Có một mùa xuân bất tận trong tranh của Nguyễn Văn Phương, người nghệ sĩ đã qua đời sáu năm trước sau hơn nửa thế kỷ hoạt động hội họa. Và nay, triển lãm hồi cố “Mùa xuân vĩnh cửu” tại gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, từ 7-4) có lẽ là cơ hội cuối để công chúng được xem một toàn cảnh tác phẩm của ông.
Bà Thu Hà, chủ nhân gallery Tự Do cho biết sau triển lãm những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Phương sẽ được “đóng gói”, bởi gallery của bà đang trong những ngày kết thúc hoạt động của nó như báo chí đã đưa tin.
Toàn bộ tầng trệt gallery được dành cho triển lãm. Hơn 60 tranh sơn dầu, sơn mài, bột màu nhiều khổ, có những bức cỡ lớn chiếm trọn cả mảng tường, cho thấy một phần thế giới hội họa của tác giả, người đã dành trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật, sống với nó từ những năm trai trẻ cho tới ngày nhắm mắt, để lại cho đời một gia tài lớn mà cho tới nay chưa ai biết đích xác. Ông Đặng Hải Sơn, đồng chủ nhân gallery Tự Do cho biết có một doanh nhân – nhà sưu tập sở hữu khá nhiều tranh của Nguyễn Văn Phương, tiếc rằng ông Sơn không thể liên lạc được khi chuẩn bị cho triển lãm này.
Xem tranh Nguyễn Văn Phương, dễ nhận thấy không khí tưng bừng lễ hội bao trùm sáng tác của ông. Mùa xuân là đề tài được lặp đi lặp lại trong tranh ông, một mùa xuân trải dài khắp đất nước. Đó là Mùa xuân hồ Gươm tái hiện cảnh đón xuân bên bờ hồ Hoàn Kiếm với tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc “cong cong một nét lông mày” (thơ Nguyễn Duy) và hoa đào hoa cúc khoe sắc thắm tươi bên người người đi trẩy hội xuân trong trang phục của một thời đã xa xôi. Là những phiên Chợ tết ở vùng quê Bắc bộ với gánh hàng hoa của ông lão nông dân, con vịt bầu cô thôn nữ vừa mua, chàng văn nhân thảnh thơi ghé cô hàng nước yêu kiều, chú bé tung tăng theo mẹ đi chợ tết. Là những Mùa xuân Văn Miếu với nam thanh nữ tú dập dìu bên Khuê Văn Các hái lộc đầu xuân, xin chữ thánh hiền… Là Đường hoa đào nở rộ một màu hồng của sắc hoa mai anh đào đặc trưng xứ sở ngàn hoa. Là cảnh thiếu nữ Sài Gòn thưởng ngoạn, chọn hoa về chưng tết trong Chợ hoa Nguyễn Huệ, Chợ hoa ngày tết – nét xuân một thuở ở thành phố phương Nam… Còn nhiều nữa: Màu xuân hoài cảm, Hoa xuân, Cung đàn xuân, Bài thơ mùa xuân, Bài chúc tết thầy, Hái lộc đầu xuân… Và những Hội Lim, Nhập Thiên thai, Lễ hội đền Hùng, Thuyền hoa, Trẩy hội chùa Hương, Phiên chợ miền cao… đều ngập tràn giai điệu và sắc màu khi mùa xuân đến.
Sinh năm 1930, Nguyễn Văn Phương đã khởi sự hành trình nghệ thuật của ông từ năm 1946 khi theo học hội họa từ một vị thầy người Đức, đến đầu thập niên 1950 ông đã triển lãm tranh tại Hà Nội và Hải Phòng. Vào Nam năm 1954 ông theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, từ 1955 đến 1969 ông liên tục có triển lãm riêng và chung tại Sài Gòn. Đáng chú ý là tại Triển lãm mỹ thuật quốc tế lần thứ nhất năm 1962, ông vừa có tranh tham dự vừa là thành viên ban giám khảo. Cũng trong năm này, tập sách do ông biên khảo Nghệ thuật Việt Nam hiện đại đã được Nha Mỹ thuật Bộ Giáo dục chính quyền Sài Gòn xuất bản. Theo họa sĩ Đinh Cường “cách nay đã nửa thế kỷ, tuy chưa được đầy đủ quyển sách ấy đã đóng góp ít nhiều về tư liệu cho những nhà nghiên cứu nghệ thuật tạo hình miềnNam những năm 1960”. Ông còn làm thơ, viết phê bình mỹ thuật cho vài báo, tạp chí tại Sài Gòn trước 1975.
Không xuất hiện một thời gian dài sau 1975, mãi đến năm 1993 ông mới có tranh triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh và tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, đặc biệt là tại gallery Tự Do, nơi ông trưng bày thường xuyên tác phẩm, nơi ông được dành riêng một không gian để sáng tác trên tầng 3. Ở đó, người họa sĩ “lúc nào cũng ăn mặc chỉn chu, luôn luôn veston, cravat vào bất kỳ thời gian nào” như lời bà Thu Hà, đã vẽ không ngừng, như muốn níu kéo thời gian để có thể đi tìm lại những khoảnh khắc của một thời hoàng kim đã phôi pha. Giai đoạn từ đầu thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000 là lúc ông vẽ rất nhiều tranh, và tại triển lãm này có mấy bức được ông vẽ giai đoạn cuối đời như Hoa Thời gian, Tranh tết Ất Dậu (2005). Sau đó, ông “biến mất, không để lại chút dấu vết gì” để rồi đột ngột qua đời ngày 19-4-2006 tại Đà Lạt.
Số tranh tại triển lãm “Mùa xuân vĩnh cửu” hiện thuộc quyền sở hữu của gallery Tự Do; khi phòng tranh không còn hoạt động nữa chắc chắn khó có dịp để công chúng được thưởng ngoạn tranh Nguyễn Văn Phương với quy mô như triển lãm lần này.
“Hình ảnh người họa sĩ ấy tôi còn nhớ, dáng gầy cao, hay mặc bộ veston trắng, thắt cravat, tay ôm chiếc cặp đen, đôi khi cầm thêm cây dù hay chiếc tẩu, ung dung ngồi tréo chân trên cyclo, đến điểm hẹn… Ông vẽ nhiều tranh khổ lớn, bố cục nhiều người, thường dùng màu nguyên chất với hai gam màu nóng chủ đạo là vàng cam và đỏ son, luôn có đường viền đen. Bắt gặp ở đó, ở thế giới hội họa Nguyễn Văn Phương là niềm vui hưng phấn của lễ hội mà ông cho là thời đại mùa xuân vĩnh cửu. Thật vậy chăng, tôi thấy ra cả một nỗi hoài nhớ khôn cùng: Hà Nội. Hà Nội của những năm 1950 nền nã, thanh lịch ông mang theo ở dấu mốc 1954.
Ngoài màu sắc nồng ấm, tranh ông đẹp ở những đường viền. Những đường viền đen không ray rứt như trong tranh Rouault (Georges Rouault – họa sĩ Pháp 1871-1958) mà hiền hòa như những nét chạm đình làng hay tranh khắc gỗ truyền thống Việt Nam”.
– Đinh Cường (Virginia tháng 2-2012)