Mười mấy năm trước, muốn ăn khổ qua rừng, người ta phải đi lùng hái những dây khổ qua mọc hoang trong vườn, trên rẫy. Từ một loại quả chỉ tự ra hoa, đậu trái ngoài tự nhiên thì nay, khổ qua rừng đã trở thành đặc sản được thực khách nơi phố thị săn tìm.
Để có nguồn cung khổ qua rừng thường xuyên cho các nhà hàng, thì tại khu vực Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương… đã có rất nhiều vườn khổ qua rừng trồng chuyên canh loại cây này. Người dân gọi loại quả này là “quà của núi rừng” vì nó mang vị đắng đến “rùng mình, tê lưỡi” như cuộc sống cơ cực của người nông dân nhưng ăn vào lại mát lòng và tốt cho sức khỏe.
Những biến tấu từ vị đắng của khổ qua rừng
Hơn 10 năm nay, chị Năm, người chuyên bán khổ qua rừng tại một góc quen ở chợ Biên Hòa (Đồng Nai) luôn thức dậy từ 3-4 giờ sáng để chuẩn bị chở khổ qua rừng từ huyện Cẩm Mỹ đưa lên phố. Gian hàng của chị nằm lặng lẽ nơi góc phố, chuyên bày bán các sản phẩm từ khổ qua rừng, như: đọt, dây, trái khổ qua… Khá nhiều khách quen “mê” món khổ qua rừng tìm đến đây để mua ngọn rau về xào tỏi, nhúng lẩu.
Có người lại mua quả về tỉ mẩn làm món khổ qua rừng nhồi thịt. Lâu lâu lại có người mua một ít dây khổ qua về nấu nước tắm cho trẻ trừ rôm sảy, mụn nhọt… Theo chị Năm, thời trước, chỉ mùa mưa, sản lượng khổ qua rừng mới dồi dào đem bán và món rau này cũng khá kén khách. Nhưng dần dần, món rau mọc dại ngoài tự nhiên này trở thành đặc sản luôn được người thành thị ưa chuộng. Theo đó, người đi chợ có thể tìm được món đặc sản này ở một góc chợ nhỏ hoặc những khu chợ sầm uất nhất ở giữa thành phố.
Đặc biệt là có vài khách quen ở thành phố vẫn tìm đến những khu chợ quê để mua được những bó rau, trái khổ qua rừng tươi non. Bà Dương Thị Nghị, người có thâm niên hơn 30 năm bán khổ qua rừng tại chợ Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất… chia sẻ: “Tuy bán ở chợ quê nhưng khách tiêu thụ chính của tôi đều từ các thành phố lớn. Có khách đi qua ghé vào tìm mua, có người gọi điện đặt hàng là tôi gởi rau đến tận nơi.
Ở đây còn là đầu mối cung cấp khổ qua rừng cho các nhà hàng, quán ăn tại địa phương và các thành phố lớn, như: TP. Biên Hòa, TP. Hồ Chí Minh…”. Theo bà Nghị, tuy vị khổ qua rừng đắng hơn nhiều so với giống khổ qua trồng nhưng ai đã ăn quen sẽ bị “ghiền” món rau thuần chất mọc ngoài tự nhiên rất tốt cho sức khỏe người dùng này. Chính vì vậy, từ món rau quê dân dã, khổ qua rừng dần thành đặc sản được thị trường ưa chuộng. Thời điểm trái mùa, loại rau này có khi “sốt” giá lên đến gần 100 ngàn đồng/kg mà vẫn không có hàng để bán.
Một số nông dân đã đem giống rau rừng này về trồng và từ đó loại đặc sản này được bán quanh năm. Khổ qua rừng có sức sinh trưởng rất mạnh nên chỉ cần được tưới nước là rau sinh sôi, tươi tốt, nên tuy là rau trồng nhưng chất lượng không thua gì rau mọc ngoài tự nhiên. Thấy nguồn khổ qua rừng dồi dào, vợ chồng chị Trần Thị Hồng Vân, sống ở thị xã Long Khánh đã có ý tưởng kinh doanh độc đáo về dòng sản phẩm chế biến từ đặc sản rau rừng này.
Cơ sở sản xuất khổ qua rừng Hiệp Vân (xã Xuân Tân, TX. Long Khánh) chuyên chế biến, cung cấp các dòng sản phẩm từ trái khổ qua rừng, như: khổ qua rừng muối chua, xá xíu khổ qua rừng, trái khổ qua rừng nhồi thịt, trà trái khổ qua… Chị Vân kể: “Hai vợ chồng tôi đều là công chức nhà nước, có vài sào đất để trống, dây khổ qua mọc lan tràn ăn không hết nên chúng tôi nghĩ đến việc thử chế biến. Mẹ tôi lại có tiếng ở vùng này về nghề làm các món muối chua nên bà đã thử nghiệm làm món khổ qua rừng ngâm đường, giấm. Rồi dần dần chúng tôi chế biến thêm các món xá xíu khổ qua rừng, khổ qua rừng nhồi thịt, trà trái khổ qua…”.
