Ngày 12-6 vừa qua là “Ngày thế giới chống lại tệ nạn lao động trẻ em” nhằm xác định lại mục tiêu loại bỏ mọi hình thức sử dụng trẻ em vào những công việc chỉ phù hợp với người lớn. Hiện nay, Liên Hiệp Quốc ước tính có gần 1,5 tỉ người sống trong những khu vực có xung đột trên thế giới và 200 triệu người chịu ảnh hưởng của những tai họa do bàn tay con người phá hoại môi trường, do thiên nhiên hay những dạng tai họa khác. Về phía trẻ em, hiện có 168 triệu em đang phải lao động tại những vùng xảy ra xung đột hoặc bị thiên tai. Châu Á – Thái Bình Dương nhiều nhất với gần 78 triệu em, tiếp theo là vùng châu Phi hạ Sahara, 59 triệu em, châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê 13 triệu em…
Từ những năm qua, lao động trẻ em đã bị cấm bởi nhiều công ước, trong đó có công ước 182 và công ước 138 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn là nỗi nhức nhối kéo dài của các tổ chức nhân quyền và bảo vệ quyền lợi trẻ em. Nội chiến kéo dài ở Syria là cuộc khủng hoảng nhân đạo hàng đầu của thế kỷ XXI, hàng trăm ngàn thường dân tử vong, khoảng 7,6 triệu người phải rời bỏ chỗ ở trong nước, 4,8 triệu người tỵ nạn ra nước ngoài. Theo những dữ liệu mới nhất, tình trạng trẻ em tỵ nạn người Syria phải đi lao động đã đến mức báo động. Yemen cũng chứng kiến sự gia tăng số lao động trẻ em do chiến tranh tiếp diễn, nhiều em làm những việc nguy hiểm cho sức khỏe. Nhiều nước Ả Rập khác trải qua biến động hay nội chiến, như Libya, Iraq, sự bùng phát lao động trẻ em là hậu quả của tình trạng phân rã, chia cắt trong đời sống xã hội.
Trước hiện trạng này, các nhà bình luận không tỏ ra bi quan, họ cho rằng “vẫn còn có hy vọng ở chân trời”. Theo Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) từ nay đến năm 2030, việc kết thúc lao động trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng và dự trù hoàn tất vào năm 2025. Sự giảm sút tình hình an ninh toàn cầu, mối đe dọa ngày càng gia tăng của nạn đói cùng những biến thái của xã hội chực chờ đưa đẩy hàng triệu trẻ em vào cuộc kiếm sống gian nan và nguy hiểm sẽ được cộng đồng quốc tế bắt tay nhau giải quyết dần, và đến năm 2025, nếu không triệt tiêu được hoàn toàn tệ nạn này thì ít nhất cũng giảm đến mức thấp nhất.
- Lê Nguyễn tổng hợp
Xem thêm:
- Thế giới vẫn còn 152 triệu lao động trẻ em
- Ấn Độ cải cách chính sách lao động trẻ em
- Ngành công nghiệp thuốc lá Mỹ chuộng lao động trẻ em