Vào tháng 9-2014, bức Khi nào em sẽ lấy chồng? của Paul Gauguin được cho là đã bán với giá gần 300 triệu USD, trở thành một trong số các tác phẩm hội họa cao giá nhất mọi thời. Thế nhưng từ một vụ kiện tụng gần đây, người ta mới biết bức tranh không có cái giá “khủng” như thế.
Tháng 2-2015, báo New York Times và nhiều hãng thông tấn có uy tín khác đã đưa tin ông Rudolf Staechelin, một cựu quản trị viên của Hãng đấu giá Sotheby’s đã bán bức Khi nào em sẽ lấy chồng? cho một gia đình hoàng tộc ở Qatar với giá gần 300 triệu USD. Thật ra, nếu tranh không được bán qua các sàn đấu giá mà chỉ qua các giao dịch tư nhân thì thường được giữ bí mật về giá bán – mua, nhất là với những tranh có giá kỷ lục. Gần ba năm sau thương vụ này, vào đầu tháng 7-2017 một phiên tòa đã được tiến hành tại Tòa án Tối cao London, và từ phiên tòa đó mới biết được giá chính xác của bức Khi nào em sẽ lấy chồng? thấp hơn nhiều.
Số là vào tháng 9-2014, ông Rudolf Staechelin đã bán bức tranh cho một công ty do nhà buôn tranh người Anh Guy Bennett điều hành, và ông Bennett cũng là người đại diện của tiểu vương xứ Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, người mua tranh. Thông tin trên được đưa ra trước tòa bởi các luật sư đại diện cho Công ty đấu giá Thụy Sĩ Simon de Pury, một bên có liên quan trong vụ kiện này. Ông Simon de Pury đã kiện ông Staechelin vì còn nợ nhà de Pury 10 triệu USD tiền huê hồng từ vụ mua bán bức tranh của Gauguin. Vấn đề là cả hai bên nguyên đơn và bị đơn đều không có bản hợp đồng chung quanh khoản tiền huê hồng. Tuy nhiên, luật sư Jonathan Cohen của nhà de Pury đã đưa ra một luận cứ trước tòa: “Thật là bất thường khi đi tìm loại hợp đồng miệng như trong trường hợp này, và điều đó là không phù hợp với thị trường tranh sẽ tiếp tục được điều hành trong một “cách thức rất lịch lãm, được xây dựng trên sự tin cậy lẫn nhau”. Trong khi đó, luật sư của ông Staechelin lại phản bác lập luận nói trên, cho rằng Simon de Pury đã lừa gạt ông về giá tranh khi nói có giá mua có thể còn cao hơn nữa so với cái giá 210 triệu USD mà tiểu vương Qatar đã trả để lấy bức tranh. Và vì sự lừa gạt đó mà nhà de Pury không được nhận khoản tiền huê hồng.
Vụ kiện tụng sẽ còn kéo dài đến cuối tháng này mới có kết quả. Tuy nhiên cũng từ vụ kiện mà tác phẩm Interchange, tranh trừu tượng khổ lớn (200,7 x 175,3cm) của họa sĩ Mỹ gốc Hà Lan Willem de Kooning giữ ngôi vị độc tôn là tranh cao giá nhất thế giới hiện nay. Interchange hiện được chủ nhân là tỉ phú Kenneth C. Griffin cho Bảo tàng Mỹ thuật Chicago mượn trưng bày. Tháng 9-2015, ông Griffin đã mua bức tranh này từ Quỹ David Geffen với giá 300 triệu USD.
Trở lại với Khi nào em lấy chồng?, Paul Gauguin đã vẽ bức tranh này năm 1892 khi ông đến Tahiti để tìm nguồn cảm hứng sáng tác nơi được coi là “địa đàng trần thế”. Dù thất vọng với những gì ông từng tưởng tượng về Tahiti, nhà danh họa đã vẽ rất nhiều tranh về con người và vùng hải đảo này. Song loạt tranh Tahiti không thành công về mặt thị trường khi Gauguin trở về Pháp làm triển lãm tại gallery Durand-Ruel năm 1893. Bức Khi nào em lấy chồng? khi ấy đề giá 1.500 franc nhưng không có người mua. Năm 1917, nhà Staechelin đã mua bức tranh này tại gallery Maison Moos ở Geneva, Thụy Sĩ nhưng không rõ giá là bao nhiêu.
- Lê Bản