Những ngày tết miền Nam, nhiều gia đình luôn có nồi khổ qua nhồi thịt, dùng vị đắng cân bằng lại những thịt thà của mâm cỗ tết. Những năm gần đây, họ cầu kỳ hơn khi thay khổ qua thường loại trái lớn bằng trái khổ qua rừng nhồi thịt băm, nấm mèo, hành tím, tiêu xay… Khổ qua rừng nhồi thịt phải chọn trái vừa tầm, tròn trịa đẹp đẽ. Trái khổ qua rừng chỉ nhỏ bằng hai ngón tay nên để lấy ruột ra, nhồi thịt vào, cần đến những bàn tay khéo léo tỉ mỉ từng chút một. Chưa kể, còn phải có chút bí quyết trong lúc hầm canh, để trái khổ qua không quá đắng, mặc dù vị đắng là “đặc sản” của món ăn này.
Và những loại rau rừng đặc sản Đồng Nai
Ngoài khổ qua rừng, rau rừng Đông Nam bộ khá phong phú và loại nào cũng được xem như đặc sản, đã thưởng thức qua rồi thì rất khó quên. Có dịp ghé thăm làng dân tộc Chơro tại xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất), khách sẽ được đãi món canh bồi, một món canh được chế biến từ nhiều loại rau rừng, như: đọt mây, đọt cây đủng đỉnh, đọt khổ qua rừng, đọt ớt, cải trời, lá bép, lá xanh, lá nhíp… Đây cũng là món canh không thể thiếu trong lễ hội Sayangva của người Chơro để tạ thần linh cho một mùa vụ bội thu, cầu xin mưa thuận gió hòa.
Ở khu vực chân núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) có hẳn một làng chuyên bán các loại đặc sản núi rừng phục vụ khách hành hương. Dọc theo các bậc tam cấp dẫn lên đỉnh núi có rất nhiều quán lá bán món bánh xèo ăn kèm với cả chục loại rau rừng tươi mơn mởn vì các loại rau này được hái ngay trên núi. Ngoài ra, khách có thể mua nhiều loại đặc sản được chế biến từ cây cỏ thiên nhiên, như: chuối hột rừng, rễ cỏ tranh, trà dây khổ qua rừng… Đây không chỉ là món ăn thông thường mà còn là những bài thuốc dân gian quý có tác dụng bồi bổ sức khỏe và trị bệnh.
Mùa mưa, về các miệt Thống Nhất, Long Khánh, Cẩm Mỹ… thực khách thường mê mẩn thưởng thức các món đặc sản như: nấm mối, lẩu lá khổ qua rừng hoặc gỏi trái khổ qua rừng… Ở Nhơn Trạch, món rau chại lại được nhiều người nhớ thương vì giòn ngọt đậm đà. Rau chại chế biến khá đơn giản, chỉ cần xào tái, luộc lên chấm với mắm nêm, kho quẹt.
Ở vùng rừng Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) lại nổi tiếng với món đọt mây rừng. Nhiều du khách về đây một lần thưởng thức đã ghiền ngay món đọt mây rừng nướng, đọt mây hầm chân giò… vì mới ăn vào thì có vị đắng đặc trưng nhưng sau lại nghe ngọt ở cổ họng rất lạ. Du khách về vùng rừng này cũng rất thích thú với món lá nhíp xào thịt bò hoặc lá tươi cuốn bánh tráng cho vị chát chát, bùi bùi khá “bắt mồi”.
Ngày nay rau rừng được đưa về phố, là loại thực phẩm sạch được nhiều người ưa chuộng. Dạo khắp các khu chợ lớn, nhỏ trong TP. Biên Hòa, người mua dễ dàng bắt gặp những điểm bán các loại rau rừng, như: măng rừng, khổ qua rừng, lá chùm bao, rau bình bát, ớt rừng, môn nước… Tuy đây là những thứ rau có sẵn trong tự nhiên, người bán chỉ bỏ công thu hái, nhưng giá bán khá cao vì là loại rau không sản xuất đại trà mà thực khách thì ngày càng ưa chuộng. Rau rừng còn thành điểm nhấn của các khu du lịch hay nhà hàng sang trọng dù vẫn được chế biến một cách dân dã, như: bông lục bình nấu lẩu đồng quê, bò nhúng giấm hay bánh tráng phơi sương cuốn với đọt lụa, rau xá xị, tai voi, đọt báng, lá cóc, sao nhái, đọt lộc vừng, lá dừng, bằng lăng… Từ những món đặc sản dân dã mà đậm đà hương vị, mảnh đất Đồng Nai không chỉ mang lại cho du khách bữa ăn ngon mà còn cả những trải nghiệm ẩm thực hòa hợp giữa núi rừng và con người miền Đông Nam bộ chân chất, hiền hòa.