Trong 25 năm qua, Campuchia đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh liên tục với tổng sản phẩm quốc nội tăng trung bình hơn 7% năm. GDP bình quân đầu người tăng từ mức 250 USD trong những năm đầu thập niên 1990 lên tới 1.100 USD trong năm 2015. Các chỉ số về mức sống cơ bản đã cải thiện, tuổi thọ trung bình đang tiến đến gần 70 tuổi so với 54 tuổi vào năm 1992. Tỷ lệ dân số nghèo (có mức sống dưới 3,1 USD/ngày) đã giảm từ 67% trong năm 1994 xuống còn khoảng 20%.
Tuy nhiên các chỉ số khác đã vẽ nên bức tranh u ám hơn. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nhóm dân mặc dù không bị xếp vào diện nghèo nhưng vẫn có rủi ro về kinh tế, đã tăng đáng kể từ đầu những năm 2000 trong khi chỉ có con số rất ít người được nâng lên tầng lớp trung lưu. Báo cáo cho biết đây là một phần kết quả của tình trạng thiếu hụt nhân lực và các tài sản khác như đất đai. Giáo dục tụt hậu: chưa đến một nửa học sinh cấp 2 và cấp 3 được đi học. Tỷ lệ được sử dụng điện dưới mức 50% tổng dân số, là mức thấp nhất trong số những nước kém phát triển tại Đông Nam Á.
Nhiều cơ quan chính phủ và cơ quan xã hội không thực thi nhiệm vụ bảo vệ các quyền công dân cơ bản và an sinh xã hội. Một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng lâu dài của Khmer Đỏ, lực lượng đã cai trị Campuchia từ 1975 đến 1979, trong thời gian này đã bãi bỏ sở hữu tư nhân về tài sản, phá hủy toàn bộ các chứng tích công. Điều này góp phần hủy hoại luật pháp và các thể chế khác. Ngày nay, đăng ký sở hữu tài sản, trong đó có ôtô và bất động sản vẫn chưa phổ biến. Hầu hết những người sở hữu đất đai cả ở nông thôn và thành thị đều thiếu giấy tờ hợp lệ để xác nhận quyền sở hữu, khiến cho họ dễ bị thiệt hại nếu đột ngột có những tuyên bố về sở hữu đất từ các cơ quan chính phủ hay các doanh nghiệp quyền lực.
Tình trạng tham nhũng đã khiến cho người dân ít tin vào việc thực thi luật pháp để bảo vệ quyền và tài sản cho họ. Một vài người dân Phnom Penh nói rằng họ tránh đến các bệnh viện công khi ốm đau vì sẽ phải hối lộ, kể cả khi họ chỉ nhận được sự chăm sóc y tế mức rẻ tiền. Họ nói khi ốm đau chúng tôi chỉ đến tiệm thuốc tây mua thuốc về uống, đó là lý do có rất nhiều tiệm thuốc trên phố.
- K.M
Xem thêm:
- Campuchia vẫn chậm phát triển
- Gỗ Campuchia sang Việt Nam vượt số lượng năm 2016
- Gạo Campuchia ngon nhất thế giới ba năm liên tiếp