Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng. Đồng thời, NHNN cũng cắt giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10-7-2017 này là động thái “bật đèn xanh” để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Việc lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm là không thấp so với mặt bằng hiện nay, nhưng là dấu hiệu cho thấy sự nới lỏng tiền tệ sau một thời gian dài NHNN giữ nguyên các lãi suất chủ chốt.
Để ứng phó cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ toàn cầu (2007-2008), nước ta đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất điều hành liên tục được đẩy lên và đạt đỉnh 14%/năm vào ngày 11-6-2008. Lãi suất tăng cao khiến cho nền kinh tế lâm vào cảnh thiếu vốn, thanh khoản của các ngân hàng thương mại gặp khó, hoạt động tín dụng bị siết chặt. Hơn bốn tháng sau đó, ngày 21-10-2008, NHNN bắt đầu thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ, khi lãi suất cơ bản được điều chỉnh còn 13%/năm và liên tục giảm xuống sau đó. Lần gần đây nhất là vào 17-3-2014, lãi suất tái cấp vốn giảm còn 6,5%/năm.
Việc phải sau hơn ba năm mới có thêm đợt giảm lãi suất với mức giảm chỉ 0,25%/năm đã chứng tỏ sự thận trọng trong điều hành lãi suất của NHNN. Trên thực tế, cả năm 2016 và triển vọng năm 2017, dù được kiểm soát ở mức thấp nhưng kỳ vọng của lạm phát vẫn ở mức cao, nên bất cứ tín hiệu giảm lãi suất nào cũng cần được tiến hành thận trọng, vì đó là tín hiệu của chính sách nới lỏng tiền tệ, có tác động trực tiếp tới lạm phát. Quyết định điều chỉnh lần này không có mặt của trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn, nên không trực tiếp tác động đến lãi suất tiền gửi, có liên quan trực tiếp đến nguồn huy động của hệ thống trong sự cân đối với mức tăng trưởng tín dụng. NHNN vẫn sẽ giám sát chặt chẽ nguồn vốn được đưa vào nền kinh tế thông qua hoạt động cho vay. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng thương mại không vì thế mà nới lỏng; chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung cả năm vẫn trong khoảng 18%.
Thực ra, động thái giảm lãi suất của NHNN lần này là không bất ngờ, khi có khá nhiều tín hiệu được phát đi trước đó. Về phía nhà điều hành, tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 3-7, Thống đốc NHNN đã khẳng định, trong thời gian tới, NHNN có các công cụ, điều kiện để tiếp tục ổn định được tỷ giá. Rồi ngày 4-7, Chính phủ họp về vấn đề vốn đầu tư công, có yêu cầu kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan trong giải ngân chậm, mà đáng chú ý là các con số ứ đọng vốn được đưa ra. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu 2017, hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ huy động vốn cho cân đối ngân sách có tốc độ cao, sắp cán đích kế hoạch cả năm, trong khi hoạt động và tiến độ giải ngân lại khá chậm, dẫn đến nguồn lực bị tồn đọng dưới dạng tiền gửi ở các ngân hàng thương mại.
Về phía các ngân hàng thương mại, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tiền đồng qua đêm nhiều ngày liền ở mức dưới 2%/năm, có khi về gần 1,5%/năm; kể từ 22-6, số dư các tổ chức tín dụng phải vay mượn NHNN đã giảm về bằng không và duy trì trạng thái này cho đến khi quyết định được đưa ra. Nói cách khác, cân đối vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng nhìn chung là tốt, thậm chí vốn khả dụng có biểu hiện dư thừa.
Trên thực tế, giá trị của quyết định này nằm ở tín hiệu đối với thị trường, khi gián tiếp hỗ trợ giảm lãi suất cho vay qua chi phí vốn của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, việc giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng với một số lĩnh vực, ngành kinh tế sẽ hỗ trợ giảm chi phí trực tiếp cho các khối doanh nghiệp liên quan, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Đại diện các doanh nghiệp cho biết đây thực sự là tin vui, vì lãi suất vay giảm sẽ giúp giảm giá thành, từ đó tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, quyết định này cho thấy NHNN đã bắt đầu hành động nhằm định hướng thị trường, thay vì chỉ kêu gọi các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất như trước nay. Việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm sẽ gián tiếp tác động đến lãi suất huy động vốn trong dân cư, tạo cơ sở cho việc giảm lãi suất huy động và cho vay thời gian tới. Tuy nhiên, cùng với việc giảm lãi suất, NHNN cần áp dụng thêm nhiều giải pháp hỗ trợ khác, như kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp, tránh tăng cung tiền, gây áp lực lên lạm phát và tạo áp lực lên tỷ giá; xem xét nâng trần lãi suất huy động đối với USD (hiện là 0%/năm); cân nhắc việc điều chỉnh quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung – dài hạn…
Ngoài ra, phải làm sao để chính sách thực sự giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, được hưởng lợi, tiếp cận với nguồn vốn vay giá rẻ. Trước nay, đã có nhiều ưu đãi tín dụng hướng đến nhóm đối tượng ưu tiên cụ thể, như gói 100.000 tỉ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao – một gói tín dụng đột phá nhưng việc giải ngân vẫn là một bài toán khó. Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao” do báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 4-7 vừa qua, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp đã phân tích những bất cập khiến đồng vốn ưu đãi khó đến tay người cần thực sự, các tiêu chuẩn để tiếp cận gói tín dụng chưa rõ ràng về đối tượng, tiêu chí vay vốn, thế chấp tài sản, lãi suất, hạn mức vay…
Trong một diễn biến có liên quan, dự trữ ngoại hối của nước ta tiếp tục lập kỷ lục mới, theo thông tin đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 giữa Chính phủ và các địa phương. Cụ thể, Thống đốc NHNN cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2017, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục tăng, đạt xấp xỉ 42 tỉ USD, cao nhất từ trước tới nay (dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỉ USD vào cuối năm 2016). Được biết, vào tháng 6-2008, dự trữ ngoại hối nước ta là 20,7 tỉ USD, đến tháng 1-2011, giảm còn khoảng 12,58 tỉ USD; cuối năm 2012 tăng trở lại, đạt khoảng 22-23 tỉ USD.
Với số liệu trên, trong nửa đầu năm nay, dự trữ ngoại hối nước ta tăng thêm khoảng 1 tỉ USD, trong bối cảnh vẫn đang nhập siêu. Cũng trong sáu tháng đầu năm, thị trường ghi nhận ba lần NHNN nâng giá mua vào USD, trong tháng 1, tháng 4 và tháng 6.
Tại cuộc họp trên, Thống đốc NHNN cho biết, trong sáu tháng đầu năm nay, thanh khoản ngoại tệ của thị trường tốt, đáp ứng các cung – cầu ngoại tệ. Thị trường ngoại hối và tỷ giá USD/VND khá ổn định trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là trước tác động từ các quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). NHNN sẽ theo dõi diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, chủ động có biện pháp điều hành tỷ giá, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ của nền kinh tế, tránh đầu cơ. Việc dự trữ ngoại hối quốc gia dồi dào chính là một cơ sở quan trọng giúp NHNN chủ động trong việc điều hành chính sách tiền tệ của mình.
- Ly Lam