Trước tình huống này, phản ứng của các giới chức lãnh đạo chính quyền Kuala Lumpur cũng khác nhau: Bộ trưởng Tài nguyên Nhân lực Subramaniam Sinnapan cho rằng thái độ của các nhà sản xuất là sai lầm và gieo sự hoang mang cho công chúng, còn Thủ tướng Najib Razak thì có phần bối rối hơn, ông quyết định trì hoãn một bản tuyên bố về vấn đề này cho đến ngày Quốc tế Lao động 1-5 sắp tới.
Lực lượng công nhân có tiếng nói quan trọng trong các cuộc bầu cử ởMalaysia
Dù thế nào, ông Najib cũng không thể bỏ qua lời cảnh báo của Liên đoàn Chủ nhân Malaysia rằng sự đóng cửa của gần 200 ngàn xí nghiệp vừa và nhỏ sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp của 4 triệu người, một con số không hề nhỏ so với tổng dân số hơn 28 triệu người ở Malaysia. Theo một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Malaysia là một trong những nước có sự cách biệt rất lớn về tiền lương giữa các thành phần công nhân viên trong xã hội, có thể chia ra thành ba nhóm. Nhóm 1 chiếm 20% có thu nhập bằng 70% tổng quỹ lương; nhóm 2 gồm thành phần trung lưu chiếm 20%, hưởng 10% tổng quỹ lương; nhóm còn lại chiếm 60% nhưng chỉ nhận về 20% tổng quỹ lương! Sự tăng lương cho 60% người lao động nhóm ba vừa có tác dụng thu hẹp bớt khoảng cách thu nhập giữa các thành phần xã hội, vừa tạo một lợi thế cho đảng cầm quyền Mặt trận Quốc gia trong năm bầu cử này. Có lẽ những người lãnh đạo trong chính phủ Malaysia hiện nay không quên được kinh nghiệm về cuộc tổng tuyển cử năm 2008, khi 60% cử tri, trong đó nhiều người là công nhân các xí nghiệp vừa và nhỏ, đã làm một cuộc lật đổ ngoạn mục khi dồn phiếu cho đảng đối lập Pakatan Rakyat.
Mức lương tối thiểu mà chính quyền liên bang Malaysia dự kiến áp dụng cho công nhân các xí nghiệp vừa và nhỏ sẽ tương đương với 292,6 USD/tháng, bằng 180% mức lương bình quân 162 USD họ được lãnh hiện nay, nhưng các chủ doanh nghiệp cho biết là lợi nhuận của họ chỉ đạt từ 3 – 6% doanh số, việc trả thêm một khoản tiền lương lớn khiến họ không thể cạnh tranh với các đối thủ trên thương trường, nhất là với Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này đặt chính phủ của ông Najib Razak trước một bài toán nan giải, khi mà nhiều nước châu Á khác như Thái Lan, Indonesia đang có kế hoạch nâng lương công nhân, còn tại Campuchia, Sri Lanka, Bangladesh, các chuyên gia lao động cũng đang kêu gọi xét lại mức lương tối thiểu. Riêng Trung Quốc, một trong những trung tâm sản xuất lớn của thế giới, cũng sẽ tăng tiền lương tối thiểu thêm 13% trong vòng năm năm tới.
Trong thời gian qua, chính phủ của Thủ tướng Najib Razak đã hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp tại Malaysia một ngân khoản gần 650 triệu USD và hứa hẹn sẽ tiếp tục chương trình này khi nền kinh tế khá hơn. Nay, với yêu cầu phải vừa cải thiện đồng lương của những người có thu nhập thấp đồng thời phải bảo toàn được quyền lợi của các xí nghiệp nhằm tránh cảnh sa thải hàng triệu công nhân, xem ra cái khó lần này của ông Najib không dễ vượt qua.
Lê Cẩn tổng hợp