhóm giành được vị trí số 1 trên bảng xếp hạng đĩa bán chạy nhất tại Anh. Cũng chính ca khúc này đã khởi xướng phong trào cuồng si Beatlemania khiến cả nước Anh phải xáo động. Tháng 3-1963, đến lượt album Please Please Me leo lên đỉnh cao bảng xếp hạng tại Anh. Xuất phát từ Anh, phong trào này lan sang Mỹ và vươn ra khắp thế giới. Từ tháng 2-1964, I Want to Hold Your Hand bắt đầu chuỗi bảy tuần liên tiếp xếp hạng nhất tại Mỹ (trong hai tuần đầu, bán được tròn 1 triệu bản). Tính đến cuối năm 1964, The Beatles đã có 29 ca khúc lọt vào top của Mỹ – điều hy hữu và cũng không thể chấp nhận đối với giới nghệ sĩ và giới kinh doanh biểu diễn Mỹ. Xuất hiện trong The Ed Sullivan Show ngày 9-2-1964, Beatles đã thu hút 72 triệu khán giả truyền hình – một kỷ lục của thời kỳ ấy. Ngày 28-8-1964, họ lần đầu gặp Bob Dylan tại Delmond Hotel ở New York và ngày 15-8-1965, lập kỷ lục thu hút 56 ngàn khán giả đến sân vận động Shea.
Cùng với Rolling Stones, Beatles đã khởi đầu British Invasion – cuộc xâm lược nước Mỹ bởi những tài năng nhạc trẻ xuất phát từ nước Anh. Từ tấm gương Beatles, tất cả các nghệ sĩ, ban nhạc Anh sau này dù có thành công đến đâu mà chưa sang Mỹ biểu diễn để chinh phục khán giả Mỹ thì chưa được xem là những nghệ sĩ lừng danh. Đến năm 1965, cả thế giới đã biết đến Beatles. Hoàng gia Anh đã trao cho họ huân chương M.B.E. Cũng trong năm này, họ phát hành album Rubber Soul – sản phẩm khẳng định tài năng sáng tác của họ đã ở mức rất cao. Các album tuyệt đỉnh cứ nối tiếp nhau ra đời như Revolver (1966), Sgt. Pepper’s Lonely Heart Club Band (1967), White Album (1968) và Abbey Road (8-1968).
Tiếc rằng, như nhiều nhóm nhạc nổi tiếng khác, Beatles rồi cũng bị tan rã. Trong năm 1969, những xung đột, ganh ghét cá nhân trong nhóm đã lên đến đỉnh điểm nên đến tháng 4-1970, Paul McCartney đã chính thức tuyên bố Beatles tan rã trước sự luyến tiếc của hàng triệu người hâm mộ trên thế giới. Tháng 12-1980, John Lennon bị ám sát. Ngày 29-11-2001, George Harrison cũng ra đi vì căn bệnh ung thư, càng khiến cho niềm hy vọng Beatles sẽ tái hợp không bao giờ trở thành hiện thực. Trong sự nghiệp của mình, Beatles đã phát hành hơn 40 đĩa đơn và album xếp hạng nhất tại Anh. Hãng EMI đã thống kê chính xác số lượng băng đĩa của nhóm phát hành trên khắp thế giới: tính tới năm 1985 từng vượt hơn một tỉ bản! Tại Mỹ, theo thống kê của Hiệp hội Thu âm, Beatles được coi là ban nhạc đắt giá nhất mọi thời đại.
Năm 2004, tạp chí Rolling Stone xếp hạng Beatles đứng thứ nhất trong số 100 nghệ sĩ nổi tiếng nhất mọi thời đại và còn nhận định rằng những cống hiến cho sự phát triển của âm nhạc và tầm ảnh hưởng tới văn hóa đại chúng của Beatles vẫn còn giá trị cho tới hôm nay.
The Beatles – The Next Generation sẽ là thế hệ tiếp nối xứng đáng của Beatles?
Khoảng 42 năm sau ngày Beatles tan rã, những người con của bốn chàng trai năm xưa đã trưởng thành và dường như muốn bước tiếp sự nghiệp của cha họ. Sau buổi biểu diễn vào ngày 3-4 vừa qua tại câu lạc bộ nổi tiếng Cavern ở Liverpool (đây cũng là nơi lần đầu tiên ban nhạc Beatles đã khẳng định tên tuổi), James McCartney (con trai Paul McCartney) cho biết anh sẽ cùng với những người con của ba thành viên Beatles sẽ thành lập một ban nhạc mang tên The Beatles – The Next Generation.
Hiện tại, bốn chàng trai này đang theo đuổi sự nghiệp riêng, nhưng đều trong lĩnh vực âm nhạc: James McCartney, 34 tuổi, hiện đang là một ca sĩ solo; Sean Lennon (con trai của John Lennon) đang là ca sĩ kiêm nhạc sĩ, hành nghề ở New York; Dhani Harrison (con trai của George Harrison) tham gia ban nhạc thenewno2 và Fistful of Mercy; và người cuối cùng, Zak Starkey (con trai của Ringo Starr) cũng đã là một tay trống cừ khôi như cha anh, đang chơi trống cho ban nhạc The Who và Oasis. Liệu những chàng trai ấy có nổi tiếng được như thế hệ cha họ? Câu trả lời còn đang nằm ở phía trước. Những ai yêu thích Beatles hẳn đều hy vọng họ sẽ làm nên chuyện và biết đâu, họ sẽ là một Beatles mới xứng đáng của thế kỷ XXI.
- Hữu Nhã