Giao thông là huyết mạch để phát triển đất nước, cho nên chúng ta có quyền kỳ vọng vào dự án đường cao tốc Bắc – Nam sẽ hoàn thành sau năm 2025 sẽ tạo thêm lực đẩy cho nền kinh tế. Chính phủ đã đặt yêu cầu hình thành tuyến đường bộ cao tốc này đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế, xã hội từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh qua 20 tỉnh – thành phố; kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển nhằm phát triển kinh tế – xã hội những khu vực có đường cao tốc chạy qua nói riêng và cả đất nước nói chung; giảm thiểu áp lực và khai thác có hiệu quả hơn tuyến quốc lộ 1.
Theo phương án đầu tư được Chính phủ thông qua, dự án đường cao tốc chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 243.000 tỉ đồng, đến năm 2020 sẽ xây dựng mới và mở rộng 713km, đến năm 2022 sẽ xây mới 659km. Giai đoạn 2 (sau năm 2025) sẽ mở rộng tuyến cao tốc Bắc – Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt; dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 69.120 tỉ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi thông qua phương án do Bộ Giao thông Vận tải đệ trình đã lưu ý, từ thực tiễn thành công tại các dự án mở rộng quốc lộ 1A và quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên, việc giải phóng mặt bằng cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị tại các địa phương trong tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu công tác phân kỳ đầu tư được tính toán theo từng giai đoạn, phù hợp với lưu lượng phương tiện phát triển trong thực tế, tuy nhiên cần thực hiện cắm mốc lộ giới để quản lý quỹ đất theo quy hoạch và có giải pháp kỹ thuật để bảo đảm việc kết nối tại các nút giao. Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương điều chỉnh quy hoạch phát triển đường cao tốc, bảo đảm có tầm nhìn dài hạn.
Thế nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là những khoản tiền đầu tư cho dự án này. Nhiều chuyên gia cho rằng suất đầu tư các dự án đường cao tốc ở Việt Nam bình quân cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với các nước chung quanh như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, thậm chí cao hơn cả Mỹ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành – thuộc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, chỉ cần so sánh chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc thì có thể thấy chi phí xây dựng hạ tầng giao thông ở nước ta cao như thế nào.
Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương là đường cao tốc đúng chuẩn đầu tiên của Việt Nam có chi phí 9,9 triệu USD/km cho bốn làn xe cơ giới.
Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đang được xây dựng chi phí cũng lên tới 18,3 triệu USD/km.
Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có chi phí xây dựng dự kiến lên tới 28,2 triệu USD/km.
Trong khi đó, số liệu thống kê chi phí xây dựng đường cao tốc tại Trung Quốc chỉ khoảng 6 triệu USD/km, tại Mỹ chỉ khoảng 8 triệu USD/km. Lẽ ra với giá nhân công rẻ cùng với mọi thứ cũng rẻ hơn thì chi phí xây dựng phải thấp hơn các nước, nhưng thực tế chi phí làm đường cao tốc của chúng ta lại cao hơn nhiều.
Chuyên gia cho rằng giải phóng mặt bằng và nền đất yếu chiếm một phần lớn trong chi phí xây dựng hạ tầng giao thông khiến đội chi phí lên cao, nhưng nếu tách hai loại chi phí này ra thì việc xây dựng đường tại Việt Nam vẫn cao hơn thế giới.
Chẳng hạn dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây dài 51km, hiệu suất đầu tư khoảng 18,3 triệu USD/km. Nhưng nếu trừ chi phí xây dựng cầu và đền bù giải tỏa (khoảng 286 triệu USD) thì vẫn phải tốn khoảng 13 triệu USD để xây dựng mỗi cây số đường, đắt hơn nhiều so với chi phí tại Mỹ và Trung Quốc.
Cùng suy nghĩ trên đây, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định rằng “chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam là quá cao” và ông giải thích việc “sử dụng phương pháp BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) tạo ra phí rất lớn, làm cho phí vận tải của Việt Nam rất cao”.
Đứng trước băn khoăn này, Bộ Giao thông Vận tải viện dẫn một lý do khác theo đó chi phí làm đường cao tốc tăng cao là do tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Có đúng như vậy không khi thông tin từ cơ quan kiểm toán và thanh tra cho thấy nhiều các chi phí của các dự án BOT đã vượt quá dự toán rất nhiều mà không có hóa đơn chứng từ hợp lệ để chứng minh. Như vậy, cần phải xem xét lại phương thức xây dựng đường cao tốc và phải có sự giám sát công khai minh bạch cùng với sự tham gia của các hiệp hội có chuyên môn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Toản – nguyên chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Đại học Giao thông Vận tải – thì rất khó đánh giá dự án giao thông ở nước ta đắt hay rẻ hơn so với nước ngoài. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là những công trình xây dựng có yêu cầu kỹ thuật cao của chúng ta đều có mức đầu tư cao hơn thế giới. “Bởi vì có nhiều vật liệu, thiết bị thi công phải nhập khẩu, lực lượng kỹ thuật như tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công cũng nhập khẩu nốt. Nhưng có những cái tại chúng ta thích kiểu này, thích kiểu kia, chẳng hạn như không thích cầu bêtông cốt thép mà thích cầu dây văng, thích tĩnh không cầu rất cao để khai thác những tàu rất lớn, làm giá thành cao lên”.
Một nguyên nhân khác là công trình hoàn thành chậm dẫn đến chi phí cao là do chọn nhà thầu không đủ khả năng, năng lực kém, từng đoạn đường phân nhỏ thành nhiều gói thầu, tựa như hát hợp xướng mà không thể hát cùng bè được.
Câu chuyện đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam cuối tuần qua đã gây sôi động tại Quốc hội với những câu chất vấn của các đại biểu.
Ấn tượng nhất là chất vấn thẳng thắn của đại biểu Lê Công Hường (tỉnh Bình Định) về suất đầu tư đường cao tốc lên tới 12 triệu USD/km, trong khi ở Mỹ chỉ từ 3-4 triệu USD/km, hay nước có nhiều điều kiện tương đồng với nước ta như Trung Quốc cũng chỉ 5 triệu USD/km. Tại sao suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam lại cao gấp 3-4 lần Mỹ, gấp đôi Trung Quốc, nhiều nước khác cũng rất rẻ, trong khi chất lượng chưa tương đương. Nguồn lực đất nước có hạn, vậy đâu là giải pháp để giảm suất đầu tư?
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa trong phần trả lời đã không nghĩ như chất vấn của đại biểu quốc hội. Ông công bố các số liệu theo đó suất đầu tư đường cao tốc sáu làn xe bình quân của Việt Nam là 200 tỉ đồng/km, chưa tính giải phóng mặt bằng. Theo ông, đầu tư làm đường cao tốc phụ thuộc lớn vào địa chất và vật liệu, đồng thời tùy vào đặc điểm từng khu vực như trung du miền núi phía Bắc, miền Trung Nam bộ, đồng bắc Bắc bộ và Nam bộ mà có mức giá khác nhau, bình quân từ 7,4 triệu USD/km (trung du) – 17,2 triệu USD/km đường với khu vực Nam bộ và Tây Nam bộ.
Bộ trưởng Nghĩa cũng đưa ra các con số liên quan đến suất đầu tư đường cao tốc sáu làn xe tại các nước, chẳng hạn ở Đức có giá 10,9 triệu USD/km, Áo là 16,7 triệu USD/km, Bồ Đào Nha 11,9 triệu USD/km, Mỹ từ 12,8 – 40,8 triệu USD/km, Trung Quốc dao động ở mức 10,5 -13,6 triệu USD/km.
Tại Việt Nam, dự toán kinh phí xây dựng cao tốc Bắc – Nam là khoảng 9,5 triệu USD/km. Hiện Chính phủ đang xin chủ trương của Quốc hội về đầu tư và nội dung báo cáo sẽ được trình bày trước Quốc hội vào kỳ họp thứ hai năm 2018.
- Gia Minh